20111024144511_1.jpg

Những căng thẳng trên Biển Đông có chiều hướng gia tăng trong những tuần gần đây với các vụ va chạm giữa các nước khu vực như Indonesia, Malaysia và Việt Nam với Trung Quốc về đánh bắt cá trên biển. Những diễn biến này cho thấy thái độ kiên quyết của Trung Quốc nhằm khẳng định cái mà Trung Quốc coi là quyền lịch sử cũng như những tham vọng của nước này tại Biển Đông. Với việc khẳng định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của đảo Natuna nằm trong ngư trường truyền thống của mình, Trung Quốc đang dần khẳng định tất cả các vùng biển nằm trong đường chín đoạn thuộc quyền kiểm soát của nước này. Việc Trung Quốc sẽ biến Biển Đông thành “hồ của Trung Quốc” ngày càng sớm trở thành sự thực.

Những tuyên bố về quyền lịch sử và “ngư trường đánh bắt truyền thống” là những vấn đề đáng ngờ trong luật quốc tế. Những tuyên bố này cùng với những vụ việc xâm phạm gần đây của ngư dân Trung Quốc được tàu hải giám có vũ trang hộ tống, đã khiến cho ASEAN phải nghi ngại về ý đồ chiến lược của Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc hiện đang gây hoang mang, khi mà nước này dường như không đếm xỉa đến sự lo ngại của các nước khu vực trong bối cảnh kỷ niệm 25 thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc. Việc các nước khu vực làm ngơ trước những xâm phạm gần đây với lý do tế nhị về ngoại giao là một sai lầm nguy hiểm, bởi vì điều đó sẽ khiến Trung Quốc đánh giá sai khi cho rằng các nước ven biển không dám giữ vững lập trường của mình.

Mặc dù Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã có những phản ứng khác nhau, nhưng việc triệu hồi các quan chức ngoại giao sẽ không khiến Trung Quốc lùi bước. Do đó, cùng với các nỗ lực ngoại giao, ASEAN và Trung Quốc nên xây dựng một thỏa thuận để xử lý những vụ việc bất ngờ trên biển nhằm giảm thiểu tổn hại tổng thể các quan hệ song phương.

Theo đó, ASEAN và Trung Quốc nên nghĩ đến việc xây dựng một bộ quy tắc về xử lý các vụ đụng độ không báo trước trên biển tại khu vực Biển Đông như Bộ Quy tắc CUES đã được thông qua tại Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương năm 2014. Có thể Trung Quốc theo bản năng sẽ nhấn chìm đề xuất này với hàng loạt cuộc thảo luận như đã làm với Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Nhưng cũng có khả năng Trung Quốc sẽ thông qua đề xuất này để có những phản ứng tích cực, tỏ ý chân thành nhằm khôi phục lòng tin đang mất dần với ASEAN.

Sau vụ va chạm tại Natuna lần này, Indonesia không còn nói mình không liên quan đến những tranh chấp Biển Đông được nữa. Đây có thể là điều may mắn cho khu vực khi mà sự tham gia tích cực của Indonesia trong vấn đề này sẽ mang lại sự lãnh đạo và ảnh hưởng chiến lược cần thiết để nâng cao vị thế của ASEAN.

Các quốc gia ASEAN không thể giữ thái độ nằm im nghe ngóng nữa. Indonesia cần cùng các đối tác ASEAN cần đề nghị Trung Quốc thảo luận chân thành nhằm tìm ra giải pháp kiểm soát và ngăn ngừa căng thẳng đang tăng tại Biển Đông. Singapore cũng có vai trò quan trọng là điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong 3 năm tới.

Thách thức lớn nhất đối với các nước ven biển trong ASEAN là cần tập trung biến những sự bất an, lo ngại và thất vọng đối với Trung Quốc thành một tiếng nói chung, không phải nhằm đối đầu với Trung Quốc mà là lôi kéo Trung Quốc tham gia vào đối thoại chiến lược thẳng thắn và chân thành, góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Trên tất cả, đã đến lúc cần xây dựng một đồng thuận ASEAN để cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Biển Đông là phép thử trên cả hai phương diện, không chỉ thử thách khả năng của ASEAN đối phó, kiểm soát an ninh khu vực, mà còn thử thách Trung Quốc đối với cam kết của nước này mong muốn trở thành một đối tác an ninh hiệu quả và tích cực của ASEAN. Cả hai phép thử trên không được phép thất bại.

Tác giả là Tiến sĩ Tang Siew Mun và Tiến sĩ Termsak thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện ISEAS-Yusof Ishak. Bài viết đăng trên báo “Today” (ngày 7/4).

Nhật Linh (gt)