Như chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ, Philippines và Trung Quốc đã bắt đầu trao đổi quan điểm về các tranh chấp biển này nhằm đi đến các giải pháp chấp nhận được cho cả hai bên, kể từ “Tham vấn song phương Philippines - Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông” lần đầu tiên vào tháng 8/1995. Tuy nhiên, dù trải qua hơn mười bảy (17) năm tham vấn, nhưng hai bên không đạt được có tiến bộ nào.

Chỉ tính riêng từ khi xảy ra các vụ xâm nhập ở Bajo de Masinloc (Scarborough/ Hoàng Nham) bắt đầu vào tháng 4/2012, chúng tôi đã thực hiện gần năm mươi (50) lần tham vấn với Trung Quốc.

Về các cuộc thảo luận liên quan đến biển mà Trung Quốc nhắc đến trong các cuộc họp của ASEAN tại Brunei, chúng tôi xin làm rõ rằng, trên thực tế, Philippines đã mời Trung Quốc đàm phán không chính thức. Đàm phán này đã được tổ chức vào đầu năm ngoái, bao gồm một phiên họp hai ngày tại Manila. Kế hoạch đàm phán tiếp theo đã bị phá hỏng bởi những lần phía Trung Quốc xâm nhập liên tiếp vào vùng biển Philippines, đặc biệt là trong vụ Bajo de Masinloc kể từ tháng 4 năm ngoái.

Đồng thời, chúng tôi cũng đã nêu công khai cách tiếp cận 3 mặt gồm ngoại giao, chính trị và pháp lý, kể cả sử dụng thủ tục trọng tài.

Ngược với tuyên bố của Trung Quốc trong các cuộc họp ASEAN tại Brunei rằng Philippines không báo hiệu trước việc khởi động thủ tục trọng tài, trước khi nộp đơn khởi động thủ tục trọng tài, chúng tôi thực sự đã mời Trung Quốc cùng đưa tranh chấp biển ra một cơ chế giải quyết tranh chấp để đạt được giải pháp lâu dài. Chúng tôi đã chính thức chuyển lời mời này cho phía Trung Quốc bằng công hàm ngày 26/4/2012. Trong phản ứng chính thức với Công hàm của chúng tôi, Trung Quốc đã tuyên bố rằng đề nghị của chúng tôi là một vấn đề “không có cơ sở” và thúc giục Philippines “không được thực hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”.

Trước đó, vào những dịp khác nhau và bằng lời nói, chúng tôi đã mời Trung Quốc cùng chúng tôi ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Trên thực tế, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của BTNG Albert F.del Rosario đến Trung Quốc vào tháng 7/2011, ông đã đề nghị với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc là hai bên cùng đưa vấn đề ra xét xử tại ITLOS. Trong chuyến thăm này, BTNG del Rosario đã thảo luận chi tiết điều này với BTNG/Trung Quốc Dương Khiết Trì, người sau đó đã đi cùng BTNG del Rosaria tới gặp PCT/Trung Quốc Tập Cận Bình.

BTNG Albert F.del Rosario đến thăm Bắc Kinh 3 lần và mỗi lần đều mời BTNG/Trung Quốc tới Manila để thảo luận. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn đang chờ phản hồi tích cực của phía Trung Quốc về lời mời đã được nhắc đi nhắc lại này.

Trong tất cả các cuộc đối thoại nêu trên, Trung Quốc luôn khăng khăng duy trì quan điểm cứng rắn về "chủ quyền không thể tranh cãi" ở Biển Đông, bao gồm cả Biển Tây Philippines, dựa trên căn cứ lịch sử. Thông điệp rõ ràng của Trung Quốc là: Các ông phải chấp nhận toàn bộ Biển Đông là của chúng tôi trước khi chúng ta có thể nói chuyện. Do đó, chúng tôi không thể tiếp tục thảo luận song phương về tranh chấp ở Biển Tây Philippines với Trung Quốc trong khi Trung Quốc giữ quan điểm cứng nhắc như vậy. Thực tế này cuối cùng đã buộc chúng tôi phải sử dụng đến thủ tục trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật biển (UNCLOS).

Philippines luôn kiên định chủ trương giải quyết hòa bình tranh chấp biển Tây Philippines tại Tòa án trọng tài hiện đã được thành lập. Một lần nữa, chúng tôi nhắc lại rằng Philippines tuân thủ các thỏa thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo của Philippines và Trung Quốc vào năm 2011: “không để cho các tranh chấp trên biển ảnh hưởng đến bức tranh tổng thể quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước”.

Bộ Ngoại giao Philippines.

Thuỳ Anh (gt)