Ông Đới Bỉnh Quốc cho biết, ngày 25/6, ông đã gặp Đặc phái viên Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về quan hệ hai nước và vấn đề Biển Đông. Như thông tin đã đưa, hai bên đã đạt được một số nhận thức chung, bày tỏ sẵn sàng cùng nỗ lực, áp dụng một số biện pháp hữu hiệu bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông. Điều này là phù hợp với lợi ích của cả hai nước Trung - Việt, phù hợp với lợi ích chung của khu vực, cũng là phù hợp với lợi ích của các nước khác trên thế giới.

Về vai trò của Mỹ ở Biển Đông, ông Đới Bỉnh Quốc đã không trả lời thẳng vấn đề mà cho rằng, Mỹ đưa ra tuyên bố của Mỹ, Việt Nam cũng đưa ra tuyên bố của Việt Nam, cuối cùng điều này là cái gì thì để phóng viên tự đánh giá.

Khi phát biểu công khai tại Hội nghị, ông Đới Bỉnh Quốc khẳng định Trung Quốc không giống Liên Xô cũ, Trung Quốc sẽ thực hiện sự trỗi dậy hòa bình. Đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền, Trung Quốc xử lý đặc biệt thận trọng. Hi vọng Mỹ sẽ đối xử với thái độ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Ông Đới Bỉnh Quốc đã không đề cập đến vấn đề Biển Đông và cũng không nhắc đến cuộc tham vấn Trung - Mỹ về các công việc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vừa qua, song lại nhấn mạnh đến việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

Cũng bên lề Hội nghị, Đài Phượng Hoàng đã phỏng vấn cựu NT Mỹ Kissinger phải chăng Mỹ đã đứng sau lưng Việt Nam và Philippines để làm nóng vấn đề tranh chấp ở Biển Đông? Kissinger đã phủ nhận và nhấn mạnh rằng Mỹ không có lập trường gì đặc biệt đối với tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ chỉ quan tâm vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông; cho rằng sẽ nhanh chóng có phương án giải quyết vấn đề; khẳng định Mỹ không có ý gây chuyện, Mỹ rất coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và Mỹ mong muốn các tranh chấp hiện nay sẽ được giải quyết bằng phương thức hòa bình.

Cùng ngày 28/6, mạng Phượng Hoàng đăng bình luận của Phó Viện trưởng Học viện quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc Jin Can Rong về việc hai nước Trung Quốc - Việt Nam tiến hành trao đổi về vấn đề Biển Đông, cho rằng: “thái độ của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông thực tế là có liên quan đến bối cảnh kinh tế, chính trị trong nước. Hiện tình hình kinh tế Việt Nam không tốt, CPI tăng rất cao đến 19,8%. Việt Nam cũng vừa tiến hành Đại hội Đảng, Lãnh đạo cấp cao vừa mới nhậm chức. Xuất phát từ những nguyên nhân đó chính phủ Việt Nam cần có thái độ cứng rắn hơn về ngoại giao. Về môi trường bên ngoài, việc Mỹ quay trở lại Biển Đông và các xung quanh Biển Đông cũng có xu thế “kết bè” với nhau rõ hơn. Đây là những nguyên nhân khiến Việt Nam cứng rắn trong vấn đề Biển Đông”. Lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông luôn không thay đổi, lâu nay luôn là gác tranh chấp, cùng khai thác. Cuộc trao đổi giữa hai nước lần này là sự mở đầu tốt đẹp cho giải quyết vấn đề Biển Đông. Nếu như không có những nhân tố đột phát khác quấy nhiễu, Trung Quốc và Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông bằng phương thức “đàm phán”.

Tiến Anh (gt)