Trước đây, Công ty Quốc gia Khai thác Dầu khí Ngoài khơi của Trung Quốc (CNOOC) đã có một đội hùng hậu các giàn khoan khai thác dầu ngoài biển. Nhưng, do chỉ có khả năng khoan sâu tối đa 300m, nên những giàn khoan nói trên chỉ đóng quanh quẩn gần bờ Trung Quốc. Năm 2011, CNOOC nhận bàn giao CNOOC-981, giàn khoan đầu tiên của Trung Quốc có khả năng khoan thăm dò và khai thác đến độ sâu 3000m. Vì vậy, sự hiện diện của CNOOC-981 tại khu vực đang tranh chấp đúng ra không phải là điều bất ngờ đối với Việt Nam.

Vấn đề chủ quyền

Cách đây hai năm, vào tháng 5/2012, CNOOC-981 đã được triển khai trên Biển Đông, nhưng không gây xáo trộn trong quan hệ. Vì lúc đó, giàn khoan này hoạt động tại khu vực phía bắc Hoàng Sa, cách Hongkong 320km về phía đông nam, tức gần bờ biển Trung Quốc hơn nếu so với các nước láng giềng.

Nhưng mũi khoan thăm dò lần này của CNOOC-981 thì rõ là trắng trợn, vì nằm ở phía nam Hoàng Sa, cách bờ biển Việt Nam khoảng 200km; trong khi đảo Hải Nam, lãnh thổ cực nam của Trung Quốc, lại cách xa giàn khoan đến 350km và lãnh thổ Hongkong còn ở xa hơn nữa: 800km! Nên vấn đề phân định chủ quyền được phía Việt Nam đặt ra là rất nghiêm túc.

Hai nguyên cớ toan tính chiến lược

i)    Sự thật về tài nguyên  – Nguyên nhân tranh chấp đầu tiên là tiềm năng tài nguyên dầu khí của Biển Đông..

Cho đến nay, nếu như các nhà khoa học đã khẳng định chắc chắn rằng có mỏ dầu dưới đáy Biển Đông, nhưng không có ai, không có bất kỳ công trình nghiên cứu nào khẳng định trữ lượng của các mỏ dầu đó. Các số liệu ước đoán rất mâu thuẫn với nhau. Các chuyên gia Hoa Kỳ cho là khu vực biển này ẩn chứa khoản 1,5 tỷ tấn dầu thô. Thoạt nghe thì rất lớn, nhưng nếu đúng, số dầu đó cũng cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc trong 3 năm với mức tiêu thụ như hiện nay. Còn con số do các cơ quan nghiên cứu và vác công ty dầu khí Trung Quốc đưa ra lại hoàn toàn trái ngược, từ 10 đến 30 lần lớn hơn con số phỏng đoán của Mỹ. Theo Trung Quốc, trữ lượng các mỏ dầu trong lòng Biển Đông phải từ 17 đến 50 tỷ tấn!

Do chưa có bất kỳ công trình khảo sát độc lập nào nghiêm túc phản biện và phán xử các số liệu nói trên, nên cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều gắng sức chiếm lĩnh chiến trường. Vì Hà Nội và PetroVietnam cũng đã có dự án thăm dò dầu khí tại khu vực đang tranh chấp.

ii)   Tuyến hàng hải huyết mạch – Cho dù tài nguyên thiên nhiên trong lòng Biển Đông có thật hay không, cho dù khối lượng tài nguyên lớn đến bao nhiêu, thì Bắc Kinh có một nguyên cớ thứ hai để tiến chiếm bằng được khu vực: 70% lượng dầu thô và 40% lượng hàng hóa ngoại nhập của Trung Quốc đều đến từ Trung Đông và Châu Phi và bắt buộc phải đi qua vùng biển này.

Trong “giấc mơ Trung Hoa” được loan truyền khắp Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình, nhằm khơi dậy tinh thần phục hưng chủ nghĩa quốc gia, có chiến lược biến Biển Đông thành “hồ nước Trung Quốc lai láng”. Ngày nay, trên đường thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” đó, khi đã đạt tới sức mạnh áp đảo về kinh tế và quân sự, song song với những tuyên bố về quan hệ “hợp tác toàn diện”, “đối tác chiến lược” với các láng giềng để khỏa lấp ý đồ, Bắc Kinh dần chiếm thế thượng phong qua việc thực hiện cùng lúc hai chiến thuật: “chuyện đã rồi” và “vết dầu loang”.

Đối với người Việt Nam  chỉ có một Biển Đông nối liền với đại dương Thái Bình. Trong con mắt Việt Nam, CNOOC-981 là tên lính canh tiền tiêu địa chính trị và địa kinh tế của Trung Quốc tại khu vực. Việt Nam không hoan nghênh sự hiện diện của CNOOC-981 tại vùng biển nói trên, vì âm thanh mà nó mang lại là tiếng nện gót giày đinh quân đội hơn là tiếng rì rào của làn gió mát hòa bình.

Theo Les Echos

Anh Thư (gt)