Chuyến thăm Úc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 3/2015 đã nhấn mạnh quan hệ Úc-Việt Nam với hình ảnh chiến lược rộng lớn hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên, chính sách “xoay trục Thái Bình Dương” của Mỹ và những mối quan tâm của các nước lớn như Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia, các vấn đề chiến lược của khu vực cũng rất quan trọng đối với các cường quốc bậc trung như Úc và Việt Nam. 

Quan hệ Úc-Việt Nam nằm trong bối cảnh song phương và đa phương. Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi và có những lợi ích lẫn nhau giữa hai nước trong việc phát triển quan hệ thương mại và đầu tư. Việt Nam cũng là một nước nhận sự hỗ trợ phát triển của Úc và gửi sinh viên đến các tổ chức giáo dục đại học của Úc. Trong khi đó, đối thoại an ninh và hợp tác quốc phòng, một phần quan trọng của mối quan hệ Úc-Việt Nam, chưa thực sự nổi bật. 

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mối quan hệ Úc-Việt Nam là sự hiện diện của một cộng đồng lớn người Việt tại Úc, chủ yếu là những người tị nạn từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam và con cháu của họ. Theo Bộ Di trú và Bảo vệ biên giới Úc, tính đến cuối tháng 6/2013, có khoảng 215.460 người Việt sinh ra ở Úc. Với nguồn gốc của mình, cộng đồng người Việt tại Úc thường xuyên chỉ trích chính phủ Việt Nam. Nhưng ảnh hưởng của họ đối với các vấn đề lớn trong quan hệ Úc-Việt Nam dường như không đáng kể. Vấn đề nhân quyền thường được tách biệt khỏi các vấn đề lớn của hai nước. 

Ngoài các vấn đề song phương, hai nước cũng tích cực tham gia các vấn đề đa phương. Việt Nam đang tìm kiếm sự ủng hộ của Úc trong nỗ lực trở thành thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Hai nước đều tham gia các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù Úc không phải là thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng việc thúc đẩy quan hệ Úc-Việt Nam nhìn chung sẽ rất có ích cho quan hệ của Úc với ASEAN. 

Quan hệ đối tác toàn diện Úc-Việt Nam tháng 9/2009 đã nhấn mạnh lợi ích chung của hai nước. Tuy nhiên, đây không phải là mối quan hệ đối tác “chiến lược”. Trong chuyến thăm Úc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai chính phủ tái cam kết thúc đẩy quan hệ thông qua việc ký Tuyên bố về Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Úc-Việt Nam. 

Để đánh giá thực chất mối quan hệ giữa Úc và Việt Nam trong bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cần phải lưu ý những đặc điểm quan trọng trong quan điểm chiến lược của cả hai nước. Những lo ngại về một Trung Quốc ngày càng mạnh là điểm chung lớn nhất của Úc và Việt Nam, cho dù hai bên vẫn nhận thức được tầm quan trọng trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc và mong muốn tiếp tục được hưởng lợi từ mối quan hệ này. Trong năm 2013-2014, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Úc, chiếm 36,7% và là nguồn quan trọng nhất của các hàng nhập khẩu của Úc với 19,9%. 

Đối với Việt Nam, Trung Quốc là điểm đến quan trọng thứ ba cho các mặt hàng xuất khẩu và nguồn nhập khẩu quan trọng nhất, chiếm 10% và 27,9% trong năm 2013. Bên cạnh kinh tế, can dự chiến lược chứ không phải là cô lập Trung Quốc với tư cách như một cường quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một lý do quan trọng khác để có quan hệ tốt với Trung Quốc. Úc và Việt Nam đều muốn tránh một tình huống giả định Trung Quốc đóng vai trò bá chủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Văn hóa chiến lược của Việt Nam bắt nguồn từ việc duy trì sự độc lập và tránh sự thống trị. Trung Quốc ở xa Úc nhưng Úc vẫn lo ngại về việc Trung Quốc có thể đóng vai trò chi phối trong khu vực. Úc chủ yếu dựa vào đồng minh của mình là Mỹ để tạo đối trọng cần thiết với Trung Quốc. Việt Nam rõ ràng không có được mối quan hệ như vậy, nhưng đã tìm cách củng cố quan hệ với Mỹ. Cả Úc và Việt Nam đều chú trọng tăng cường quan hệ với các nước lớn khác trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Ấn Độ. 

Cách tiếp cận này đối với Trung Quốc có thể được gọi là “điều chỉnh cân bằng mềm”. Thuật ngữ này liên quan nhiều hơn đến quan hệ với các cường quốc. Quan hệ giữa và trong các nước lớn ở khu vực cũng rất quan trọng. Có thể có những tình huống cụ thể để thử nghiệm biện pháp “điều chỉnh cân bằng mềm”. Một ví dụ ảnh hưởng đến Việt Nam là vấn đề Biển Đông. Vấn đề ở đây là liệu “cân bằng mềm” có hiệu quả để kiềm chế Trung Quốc trong trường hợp này hay không, hoặc liệu “cân bằng mềm” có cần “làm cứng” hay không và bằng cách nào. 

Tuy nhiên, nhìn chung biện pháp “điều chỉnh cân bằng mềm” là một “chiến lược bờ giậu” tránh đẩy bất kỳ một quyền lực hoặc nhóm cường quốc vào một góc. Biện pháp này nhằm mục đích tạo ra sự linh hoạt trong xử lý tình huống. Xét về mặt chiến lược, việc Úc và Việt Nam sử dụng biện pháp này được xem là hữu ích nhất.

Derek McDougall là Giáo sư trường Khoa học Chính trị và Xã hội, Đại học Melbourne. Bài viết được đăng trên East Asia Forum.

Văn Cường (gt)