Theo tờ báo trên, Trung Quốc và Việt Nam đang tìm cách tranh giành nguồn lợi khổng lồ trên Biển Đông. Hiện có hai luồng dư luận khác nhau về quan hệ Việt-Trung. Ông Frederick Z. Brown, Giáo sư khoa Nghiên cứu Đông Nam Á của trường Đại học Tổng hợp John Hopkins, nói: "Tôi cho rằng tình hình giữa hai nước đang nóng lên, chứ chưa tới mức căng thẳng. Trên thực tế, bất đồng tại Biển Đông đã diễn ra nhiều thập kỷ".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cho rằng chẳng bao lâu nữa tình trạng phức tạp ngày càng leo thang giữa hai nước láng giềng này sẽ bùng phát. Ông Yanzhong Huang, chuyên gia về các mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nói: "Tôi không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nếu Việt Nam áp dụng một số biện pháp như Ấn Độ đã làm năm 1962, điều đó sẽ tạo cớ cho Trung Quốc trở lại hành động... Hiện nay, Mỹ đang bận rộn ở Trung Đông. Nếu xung đột bùng nổ, Trung Quốc có thể tấn công mà không phải lo ngại phản ứng của Mỹ". 

Ông John D. Ciorciari - nhà phân tích của Hội châu Á đặt trụ sở tại Niu Yoóc, một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận có nhiệm vụ thúc đẩy sự hiểu biết về các vấn đề châu Á - nói: "Căng thẳng có thể trở nên cực kỳ nghiêm trọng khi các sự kiện trên biển làm tăng chủ nghĩa dân tộc cạnh tranh". Theo ông John D. Ciorciari, rất khó trả lời câu hỏi "khu vực biển Đông là của nước nào?", và do câu trả lời cho câu hỏi này chưa có, nên "giải pháp pháp lý phải dựa trên cơ sở phán xử quốc tế hoặc các thỏa thuận song phương". Nếu hai bên không sẵn sàng đàm phán, xung đột vũ trang sẽ là một lựa chọn. Ông John D. Ciorciari cho rằng xung đột hải quân sẽ là một quyết định gây bất lợi.

Ông nhấn mạnh: "Các nước Đông Nam Á không muốn gây chiến với người khổng lồ đang lên là Trung Quốc. Ngược lại, nếu xảy ra xung đột lớn, Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại vì cuộc xung đột đó sẽ làm tê liệt cuộc tấn công kinh tế ngoạn mục của Bắc Kinh ở Đông Nam Á".

Theo Ibtimes

  Vũ Hiền (gt)