Quyết định mới đây của Liên minh châu Âu (EU) bổ nhiệm Đại sứ đặc biệt tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là bước đi được chờ đợi từ lâu và được chào đón nhằm tăng cường mối quan hệ với một trong những khu vực năng động và phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Tuyên bố của Ủy ban Đối ngoại châu Âu, tức "Bộ Ngoại giao" của EU, nhấn mạnh rằng việc bổ nhiệm Đại sứ tại ASEAN là "quyết định quan trọng" phản ánh sự can dự ngày càng tăng của châu Âu với khu vực, hướng tới tham vọng nâng cấp quan hệ đối tác hiện nay giữa hai bên lên quan hệ đối tác chiến lược.

Phái viên mới của EU sẽ góp phần quan trọng để “bơm” động lực cần thiết vào quan hệ EU-ASEAN vẫn còn khá mờ nhạt hiện nay. Tuy nhiên, bất chấp những tiến triển tốt trong những năm gần đây, việc xây dựng quan hệ EU-ASEAN vững chắc, bền vững và chiến lược sẽ là một thách thức không dễ vượt qua.

Quan hệ thương mại-đầu tư giữa EU và ASEAN đang bùng nổ, châu Âu và ASEAN cần thị trường của nhau để phát triển, tuy nhiên, ngoài các thách thức toàn cầu cần giải quyết, các nước châu Á và châu Âu cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại.

Trong khi kinh tế tăng trưởng chật vật, tỷ lệ thất nghiệp cao, ưu tiên của châu Âu hiện nay là đối phó với một nước Nga ngày càng khó đoán định và quyết đoán hơn. Các nước châu Âu cũng đang chịu áp lực để tham gia chiến dịch "phá hủy và làm suy giảm" cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" tại Iraq và Syria do Mỹ dẫn dắt.

Trong khi đó, các nước ASEAN đang nỗ lực để đạt được mục tiêu xây dựng thị trường chung ASEAN vào cuối năm 2015. Trên mặt trận chính sách đối ngoại, ASEAN đang thực hiện chính sách cân bằng động tinh tế để duy trì mối quan hệ tốt với ba gã khổng lồ châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Chỉ một vài tuần trước khi diễn ra cuộc họp Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại Milan, ngày 16/10, thông báo của EU cử Đặc phái viên tới ASEAN sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ, khẳng định sẽ tiếp tục can dự với châu Á trong những năm tới. Hội nghị ASEM kéo dài hai ngày lần này sẽ hội tụ 53 đối tác châu Á (bao gồm cả ASEAN) và châu Âu, tập trung thảo luận các thách thức an ninh, kinh tế và chính trị quan trọng mà cả hai khu vực phải đối mặt.

Đáng chú ý, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các nhà lãnh đạo chủ chốt ASEAN cũng sẽ tham dự cùng với Thủ tướng Italy Matteo Renzi, các quan chức hàng đầu của EU, Herman Van Rompuy và Jose Manuel Barroso. Quan chức phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại sắp tới của EU, Ngoại trưởng Italy Federica Mogherini, sẽ được trao cơ hội tập trung khai thác những lợi ích bền vững của châu Âu ở châu Á, bao gồm cả ASEAN, tránh xảy ra như tình trạng người tiền nhiệm Catherine Ashton đã bị chính phủ các nước ASEAN úp mở chỉ trích là thiếu quan tâm thường xuyên tới khu vực này. Theo cơ chế mới do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề xướng, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp trong các lĩnh vực thương mại, viện trợ phát triển, các vấn đề nhân đạo và biến đổi khí hậu để thúc đẩy quan hệ với châu Á. 

Cả EU và ASEAN đã làm việc chăm chỉ trong vòng bốn năm qua để làm cho mối quan hệ hai bên ngày càng thân mật hơn. Tuy nhiên, quan hệ EU và ASEAN là cả một chặng đường dài, các vấn đề nhân quyền, hay quan hệ với chính quyền quân sự cũ ở Myanmar là những thách thức mà hai bên không dễ vượt qua ngay cả khi quan hệ thương mại - đầu tư không ngừng được mở rộng.

Ngoài ra, đối với EU, trở thành thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) vẫn còn là một mục tiêu chiến lược quan trọng, để cùng với 18 thành viên khác thảo luận về các vấn đề an ninh và phát triển. Tuy nhiên, phản ứng của ASEAN cho đến nay đối với tham vọng trở thành thành viên EAS của EU đang thay đổi từ hoan nghênh đến chống lại, do đó động thái bổ nhiệm Đặc phái viên mới của EU tại ASEAN có thể giúp mở cánh cửa gia nhập EAS cho EU trong những năm tới.

ASEAN cũng đang tìm cách nâng cấp quan hệ với EU lên tầm "đối tác chiến lược", định kỳ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN. Đồng thời, với thời hạn thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, nhu cầu khôi phục các nỗ lực đàm phán Thỏa thuận Thương mại Tự do EU-ASEAN lại nổi lên. Quan chức phụ trách thương mại của EU Karel De Gucht nói rằng một thỏa thuận như vậy có thể được đàm phán khi AEC hình thành. Chắc chắn Hiệp định Thương mại Tự do EU-ASEAN sẽ tăng khả năng hiện diện của người châu Âu tại châu Á, nơi đang hiện diện nhiều sáng kiến thương mại tự do như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP)… liên kết ASEAN với tất cả các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực. Đáng chú ý, EU đã trở thành một đối tác quan trọng trong Kế hoạch tổng thể về Kết nối của ASEAN, trong đó bao gồm tăng cường kết nối vật lý, thể chế và người dân. 

Những sáng kiến và các hình thức hợp tác chung EU-ASEAN nên tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm ngay cả khi Đặc phái viên EU chưa bắt đầu lên đường tới Jakarta. Châu Âu và các nước ASEAN đã đi một chặng đường dài trong việc đưa quan hệ đối tác phát triển lên tầng nấc phù hợp hơn trong bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng, và hai khu vực cần phải duy trì động lực kể cả khi có nhiều trở ngại trong và ngoài khu vực.

Theo The Jakarta Post

Văn Cường (gt)