Mỹ và Nhật Bản bắt đầu can dự vào những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mới đây, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được một thỏa thuận mới về việc cùng sử dụng các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Theo các tin tức truyền thông, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dự kiến triển khai lực lượng cùng quân đội Mỹ tại Philíppin. Nếu được Manila phê chuẩn, Nhật Bản, Mỹ và Philíppin sẽ cùng nhau thực hiện huấn luyện quân sự đặc biệt tại các căn cứ quân sự của Philíppin. Trong những năm gần đây, Việt Nam và Philíppin đã giành được những lợi ích kinh tế lớn thông qua khai thác tài nguyên dầu khí tại Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải tại Biển Đông, chủ yếu do tham vọng kinh tế, các nước trong khu vực đang coi việc "xích lại gần hơn" với Nhật Bản và Mỹ như một chiến lược nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc thôn tính toàn bộ Biển Đông. Đây chính là điều kiện thuận lợi và là thời điểm tốt để Mỹ và Nhật Bản cùng can dự vào những tranh chấp tại Biển Đông. Trong tiến trình tái tập trung chú ý chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á là một trọng tâm quan trọng của Mỹ. Trong hai năm qua, Mỹ đã gia tăng đầu vào chiến lược vào khu vực này. Về quân sự, Mỹ đang tìm kiếm sự đồn trú lâu dài tại một số căn cứ quân sự trong khu vực. Hiện nay, Mỹ đang đề nghị được trở lại căn cứ quân sự Vịnh Subic của Philíppin và cử tàu tuần duyên chiến đấu hiện đại nhất đến đó. Mỹ cũng đang tăng cường các cuộc tập trận tại các khu vực và vùng biển xung quanh Trung Quốc. Mặc dù không phải tất cả các cuộc tập trận trên đều nhằm vào Trung Quốc, nhưng một số cuộc tập trận thực sự nhằm răn đe Trung Quốc và tăng cường uy tín của Mỹ tại châu Á.

Không giống với Mỹ, Nhật Bản hành động một cách khôn ngoan hơn trong việc can thiệp vào các tranh chấp tại Biển Đông. Nhật Bản đã dỡ bỏ chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí sau khi Thủ tướng Yoshihiko Noda lên nắm quyền. Về bản chất, đây là sự chuẩn bị để hỗ trợ các nước Đông Nam Á có liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông thông qua việc xuất khẩu vũ khí cho những nước này. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có kế hoạch cung cấp tàu tuần tra cho Philíppin và hỗ trợ nước này trong việc huấn luyện lực lượng tuần duyên. Những hành động trên cho thấy Nhật Bản đang mở rộng tầm với quân sự tại Biển Đông và xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Tình hình lộn xộn tại Biển Đông có lợi cho Nhật Bản. Khi những tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư ngày một tăng, Nhật Bản hy vọng những "mối quan tâm" khác của Trung Quốc tại Biển Đông có thể làm xao lãng sự chú ý của Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư. Sự can thiệp của các nước bên ngoài tại Biển Đông đang làm phức tạp thêm tình hình khu vực. Khi được Mỹ và Nhật Bản ủng hộ, các nước như Philíppin và Việt Nam dường như có thái độ cứng rắn hơn. Philíppin và Trung Quốc đối đầu nhau suốt hơn nửa tháng qua tại bãi đá cạn Scarborough (phía Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), có tiềm năng châm ngòi cho một cuộc chiến khu vực. Các nước Đông Nam Á cũng đang tăng cường hiện đại hóa quân sự thông qua việc nhập khẩu thêm các loại vũ khí hiện đại, đe dọa sự ổn định khu vực và có nguy cơ châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang.

Việc Mỹ và Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ các nước Đông Nam Á trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhằm ngăn chặn Trung Quốc là một chiến lược thiển cận vì chiến lược này không những làm xáo trộn an ninh khu vực mà còn đe dọa sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản. Các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philíppin có thể đóng vai trò hiệu quả trong việc cân bằng Trung Quốc, nhưng không nên khuyến khích hai nước này nuôi tham vọng bá chủ khu vực. 

Tác giả Zhou Yongsheng là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Đại học Ngoại giao Trung Quốc

Theo Globalresearch (ngày 5/5)

Hương Trà (gt)