Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng phương thức hiệp thương song phương, nhưng Philippines lại bỏ ngoài tai, không những lôi kéo thế lực bên ngoài can thiệp, mà còn liên tục phát đi những lời lẽ khiêu khích trên vấn đề đảo Hoàng Nham, có ý đồ đa phương hóa, phức tạp hóa tranh chấp. Trong phát biểu ngày 14/8, Ngoại trưởng Philippines Rosario bày tỏ, BNG/Philippines luôn kiên trì thông qua 3 biện pháp chính trị, pháp lý và ngoại giao để xử lý vấn đề tranh chấp. Cái gọi là biện pháp chính trị là lợi dụng các nước khác và tổ chức quốc tế để thực hiện hòa giải, tìm kiếm sự ủng hộ của ASEAN và LHQ; biện pháp pháp lý là căn cứ Công ước của LHQ về Luật biển để giải quyết tranh chấp; biện pháp ngoại giao là đàm phán song phương với Trung Quốc. Trên thực tế, Philippines chỉ sử dụng 2 biện pháp đầu, còn khi Trung Quốc đưa ra yêu cầu thông qua đàm phán song phương để giải quyết vấn đề Biển Đông vào năm 2011 thì đã bị Philippines từ chối. Có bình luận cho rằng, Philippines làm như vậy không phải là sách lược ngoại giao đúng đắn. Kiểu làm vừa muốn nhận được hợp đồng thương mại lớn từ Trung Quốc, nhưng không muốn nhượng bộ trên vấn đề Biển Đông là không thực tế.

Việt Nam và Ấn Độ luôn muốn khoe cơ bắp. Cùng với Philippines, Việt Nam thúc đẩy vấn đề Biển Đông, nhưng không chỉ bằng lời nói. Việt Nam đang bắt tay xây dựng lực lượng hải quân có sức uy hiếp mạnh. Hãng tin Itar-Tass của Nga nói rằng, một trong 6 chiếc tàu ngầm lớp “Kilo” mà Việt Nam đặt mua của Nga sẽ hạ thủy chạy thử trong tháng này và có thể bàn giao sử dụng trong năm nay. Ngoài ra, trước đó Việt Nam cũng đã đặt mua của Nga 2 tàu hộ vệ “Gerpad” và có kế hoạch tự lắp đặt 2 chiếc tàu loại này. Việt Nam còn đầu tư mạnh cho không quân, đặt mua của Nga 12 máy bay Su-30 để bố trí tại căn cứ Phan Rang ở miền Trung Việt Nam, chủ yếu tác chiến hướng Hoàng Sa và Trường Sa. So với máy bay cùng loại của Trung Quốc, do Việt Nam mua sau nên thiết bị của loại máy bay này tiên tiến hơn.  Ấn Độ cũng ủng hộ Việt Nam về quân sự, bao gồm cung cấp cho Việt Nam tàu hộ vệ tàng hình P28 và tên lửa siêu thanh “Brahmos”. Mặc dù Tư lệnh Hải quân Ấn Độ gần đây nói rằng Hải quân Ấn Độ hiện nay vẫn tập trung ở Ấn Độ Dương, chứ không phải Biển Đông, nhưng những hành động của họ xung quanh Biển Đông không thể không khiến người ta nghi ngờ.

Đằng sau vấn đề Biển Đông cũng luôn có hình bóng của Mỹ. Mỹ luôn muốn Việt Nam và Philippines thúc đẩy các nước ASEAN khác cùng Trung Quốc trao đổi về vấn đề Biển Đông, quốc tế hóa, phức tạp hóa vấn đề lãnh thổ giữa Trung Quốc với cá biệt một số nước. Ngày 14/8, Mỹ một lần nữa lại đốc thúc ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng COC, nói rằng không nên áp dụng chiến lược “chia để trị” ở Biển Đông. Có phân tích cho rằng, cái gọi là “chia để trị” là nhằm vào cơ chế giải quyết song phương do Trung Quốc đưa ra; đồng thời cũng nhằm vào chuyến thăm 3 nước Indonesia, Brunei, Malaysia của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trong chuyến thăm này, các bên đều cho rằng cần cùng nhau nỗ lực, thực hiện toàn diện và có hiệu quả DOC, căn cứ nguyên tắc, tinh thần của DOC và trên cơ sở đồng thuận, cùng nỗ lực hướng tới COC. Trong đó một nguyên tắc quan trọng của DOC là do các nước có yêu sách chủ quyền trực tiếp đàm phán giải quyết tranh chấp. Điều này cũng cho thấy, việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông phù hợp với lợi ích căn bản của Trung Quốc và các nước ASEAN. Ý đồ gây tranh chấp của Mỹ sẽ khó có hiệu quả.

Theo  Nhân dân nhật báo (ngày 17/8/2012)

Lê Sơn (gt)