Đầu tháng 8/2012, Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng một biện pháp bất thường bằng cách công bố một thông cáo báo chí chỉ trích Trung Quốc thành lập một khu hành chính mới bao gồm hầu hết các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Ngay lập tức, các phương tiện truyền thông của Bắc Kinh đã đáp trả bản thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ bằng những lời lẽ công kích mạnh mẽ và làm tăng thêm tình cảm bức xúc trong công chúng Trung Quốc. Vấn đề xử lý các căng thẳng cũng như các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, mặc dù Oasinhtơn không có ý định làm cho tình hình tranh chấp Biển Đông trở nên xấu đi vào lúc này. Nhưng năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bỗng nhiên lên tiếng phản đối những hành động đơn phương ở Biển Đông và ủng hộ việc phát triển Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả để quản lý hoạt động của các nước tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Dư luận cho rằng đây là hành động cần thiết nhằm chỉ trích Trung Quốc chấm dứt thái độ do dự trong việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử và hạn chế những hành động quyết đoán của các ngư phủ cũng như các thợ khoan dầu khí của Trung Quốc. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ được kèm theo các tuyên bố cho rằng Oasinhtơn không quan tâm đến các tranh chấp lãnh thổ cụ thể, nhưng nhấn mạnh quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế có nhiều tàu thuyền qua lại cũng như giải quyết các bất đồng một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trung Quốc không muốn Mỹ thúc đẩy vấn đề bất đồng ở thời điểm khi nền ngoại giao Trung Quốc đang thực hiện "các mục đích riêng" ở biển Hoa Đông (Trung Quốc gọi là Đông Hải) cũng như trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng cuối năm 2010, Trung Quốc đã cố gắng hơn để hợp tác với các nước láng giềng và lời cảnh báo của Ngoại trưởng Clinton dường như có tác dụng tốt. Gần đây hơn, Cố vấn An ninh Quốc gia của Mỹ Thomas Donilon đến thăm Bắc Kinh và được các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Chính phủ Trung Quốc tiếp đón và thảo luận các bất đồng giữa hai bên. Ngay sau chuyến thăm của Cố vấn An ninh Quốc gia Donilon, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ được coi như một cú sốc tại Bắc Kinh.

Tình hình Biển Đông rất phức tạp do các tuyên bố chủ quyền mập mờ, đánh bắt cá bừa bãi, và cạnh tranh khai thác các nguồn dự trữ dầu lửa và khí đốt. Tấm bản đồ "đường đứt khúc chín đoạn”, trước kia 11 đoạn, của Bắc Kinh nhằm hợp pháp hóa khoảng 80% Biển Đông và các vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Hai đoạn phân chia các tuyên bố của Trung Quốc và Việt Nam đã được hai bên giải quyết thông qua các cuộc đàm phán song phương cách đây nhiều năm. Điều này cho thấy đường đứt khúc chín đoạn còn lại có thể đàm phán tương tự. Nhưng Trung Quốc kiên quyết từ chối làm rõ cơ sở của các tuyên bố chủ quyền của họ hoặc dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) chấp nhận hoặc những bằng chứng lịch sử không được đa số dư luận chấp nhận. Việc từ chối làm rõ cơ sở tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh muốn phát huy tối đa đòn bẩy pháp lý và chính trị riêng của họ, khi tốc độ tăng trưởng của các tài sản quân sự và hàng hải của Trung Quốc đạt được sức mạnh đáng kể so với các nước láng giềng yếu hơn. Nhưng không chỉ riêng Bắc Kinh mà Hà Nội đã thuê các công ty nước ngoài tiến hành thăm dò dầu khí ở các lô thuộc các vùng biển tranh chấp và hiện nay Manila cũng đang tìm cách làm tương tự. Trong khi đó, các cuộc chiếm đóng thuộc địa trước đây của các nước thực dân để lại hồ sơ tuyên bố chủ quyền lịch sử không liên tục, khiến các nước hiện nay có xu hướng chủ yếu dựa vào UNCLOS để quản lý các nguồn tài nguyên tranh chấp. Bên cạnh đó, các nước tranh chấp cũng khuyến khích và muốn lôi kéo Mỹ đứng về phía họ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Đây là khu vực Mỹ cần hành xử một cách thận trọng và chỉ hành động sau khi cân nhắc nhiều biện pháp. Mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á là quản lý sự phát triển của Trung Quốc bằng nhiều biện pháp để không ảnh hưởng đến các lợi ích sống còn của Mỹ trong khu vực. Hướng tới giai đoạn chuyển tiếp đòi hỏi Mỹ phải có sức mạnh, nhất quán và công nhận những thực tiễn đang thay đổi. Các cuộc thử nghiệm nghiêm túc mối quan hệ Trung - Mỹ sẽ là: Oasinhtơn sẽ cố gắng thuyết phục Bắc Kinh chấp nhận các luật pháp quốc tế hiện hành và các nguyên tắc đã mang lại nền hòa bình lâu dài, ổn định và thịnh vượng cho các bên tham gia, đặc biệt là Trung Quốc. Bắc Kinh có ý đồ khai thác sự khác biệt về sức mạnh nhằm chống lại chính sách của các nước có thái độ tích cực và tăng chi phí cho những nước có thái độ tiêu cực. Đây có thể là một toan tính dẫn đến lời cảnh báo gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với Bắc Kinh. Nhiều người ở Oasinhtơn không chấp nhận các chiến thuật mạnh tay của Trung Quốc tại cuộc họp của Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN tháng trước đã ngăn cản Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa ra một thông cáo chung sau khi kết thúc hội nghị hàng năm lần đầu tiên trong 45 năm qua. Hơn nữa, Trung Quốc đã tăng cường triển khai lực lượng hải quân và bổ sung lực lượng cho các đội tàu dân sự khác nhau của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. Tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa và đồn trú lực lượng quân sự tại khu vực tranh chấp của Chính phủ Trung Quốc dường như nhằm đẩy sự kiên nhẫn của Oasinhtơn vượt qua các giới hạn. Các quan chức Mỹ cho rằng các sĩ quan quân đội và những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc cần phải được dạy cho một bài học rằng các chính sách của họ là phản tác dụng.

Cuộc thử nghiệm một sáng kiến như vậy của Mỹ liệu có hiệu quả để đạt được mục tiêu chiến lược chủ yếu. Đánh giá sự giận dữ của Trung Quốc sau khi Việt Nam và Philíppin tiến hành các biện pháp để khai thác các nguồn tài nguyên ở vùng biển tranh chấp mà không bị chỉ trích, tuyên bố của Mỹ dường như không đạt kết quả như mong đợi. Chỉ vài tuần trước khi xu hướng căng thẳng tăng lên, Chính quyền Obama tổ chức thành công chuyến thăm của Tổng thống Philíppin Benigno S. Aquino III mà Manila hy vọng sẽ lôi kéo Oasinhtơn hợp tác chặt chẽ hơn với Philíppin trong các tuyên bố chủ quyền Biển Đông. Tổng thống Obama nhẹ nhàng khẳng định với ông Aquino rằng Oasinhtơn ủng hộ liên minh mạnh mẽ và ngày càng tăng, nhưng Manila phải tự mình hoặc cùng các nước tuyên bố chủ quyền khác xử lý các tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ sẽ ủng hộ các cuộc đàm phán mang tính chất nguyên tắc và một giải pháp hòa bình, nhưng không chỉ rõ các kết quả cụ thể. Hiện nay, bằng cách chỉ trích Bắc Kinh nhưng không chỉ trích các nước khác, các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng Mỹ đã đứng về phía các nước chống lại Trung Quốc. Điều này đã phá hủy các khẳng định của Mỹ theo đuổi cách tiếp cận mang tính nguyên tắc trên cơ sở luật pháp quốc tế do thể hiện quan điểm không vô tư.

Các lợi ích trực tiếp của Mỹ ở Biển Đông không phải không có giới hạn. Mỹ không có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Hiện nay các công ty và công dân Mỹ không bị rủi ro. Tự do hàng hải rất quan trọng và Trung Quốc coi nhẹ UNCLOS nên đã tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông. Hoạt động thu thập tình báo của Mỹ trong khu vực sẽ thường xuyên gặp khó khăn khi Trung Quốc kiên quyết không cho phép các hoạt động như vậy. Đến nay, nguồn gốc xung đột này đang được giới lãnh đạo chính trị của hai bên quản lý nhằm ngăn ngừa xảy ra các sự cố nghiêm trọng để ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ mối quan hệ Mỹ-Trung. Do những tác động tiêu cực gây nên bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như phản ứng của các nước láng giềng, hiện nay Mỹ quan tâm nhiều hơn đến giải pháp hòa bình. Hơn nữa, Mỹ thường chú trọng tăng cường các quy định của luật pháp quốc tế nhằm giảm bớt chi phí cho việc duy trì ổn định và quản lý sự thay đổi đang diễn ra trong khu vực. Hiện nay, Trung Quốc không quân sự hóa chính sách đối ngoại của họ và dường như không hành động như vậy trong thời gian dài. Hơn nữa, các nước láng giềng của Trung Quốc không thụ động và khi cần thiết họ có thể đoàn kết thành một khối để chống lại những hành động tiêu cực của Trung Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc và các nước láng giềng vẫn đang thúc đẩy các mối quan hệ thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác nhiều hơn bất đồng ở Biển Đông. Điều đó cho thấy tình hình Biển Đông có khả năng quản lý được, mặc dù các bất đồng đó không thể giải quyết trong một vài năm tới. Thực tế, các xã hội châu Á khác nhau đã quen sống chung với các tranh chấp chưa được giải quyết trong nhiều thế kỷ. Từ thực tế đó, Mỹ sẽ hành động trên cơ sở quan điểm có nguyên tắc và ủng hộ một tiến trình công bằng cho tất cả các nước bất đồng cũng như các nước xung quanh bị ảnh hưởng. Để thực hiện điều đó, Oasinhtơn sẽ bảo vệ quan điểm không thiên vị và tránh lặp lại các tuyên bố gây hiểu lầm như tuyên bố vừa qua của Bộ Ngoại giao Mỹ./.

Theo " The Diplomat" (ngày 18/8)

Vũ Hiền (gt)