us-navy-440x314.jpg

Tháng 1/2015: Bất chấp dư luận quốc tế và sự phản đối của các nước, sau những nỗ lực bồi đắp trái phép ở Biển Đông trong năm 2014, Trung Quốc bắt đầu xây dựng đường băng trên đá Chữ Thập. Theo ước tính của tổ chức "Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á" thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Trung Quốc đã xây dựng đường băng dài khoảng 3km, đủ điều kiện để bất kỳ loại máy bay quân sự nào cũng có thể cất và hạ cánh.

Ngày 20/5/2015: Theo kênh truyền thông CNN (Mỹ), một máy bay tuần tra P8 mang theo nhóm phóng viên CNN đi tác nghiệp bay qua khu vực có tranh chấp tại các đá Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) đã bị hải quân Trung Quốc 8 lần cảnh báo yêu cầu máy bay Mỹ phải "đi ngay lập tức". Nhóm phi công cho CNN biết họ thường xuyên nhận được những cảnh báo như vậy, điều này chứng tỏ Mỹ vẫn thường xuyên thực hiện các hoạt động tuần tra tại khu vực này.

Ngày 29/5/2015: Trong bài phát biểu tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã yêu cầu Trung Quốc "ngừng ngay lập tức và vô thời hạn" các công trình bồi đắp tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Ông cho biết Trung Quốc đã tôn tạo, bồi đắp hơn 8.000 km2, nhiều hơn diện tích của tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền cộng lại.

Ngày 16/6/2015: Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế và các nước liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố "theo kế hoạch, dự án tôn tạo, xây dựng ở Biển Đông của Trung Quốc tại một số đá thuộc quần đảo Trường Sa sẽ hoàn thành trong những ngày tới". Ông này còn trắng trợn tuyên bố rằng sau khi bồi đắp, tôn tạo xong, Trung Quốc sẽ tiếp tục cho xây dựng các công trình tại các khu vực này.

Ngày 2/9/2015: Năm tàu chiến của Trung Quốc lần đầu tiên di chuyển đến khu vực ngoài khơi Alaska (Mỹ). Đáng chú ý là sự việc này diễn ra đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến thăm Alaska.

Tháng 9/2015: Trung Quốc hoàn thành xây dựng đường băng dài hơn 3 km trên đá Chữ Thập.

Ngày 27/10/2015: Mỹ đưa tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường Lassen di chuyển vào khu vực 12 hải lý quanh đá Subi - vốn đang là "đối tượng tranh chấp" giữa Trung Quốc với hòn đảo Đài Loan, Philippines và Việt Nam. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu trước Thượng viện rằng "Washington sẽ cho máy bay, tàu thuyền đi lại và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép tại bất cứ thời điểm nào mà Mỹ thấy cần thiết". Trung Quốc đã phản đối kịch liệt các hoạt động của Mỹ, đồng thời cáo buộc đây là những "hành động khiêu khích nguy hiểm". Thậm chí, người phát ngôn của quân đội Trung Quốc còn lớn tiếng cáo buộc Mỹ đã "lạm dụng quyền tự do hàng hải". Trên thực tế, đá Subi là một trong 7 đá tại Trường Sa hiện đang có tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế và các nước liên quan, tự ý tiến hành bồi đắp, biến các đá này thành các đảo nhân tạo.

Ngày 29/10/2015: Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết rằng tòa này có thẩm quyền thụ lý vụ Philippines kiện "Đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự đưa ra ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cố ngụy biện rằng Tòa Trọng tài Quốc tế không có thẩm quyền thụ lý vụ kiện, đồng thời tuyên bố tẩy chay không tham gia vụ kiện.

Ngày 5/11/2015: Khi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein thăm tàu sân bay Theodore Roosevelt ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã phát biểu rằng tàu Theodore Roosevelt hiện diện ở đây nhằm đảm bảo cho sự ổn định. Theo ông Carter, từ nhiều thập niên qua, Mỹ đã hiện diện tại đây và sự hiện diện ngày hôm nay là do các căng thẳng phát sinh tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông đang gia tăng, mà hầu hết xuất phát từ các hoạt động của Trung Quốc.

Ngày 8/11/2015: Hai chiếc máy bay ném bom B52 của Mỹ đã cất cánh từ đảo Guam bay qua quần đảo Trường Sa, gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc tự ý bồi đắp nhưng chưa vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo này. Các máy bay Mỹ đã nhận được cảnh báo về sự "vi phạm an ninh" từ phía Trung Quốc. Thư ký phụ trách báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook tuyên bố: "Máy bay Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, không bao giờ thay đổi lịch trình".

Ngày 24-29/11/2015: Tòa Trọng tài Quốc tế trực tiếp nghe tranh luận vụ Philippines kiện "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

Ngày 10/12/2015: Hai máy bay B52 của Mỹ bay vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc tự ý bồi đắp tại các khu vực hiện có tranh chấp ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc đây là "hoạt động khiêu khích nguy hiểm" và "phô trương cơ bắp" của Mỹ.

Ngày 2/1/2016: Trung Quốc tiếp tục bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế và các nước, ngang nhiên tuyên bố tiến hành các hoạt động bay thử ra đá Chữ Thập. Sự kiện làm bùng phát cuộc biểu tình mạnh mẽ trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nhằm phản đối các hoạt động của Trung Quốc.

Ngày 6/1/2016: Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế và các nước, Trung Quốc lần thứ hai ngang nhiên thực hiện 2 chuyến bay ra đá Chữ Thập, xuất phát từ đảo Hải Nam.

Ngày 11/1/2016: Truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đã hoàn tất việc đóng chiếc tàu tuần duyên thứ hai có trọng tải lên tới 10.000 tấn để phục vụ cho các hoạt động tại Biển Đông. Chiếc tàu mang số hiệu CCG3901, được mệnh danh là "quái vật" do có kích thước quá lớn so với một tàu tuần duyên thông thường. Theo tờ "The Diplomat", tàu có lượng rẽ nước từ 12.000-15.000 tấn, lớn hơn cả tàu tuần dương lớp Ticonderoga, thậm chí lớn hơn cả tàu khu trục có tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke (như tàu Lassen) của hải quân Mỹ. Phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết thêm, tàu CCG 3901 được trang bị pháo liên thanh 76 mm và nhiều loại vũ khí khác, trong đó có loại chống máy bay. Tàu CCG 3901 còn có bãi đỗ cho máy bay trực thăng và khoang chứa lớn ở phía đuôi có thể chứa được máy bay trực thăng cỡ lớn.

Ngày 28/1/2016: Tổng thống Đài Loan sắp mãn nhiệm Mã Anh Cữu đã có chuyến thăm tới đảo Ba Bình.

Ngày 30/1/2016: Tàu khu trục Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường Curtis Wilbur đi qua khu vực 12 hải lý quanh đá Tri Tôn. Mỹ cho biết đây là nỗ lực nhằm phản đối việc giới hạn quyền tự do đi lại trên biển. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết Mỹ đã "không thông báo trước cho bất kỳ bên tranh chấp nào về hoạt động trên vì coi đó là hoạt động bình thường và phù hợp với luật pháp quốc tế". Tuy nhiên, Trung Quốc đã cáo buộc đây là "hoạt động làm leo thang căng thẳng" và "vô cùng nguy hiểm" của Mỹ.

Ngày 13/2/2016: Bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một máy bay trực thăng Trung Quốc đậu tại sân bay thuộc đảo Quang Hòa của quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Theo tờ "The Diplomat", sân bay này có thể được sử dụng làm nơi cất và hạ cánh của các máy bay săn ngầm ASW Z18F. Bức ảnh cũng cho thấy Trung Quốc vẫn đang tiến hành các hoạt động nạo vét tại các đảo san hô (đảo Cây và đảo Bắc) thuộc nhóm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 17/2/2016: Đài Loan cho biết Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống tên lửa đất đối không tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hương Trà (gt)