Ngày 15/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã gián tiếp cảnh cáo Ấn Độ khi tuyên bố rằng Bắc Kinh “chống lại mọi quốc gia tiến hành thăm dò dầu khí và các hoạt động phát triển trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc”. 
Bất chấp những lời cảnh báo đó, trong chuyến viếng thăm Việt Nam ba ngày qua, Ngoại trưởng Ấn Độ SM Krishna đã nói với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh rằng tập đoàn ONGC Videsh sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở Lô 127 và Lô 128, nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo "Thời báo Ấn Độ" số ra ngày 17/9, các nguồn tin chính phủ cho biết phía Việt Nam “hoàn toàn ủng hộ Ngoại trưởng Krishna khi ông nhấn mạnh là bất chấp phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí trong khu vực Biển Đông”. Hai bên đã nhất trí rằng việc tiếp tục thăm dò dầu khí tại hai lô trên không hề vi phạm luật quốc tế. Thậm chí, cuộc họp ngày 16/9 giữa hai ngoại trưởng của Việt Nam và Ấn Độ đã mở đường cho việc mở rộng thăm dò dầu khí của tập đoàn ONGC Videsh ở Biển Đông.
Ngày 16/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố: “Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có các dự án hợp tác tại Lô 127, 128, nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”. Theo ông Nghị, việc Trung Quốc phản đối sự hợp tác đó là “hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị”.

Quyết tâm của Ấn Độ tiếp tục thăm dò dầu khí trên Biển Đông và sự ủng hộ của Hà Nội đối với Niu Đêli đã khiến Bắc Kinh giận dữ. "Nhật báo Trung Quốc" số ra ngày 17/9 đã cảnh báo rằng nếu Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông, việc này sẽ khiến tình hình ở khu vực này căng thẳng trở lại. Quan hệ giữa hai nước với Trung Quốc cũng sẽ bị tác hại. Tờ báo này đe dọa: “Cả hai nước nên biết rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước trong mọi vấn đề liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ. Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Đông”.

Như vậy là Biển Đông đang trở thành một đấu trường mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Cả hai cường quốc châu Á này đều đang cần tìm những nguồn tài nguyên mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cùng với đà phát triển kinh tế. Không chỉ có tập đoàn ONGC Videsh, mà các công ty dầu khí tư nhân của Ấn Độ cũng đang bắt đầu tham gia thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Thật ra, không chỉ có vấn đề năng lượng, mà cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Ấn Độ trên Biển Đông còn có ý nghĩa chiến lược. Vì thông qua quyết tâm thăm dò dầu khí ở khu vực này, cũng như qua việc tăng cường quan hệ với Hà Nội, Niu Đêli muốn chứng tỏ họ không chấp nhận để Bắc Kinh cản trở chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ.

Theo India Times

Hồng Hạnh (gt)