china_celac_3.jpg

Do được tổ chức trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Brazil, Colombia, Peru và Chile nên cuộc gặp trở nên đáng chú ý hơn. Dù đây mới là chuyên công du đầu tiên của ông Lý Khắc Cường tới Mỹ Latinh, nhưng rõ ràng chuyến đi này không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là sự nối tiếp chiến lược tăng cường giao lưu cấp cao của Trung Quốc với khu vực này trong những năm qua. Chỉ riêng Chủ tịch Tập Cận Bình đã thăm khu vực hai lần, vào tháng 6/2013 (Trinidad & Tobago, Costa Rica và Mexico) và tháng 6/2014 (Brazil, Argentina, Venezuela và Cuba). 

Thêm vào đó còn phải kể tới Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-CELAC (Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe) hồi đầu năm nay, được giới quan sát đánh giá là có tiếng vang lớn. Nếu so sánh sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này trong khoảng thời gian từ năm 2001-2002 với hiện tại, có thể thấy sự khác biệt là rất lớn. Thương mại tăng ở cấp số nhân và Trung Quốc hiện là đối tác số một của một vài nền kinh tế lớn trong khu vực. Đầu tư trực tiếp cũng tăng nhanh, mặc dù ở tốc độ thấp hơn và vẫn chưa vượt qua được Mỹ hay Liên minh châu Âu. Cùng lúc, Trung Quốc cũng trở thành chủ nợ lớn của khu vực, trong đó có những khoản tín dụng mang rủi ro khá cao tại Venezuela và Argentina.
Đã có nhiều báo cáo và đánh giá chi tiết về các bước phát triển trong quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, đa phần tập trung vào 4 lối nghĩ (sai lầm) thường thấy tại các nước Mỹ Latinh trong quan hệ với Trung Quốc, như thể quốc gia đông dân nhất thế giới này là giải pháp cho mọi vấn đề quốc gia và khu vực. 

Lối nghĩ đầu tiên là việc cho rằng Trung Quốc là “liều thuốc giải” giúp cho các nước “giải phóng” khỏi mối quan hệ lệ thuộc với Mỹ. Nhiều lãnh đạo và chính trị gia cấp cao của Mỹ Latinh đã nói và làm theo hướng này. Nhưng đây chỉ là quan điểm mang tính ngắn hạn và không tính tới quá trình hội nhập quốc tế của Mỹ Latinh hay bỏ qua những lợi ích to lớn (có thể có) nếu Washington và Bắc Kinh cùng bắt tay giúp giải quyết những vấn đề cơ bản trong khu vực như biến đổi khí hậu hay thương mại quốc tế. 

Thứ hai là việc vội vã đề cập tới quan hệ liên khu vực, thậm chí được gán mác “chiến lược”. Hội nghị Trung Quốc-CELAC được coi như một cơ hội lớn cho cả hai bên. Tuy nhiên, việc nhắc tới phát triển quan hệ giữa hai khu vực có lẽ là lạc quan thái quá nếu xét tới các Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu- Mỹ Latinh trong quá khứ, khi mà triển vọng của nó cũng từng khiến nhiều người mơ mộng về một liên minh chiến lược giữa hai khu vực. 

Nhưng châu Âu trước đây và Trung Quốc hiện tại đều phải đối mặt với một Mỹ Latinh chia rẽ, không có khả năng đạt được đồng thuận trong bất cứ vấn đề mang tính then chốt nào của cả khu vực, chứ chưa nói tới tầm toàn cầu. Hiện thực đó thường biến phần lớn thỏa thuận trong các tuyên bố chung tại mỗi hội nghị thượng đỉnh thành mớ giấy lộn và thay vì quan hệ liên khu vực, chúng ta có một tổ hợp các mối quan hệ song phương cấp quốc gia với vô vàn sắc thái khác nhau. 

Không một khối liên kết tiểu khu vực nào của Mỹ Latinh, từ MERCOSUR (Thị trường chung Nam Mỹ), UNASUR (Liên minh các quốc gia Nam Mỹ), CAN (Cộng đồng các nước Andes) tới Liên minh Thái Bình Dương phát triển quan hệ hay thương lượng với Trung Quốc một cách phối hợp. Khối SICA (Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ) thậm chí còn rắc rối hơn khi chỉ có Costa Rica có quan hệ chính thức với Bắc Kinh, còn các thành viên còn lại - kể cả Panama - lại có quan hệ chính thức với Đài Bắc (Đài Loan), yếu tố đôi khi cản trở các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. 

Lối nghĩ thứ 3 là ảo tưởng về nhu cầu khổng lồ, tưởng chừng như vô tận và không biết mệt mỏi của thị trường Trung Quốc. Ngược lại với lối nghĩ này, giờ đây người ta đã thấy tác động tiêu cực của việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng lên giá cả các loại mặt hàng nguyên liệu thô (xuất khẩu chủ yếu của Mỹ Latinh) trên thị trường thế giới và từ đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latinh. Khi Mỹ và Liên minh châu Âu còn là các thị trưởng chính cho xuất khẩu của Mỹ Latinh, người ta thường nói về sự cần thiết phải đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro (và nhiều lần với hàm ý nhắm vào Trung Quốc). Giờ đây, chúng ta lại phải nhắc lại bài ca cũ về sự cần thiết ấy. 

Và cuối cùng là xu hướng dựa dẫm tăng trưởng thương mại với Trung Quốc và thị trường châu Á trong những năm phát triển ổn định trước đây để duy trì và thậm chí là đào sâu thêm mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là lương thực, với lời bào chữa rằng ai cũng cần ăn và với tư cách là nhà sản xuất lương thực lớn trên thế giới, nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm Mỹ Latinh luôn được đảm bảo. 
Tất nhiên không cần phải từ bỏ việc xuất khẩu nguyên liệu thô, mà điều cần làm là tăng năng suất, giá trị gia tăng của chúng để cạnh tranh với những đối thủ khác trên thế giới, cải thiện giáo dục và nguồn vốn con người, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở cửa nền kinh tế v.v…

Rõ ràng, Trung Quốc là cơ hội lớn của Mỹ Latinh, nhưng nếu không biết tận dụng, các nước trong khu vực này sẽ thêm một lần bỏ lỡ. Để tránh điều đó, có lẽ họ cần học hỏi tính thực dụng từ chính đối tác châu Á của mình và biến tinh thần đoàn kết từ những bài diễn văn vào các cuộc thương lượng, với việc phối hợp và đưa ra quan điểm chung trong đàm phán với Trung Quốc.

Theo Infolatam

Duy Anh (gt)