Chính sách hiện nay của TQ là "việc đã rồi", đồng thời hết sức tránh sử dụng lực lượng quân sự. Thực tế là hải quân TQ chưa bao giờ can thiệp vào các vụ việc, ngược lại, TQ đẩy các lực lượng bán quân sự lên tuyến trước, như hải giám, kiểm ngư, cảnh sát biển, an toàn hàng hải… Báo Le Monde trích đánh giá của International Crisis Group trong báo cáo ngày 23/4 cho rằng việc tăng cường sử dụng các lực lượng bán quân sự và cảnh sát trong tranh chấp chủ quyền này càng làm tăng nguy cơ xung đột, vì một tàu quân sự thực sự bao giờ cũng tỏ ra kiềm chế hơn các lực lượng bán quân sự, và do các lực lượng bán quân sự này thường không cân nhắc đến những hệ lụy đối ngoại nhiều như lực lượng quân sự.

Các lực lượng bán quân sự cho phép TQ có một lớp đệm và chính quyền trung ương từ đó dễ dàng thoái thác trách nhiệm khi cần thiết. Chính sách này tuy nhiên cũng thể hiện một yếu điểm của TQ là sự phối hợp giữa các cơ quan về biển của TQ khá kém và thậm chí TQ đang phải yêu cầu nước ngoài trợ giúp để tăng cường năng lực phối hợp giữa các cơ quan quản lý biển với nhau.

Một cấu thành khác trong chiến lược của TQ là triển khai ngư dân đi khắp nơi. Các tỉnh ven biển TQ có chính sách trợ cấp rộng rãi cho ngư dân để hiện đại hóa tầu thuyền và tăng cường đánh bắt càng ngày càng xa, tạo cho TQ năng lực đánh bắt vượt xa các nước láng giềng, ví dụ như tỉnh Hải Nam có tầu đánh bắt chế biến liên hoàn xa bờ trọng tải 32.000 tấn với 600 người làm việc trên tàu.

Trên tất cả các hồ sơ hiện nay, TQ đều cố gắng giữ thương lượng ở khuôn khổ song phương, tránh đưa ra các thể chế đa phương. TQ cũng rất hạn chế trong sử dụng các ngôn từ luật pháp phù hợp, chỉ hạn chế ở điều mà họ gọi là “quyền lịch sử”. Quyền lịch sử này dẫn dụ đến một khái niệm rất mơ hồ về luật pháp. Nó gắn với huyền thoại của một Trung Hoa đế chế siêu cường mà tuyên truyền TQ không ngừng tán dương “thế hệ vĩ đại” của thời đó, tiếp sau giai đoạn bị phương Tây sỉ nhục, giống như Mussolini luôn có tham vọng tái khẳng định Đế chế La mã cũ. Một blogger TQ nói cần phải hiểu là TQ không coi khu vực này là phải chịu theo luật pháp quốc tế: luật lệ không được nói ra ở đây chính là khái niệm Thiên Hạ, nghĩa là một hệ thống lệ thuộc vào trung tâm mà ở đó chính là Trung Hoa. Năm 2010, các chuyến gia Mỹ đã coi lập trường của TQ như là một dạng của học thuyết Monroe áp dụng cho các vùng biển trong khu vực, giống như TTh Mỹ thời bấy giờ muốn ngăn cấm mọi sự can thiệp của Châu Âu vào Tây Bán Cầu.

Nhưng liệu có thể có một cuộc va chạm nghiêm trọng ở Biển Đông được không? Chiến lược duy trì căng thẳng của TQ cũng có những giới hạn do phải cẩn trọng và thực tế. Sự mở cửa và phát triển kinh tế của TQ vẫn là ưu tiên hàng đầu của TQ hiện nay, và Đảng CS TQ cũng không muốn có xáo trộn trước thềm Đại hội 18 vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, với một dư luận bên trong TQ gắn bó sâu sắc với "quyền lịch sử" của TQ trên biển, thì mọi tính toán sai lầm đều có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được. Và với những biến động hiện nay trong quân đội và chính quyền ở TQ, không thể coi nhẹ tác động của một va chạm dù nhỏ nhất.

Theo Le Monde

Trần Quang (gt)