Khi Trung tướng Juancho Sabban nhận được cuộc điện thoại khẩn cấp từ một công ty dầu mỏ nói rằng hai tàu Trung Quốc đang đe dọa đâm chìm tàu khảo sát của họ, vị chỉ huy này của Philíppin đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng: "Đừng đi đâu, chúng tôi sẽ tới giải cứu". Trong vòng vài giờ, một máy bay giám sát, các tàu tuần tra và máy bay tấn công hạng nhẹ của Philíppin đã tới Bãi Cỏ rong (Reed Bank) - khu vực có tranh chấp trên Biển Đông. Khi đó, các tàu của Trung Quốc đã rời đi sau khi xua đuổi tàu khảo sát Veritas Voyager - do Công ty Cổ phần Forum Energy có trụ sở ở Anh thuê. Tuy nhiên, căng thẳng đã trở nên nghiêm trọng khiến nhà lãnh đạo của Forum Energy Ray Apostol muốn tạm ngừng công việc ở khu vực này trong 2 tháng. Trao đổi với Reuters tại trụ sở chính của mình ở Puerto Princesa trên đảo Palawan, ông Sabban - Chỉ huy Bộ tư lệnh Các lực lượng Vũ trang miền Tây Philíppin, nói: "Họ đã sắp hoàn thành công việc của mình. Tôi đã yêu cầu họ tiếp tục ở lại khu vực đó và hoàn thành nốt công việc của mình". Vài ngày sau đó, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino tổ chức một cuộc họp nội các khẩn cấp, chính thức phản đối Trung Quốc và cử Bộ trưởng Quốc phòng Philíppin và chỉ huy các lực lượng vũ trang tới Bộ Tư lệnh miền Tây nhằm phô trương sức mạnh của nước này. Vụ đụng độ nêu trên (diễn ra vào tháng 3/2011) được xem như là một dấu mốc đối với chính quyền Aquino. Vị Tổng thống này áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với vấn đề chủ quyền, tăng cường quan hệ với Oasinhtơn và đẩy nhanh nỗ lực hiện đại hóa quân đội.

Một năm sau vụ việc trên, công ty Forum Energy đang lên kế hoạch quay trở lại. Các quan chức cấp cao của Forum Energy nói với Reuters rằng công ty dự định tới Reed Bank trong vòng vài tháng tới để tiến hành khoan giếng dầu và khí đốt tự nhiên đầu tiên ở khu vực này trong nhiều thập kỷ qua. Sự kiện này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng quân sự đối với ông Aquino nếu Trung Quốc phản ứng lại một cách hiếu chiến hơn. Quân đội Mỹ cũng đã tỏ dấu hiệu sẽ quay trở lại khu vực này thông qua các cuộc tập trận (dự kiến vào tháng 3 tới) với Hải quân Philíppin ở gần Reed Bank. Trung Quốc chắc chắn sẽ coi động thái này là một sự khiêu khích. Ian Storey, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Xinhgapo, nói: "Đây (các cuộc tập trận) sẽ là một phép thử về quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông. Trung Quốc có thể sẽ áp dụng các chiến thuật giống như họ đã làm hồi năm 2011 và gây cản trở đối với các tàu khoan, hoặc thậm chí họ sẽ thực hiện biện pháp cứng rắn hơn nhằm vào các tàu khoan và đưa các tàu chiến của họ tới khu vực này". Xem ra, cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ qua trên biển Đông đang bước sang một giai đoạn mới và gây nhiều bất đồng hơn khi các quốc gia đòi hỏi chủ yếu tìm cách thâm nhập sâu hơn vào các vùng biển có tranh chấp để tìm kiếm các nguồn cung năng lượng, đồng thời tăng cường lực lượng hải quân của mình và liên minh quân sự với các quốc gia khác, đặc biệt là với Mỹ. Stephanie Kleine-Ahlbrandt, Giám đốc nghiên cứu khu vực Đông Bắc Á thuộc Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, nói: "Trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần Mỹ để cầu viện nước này, Bắc Kinh ngày càng lo sợ rằng Mỹ có ý định bao vây Trung Quốc về mặt quân sự và ngoại giao. Điều quan trọng ẩn sau những lo ngại này là những phát hiện về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt nằm dưới những đáy biển có tranh chấp thuộc biển Đông có nguy cơ sẽ thổi bùng xung đột".

Manila hiện đang tăng cường hạm đội hải quân - vốn rất nhỏ và đã lỗi thời - và các căn cứ quân sự của mình, tăng thêm ít nhất hai tàu lớp Hamilton trong năm nay và chi hàng triệu USD để mở rộng căn cứ hải quân Elugan Bay ở Palawan. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, hạm đội của Manila không xứng tầm với hạm đội của Trung Quốc - hạm đội lớn nhất châu Á với 62 tàu ngầm, 13 tàu phá hoại và 65 tàu khu trục nhỏ. Tháng 1/2012, Trung Quốc đã hạ thủy tàu đổ bộ 071 thứ tư của nước này, được thiết kế để có thể nhanh chóng đưa quân tới các điểm nóng, ví dụ như các quần đảo có tranh chấp.Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã tuyên bố sẽ triển khai các tàu Littoral Combat - loại tàu tấn công đổ bộ mới của nước này - tới "các khu vực giao cắt" tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và neo đậu chúng ở Xinhgapo và có thể ở cả Philíppin. Việc Oasinhtơn tăng cường sự hiện diện này ở Philíppin diễn ra sau khi Mỹ hồi năm ngoái đã công bố các kế hoạch thiết lập một căn cứ Hải quân ở phía Bắc Ôxtrâylia và có khả năng đưa các tàu chiến tới Xinhgapo. Manila đang tính đến việc cho phép Oasinhtơn tiếp cận các cảng và sân bay của mình để tiếp thêm nhiêu liệu và bảo dưỡng các máy bay và tàu chiến của Mỹ. Hai nước sẽ tiến hành tập trận ngoài đảo Palawan vào cuối tháng 3/2012, các cuộc tập trận này tập trung vào cách xử lý việc tiếp quản một giàn khoan dầu ở Biển Đông.Trung Quốc đã cảnh báo rằng các công ty dầu mỏ không được khai thác ở khu vực có tranh chấp trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố họ có "chủ quyền không thể tranh cãi". Các tàu của Trung Quốc đã liên tục quấy nhiễu các tàu đi vào khu vực này.

Bất chấp những đe dọa này, Philíppin và Việt Nam tiếp tục khai thác dầu mỏ và khí đốt ở ngoài khơi xa trên biển Đông bởi giá dầu liên tục tăng cao và công nghệ kỹ thuật ngoài khơi ngày càng tiên tiến. Ông Sabban nói: "Trung Quốc không có quyền nói với chúng tôi rằng chúng tôi phải xin phép họ trước khi tiến hành khai thác khu vực này. Chúng tôi đã khai thác khu vực này từ những năm 1970, tại sao bây giờ chúng tôi lại không thể khai thác nữa?". Việc khai thác dầu mỏ của Trung Quốc tại biển Đông đang bị hạn chế, với việc cho tới nay nước này mới chỉ có chưa tới 15 giếng dầu. Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc CNOOC đang cùng với các đối tác nước ngoài là công ty Husky Energy của Canađa và Tập đoàn Chevron của Mỹ lên kế hoạch khai thác khu vực này, tuy nhiên chỉ tập trung chủ yếu vào vùng biển phía Bắc, cách xa khu vực nhạy cảm về mặt chính trị ở phía Nam. Trung tướng Sabban cho biết các tàu tuần tra và các máy bay trinh sát sẽ có mặt tại khu vực này để bảo vệ những tàu khai thác của công ty dầu khí Forum Energy (Anh) ở Reed Bank. Ông nói: "Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ tất cả các công ty dầu mỏ đang tiến hành khai thác trên lãnh thổ của chúng tôi. Không phải chúng tôi hộ tống họ mà chúng tôi có mặt tại khu vực này nhằm ngăn chặn bất kể thế lực bên ngoài nào muốn quấy rối họ". Một đội tàu nhỏ có thể sẽ sớm được cử đi theo các tàu của công ty Forum Energy tới vùng biển đang có tranh chấp, và Manila sẽ ký kết thêm 2 hợp đồng khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi vào cuối năm nay tại khu vực mà Trung Quốc cũng đang tuyên bố chủ quyền. Những điều này sẽ khiến cho điện thoại của Trung tướng Sabban và các lính thủy thuộc Hạm đội phía Tây còn bận rộn trong thời gian tới.

Theo Reuters (ngày 28/2)

Hương Trà (gt)