Ngày 23/3, Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về ASEAN và 10 năm kỷ niệm DOC tại Phhnôm Pênh do Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á-Ấn (CASS) và Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP) tổ chức, ông Cheam Yeap nói: "Campuchia là một nước trung lập. Trên cơ sở lập trường của chúng tôi là đẩy mạnh hòa bình và phát triển kinh tế trong khu vực, Campuchia sẽ không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự". Ông nói thêm rằng quyết định không đưa vấn đề Biển Đông vào Hội nghị thượng đỉnh ngày 3-4/4 không có nghĩa là Campuchia thiếu tinh thần trách nhiệm. Ông nói: "Điều này không có nghĩa là Thủ tướng Hun Sen sẽ bỏ qua vấn đề Biển Đông. Chúng tôi cũng đang làm việc tích cực để thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).Nhiều thành viên quốc tế tham dự Hội thảo đã có nhiều phản ứng trước tuyên bố của ông Cheam Yeap. Nhà nghiên cứu Võ Xuân Vinh thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Việt Nam nói rằng Campuchia không thể tự coi mình là một quan sát viên trung lập trước tranh chấp ở Biển Đông. Nhà nghiên cứu này nói: "Tôi biết Campuchia không có quyền lợi trực tiếp nhưng họ có quyền lợi gián tiếp. Tôi cho rằng Campuchia cần đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình Hội nghị thượng đỉnh ASEAN bởi điều này rất quan trọng". Trong khi đó, Phó Giáo sư Kuik Cheng-Chwee, người phụ trách chương trình nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế của Malaixia, nói rằng ông ngạc nhiên trước tuyên bố của ông Cheam Yeap. Phát biểu bên lề Hội thảo, ông Cheng-Chwee viện dẫn Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ hồi tháng 9/2010, khi đó, Mỹ muốn đưa vấn đề tranh chấp hàng hải trên Biển Đông vào chương trình nghị sự, song đã không nhận được sự hưởng ứng của một số thành viên ASEAN, trong đó có Campuchia và Malaixia. Ông nói: "Ai cũng biết Campuchia và Trung Quốc có mối quan hệ thân thiết. Một số người trong chúng tôi không muốn đề cập nhiều đến vấn đề này bởi vì nó sẽ gây kích động. Nếu chúng tôi thúc đẩy vấn đề này, sẽ rất khó để Trung Quốc tiến đến một sự nhượng bộ, và nó có thể sẽ gây phản tác dụng". Tuy nhiên, ông Cheam Yeap bác bỏ ý kiến cho rằng, phần lớn các khoản viện trợ và đầu tư đến từ Trung Quốc đã ảnh hưởng đến quyết định của Campuchia về việc không đề cập đến vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới. Ông nói: "Chúng tôi có thể thúc đẩy vấn đề này, nhưng chúng tôi không thể hy sinh vai trò Chủ tịch ASEAN của Campuchia. Chúng tôi cũng không lo ngại về sự tức giận của Trung Quốc đối với chúng tôi… Chúng tôi chỉ tìm một cách trung lập để giải quyết vấn đề này". Trong khi đó, Nong Hong, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và luật biển tại Viện quốc gia nghiên cứu Biển Đông - viện nghiên cứu chịu ảnh hưởng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - nói rằng, việc đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh hay không là phụ thuộc vào quyết định của Campuchia. Bà này nói: "Campuchia là Chủ tịch ASEAN trong năm nay, họ phải có chương trình riêng cho cộng đồng ASEAN để thảo luận… Có thể họ có những vấn đề quan trọng hơn. Trung Quốc luôn luôn tôn trọng các quyết định của ASEAN, bất luận đó là vấn đề gì". Phát biểu tại Hội thảo, Puy Kea, một nhà báo nổi tiếng của Campuchia, nói rằng có thể Campuchia không là nước đầu tiên nêu vấn đề Biển Đông… nhưng chắc chắn vấn đề này sẽ luôn nổi lên tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Lê Sơn (gt)