Trung Quốc đã gây ra khủng hoảng lớn khi hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, với việc dùng lực lượng quân sự đã đặt ra thách thức lớn đối với Mỹ và Nhật Bản. Cả Mỹ và Nhật Bản đang hợp tác để hỗ trợ xây dựng lực lượng an ninh biển tại Philippines và Việt Nam.  Cả hai nước đều giúp Việt Nam mua tầu tuần tra biển. Cả Ấn Độ cũng đặt ưu tiên giúp Việt Nam hiện đại hóa quân sự và dự kiến sẽ cung cấp cho Việt Nam 4 tàu tuần tra đại dương.

Mặc dù Nga không trực tiếp can dự vào tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực nhưng vẫn giữ Việt Nam là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất và đang thực hiện kế hoạch chuyển giao 6 tàu ngầm tiên tiến lớp Kiko cho Việt Nam. Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đều hỗ trợ ASEAN về chính trị và ngoại giao  trong tham vấn với Trung Quốc về thực hiện DOC và sớm xây dựng COC. Ba nước trên cũng tiếp tục gây sức ép để Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế và UNCLOS.

Về hành động sắp tới của Trung Quốc

Nước này sẽ tiếp tục khẳng định sự hiện diện của mình tại Biển Đông thông qua nhiều biện pháp như cải tạo các đảo, xây các công trình cơ sở hạ tầng như đường bay, cầu tàu. Trung Quốc sẽ đưa các thiết bị như máy phát điện, lọc nước, các thiết bị sửa chữa ra các đảo nhân tạo. Điều này có thể giúp Trung Quốc định cư hóa các đảo với số dân nhất định. Trung Quốc cũng sẽ mở rộng các hoạt động đánh bắt cá thông qua cử các tàu lớn đi về phía nam để chế biến và bảo quản số lượng hải sản mà hàng trăm tàu cá của Trung Quốc đánh bắt được.

Những động thái trên sẽ gia tăng đối đầu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển nằm trong đường 9 đoạn. Trung Quốc sẽ bảo vệ đội tàu cá bằng cách cử thêm nhiều tàu chấp pháp, đe dọa các tàu hải cảnh của các nước trong khu vực. Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động khai thác, xây dựng thêm các giàn khoan kiểu 981 và đưa vào hoạt động trong năm 2016-2017. Những giàn khoan này sẽ được hộ tống bởi đội tàu cỡ lớn.

Cuối cùng, Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa hải quân: tổ chức diễn tập hải quân quy mô lớn hơn trong vùng tranh chấp. Ngoài ra Trung Quốc sẽ đánh lạc hướng tham vấn với ASEAN về DOC và COC. Tóm lại, Trung Quốc sẽ xây dựng nền móng cho sự chiếm đóng lâu dài tại Biển Đông, bất chấp quyết định của Tòa trọng tài Liên Hợp Quốc liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Về tranh chấp Việt Nam-Trung Quốc tại Hoàng Sa

Trung Quốc sẽ kiểm soát tranh chấp Hoàng Sa với Việt Nam, dùng ảnh hưởng chính trị và kinh tế để thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam hợp tác với Trung Quốc bằng cách giảm nhẹ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên bộ và trên biển. Khi Việt Nam hành động độc lập hoặc hành động theo cách  làm Trung Quốc không hài lòng, Trung Quốc sẽ lại gây sức ép với Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc tác động nghiêm trọng đến niềm tin chiến lược giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Hầu hết các nước trong khu vực đều cố đứng ngoài tranh chấp tại Biển Đông. Nhiều nước không tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình. Một số sẽ đi theo Trung Quốc và hy vọng sẽ được thưởng vì “xử xự tốt”. Các nước khác sẽ thực thi chiến lược rào cản, cố gắng duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc trong khi tìm kiếm sự hỗ trợ từ Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ để cân bằng với Trung Quốc.

Về chính sách Biển Đông của Việt Nam

Việt Nam thực hiện chính sách hết sức đúng đắn trong quan hệ với Trung Quốc: vừa hợp tác vừa đấu tranh, đa phương hóa các quan hệ và hiện đại hóa quốc phòng. Việt Nam cần cố gắng duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc bằng cách tách tranh chấp Biển Đông khỏi tổng thể quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phát triển quan hệ với Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ bằng cách tạo cho họ lợi ích trong sự ổn định của Việt Nam và hòa bình, an ninh khu vực.  

Việt Nam cũng cần hướng 9 thành viên khác của ASEAN thành một nhân tố gắn kết và mạnh hơn về ngoại giao. Việt Nam không nên quá đánh giá sức mạnh của ASEAN nhưng Việt Nam cần sự hỗ trợ tiếp tục của ASEAN. Việt Nam cần duy trì sự thống nhất nội bộ trong khi hiện đại hóa vững chắc lực lượng quân sự. Việt Nam cần hợp nhất các lực lượng vũ trang: hải, lục, không quân để các lực lượng này có thể hỗ trợ cho nhau. Việt Nam cần hợp nhất các hệ thống vũ khí đa dạng của họ để đạt được sự hiệp lực tối đa.

Về điểm nhấn của đối ngoại Việt Nam trong 2015 

Năm nay, Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này tạo cơ hội cho hai nước nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên tầm cao mới. Đây là thời điểm phù hợp để Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam và  đón đoàn cấp cao từ Việt Nam sang thăm Mỹ. Cả Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam đều đã thăm Mỹ, vì vậy đây là thời điểm chín muồi cho chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 2015, Mỹ dự định cử Bộ trưởng Quốc phòng thăm Việt Nam, một phần trong trao đổi đoàn quốc phòng 3 năm/lần. Thành tựu quan trọng của Việt Nam trong 2015 sẽ là việc hoàn tất đàm phán TPP, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thông qua đạt được sự thâm nhập đặc biệt vào thị trường Mỹ. Một điểm nhấn nữa của đối ngoại Việt Nam năm 2015 có thể là chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy khả năng hai nước có thể đàm phán để đạt được đột phá và  thỏa thuận về “hợp tác cùng phát triển” hoặc khai thác chung trong khi gác lại tranh chấp chủ quyền.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Chennai

Văn Cường (gt)