160608bcschumansouthchinasea-crop-editorial_schuman_SouthChinaSea_crop.jpg

Từ ngày 1-14//11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới thăm 5 nước châu Á trong chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, trong đó ông còn tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác châu Á -Thái Bình Dương 2017 tổ chức tại Việt Nam và lễ kỷ niệm 50 năm Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Manila, Philippines. Đây là chuyến công du nước ngoài kéo dài nhất và có lẽ cũng là quan trọng nhất trong năm đầu tiên ông Trump làm tổng thống.

Chuyến công du của ông đã đưa đến nhiều cuộc thảo luận về hàng loạt vấn đề nóng, bao gồm khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, quan hệ Mỹ-Trung, những hứa hẹn trong vấn đề kinh tế của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở”, và đánh giá của Mỹ về Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đáng nói là Biển Đông, vốn được nhiều người dự báo sẽ là một trong những vấn đề nóng sẽ được đưa ra thảo luận tại các nghị trình của ASEAN, dường như không thu hút được sự quan tâm nhiều như kỳ vọng. Vậy chuyến thăm này của ông Trump sẽ có những tác động như thế nào đối với mối quan hệ Trung-Mỹ trong hồ sơ Biển Đông, và thông điệp nào được cảm nhận về chính sách tương lai của Mỹ trong vấn đề này?

Có hai điểm quan trọng cần lưu ý về chuyến thăm của ông Trump và vấn đề Biển Đông. Thứ nhất, chủ đề Biển Đông được đề cập rất ít trong chuyến thăm. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông trong bài báo cáo trước Đại hội XIX của Đảng Cộng sản nước này như một vấn đề nội bộ và không liên quan đến các tác nhân bên ngoài, song ông Trump đã không đưa ra bất cứ phản ứng nào. Thứ hai, vấn đề Biển Đông trong chừng mực nào đó đã bị các vấn đề nóng khác làm lu mờ, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc duy trì và củng cố các mối quan hệ và sự ổn định chiến lược ở khu vực Biển Đông.

Đề tài Biển Đông dường như đã quay trở về với đấu trường Trung Quốc - ASEAN. Tuyên bố mà Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017 là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã liệt kê ba mối đe dọa chính mà ASEAN phải đối mặt là khủng bố, cướp biển có vũ trang và buôn lậu ma túy, trong khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2018 và cũng là điều phối viên Đối thoại Trung Quốc-ASEAN - đã ca ngợi việc ASEAN và Trung Quốc khởi động được cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển.

Trong tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 50 của ASEAN, tất cả các bên đều tái khẳng định tầm quan trọng của phi quân sự hóa và tự kiềm chế ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh sự củng cố mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Còn Tuyên bố của Chủ tịch tại Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 đã nhắc lại bổn phận thực thi hiệu quả và toàn diện Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, và thông qua Tuyên bố về một Thập kỷ Bảo vệ Môi trường Biển và Bờ biển của các lãnh đạo, vốn phản ánh nhiệm vụ chung với việc thực thi DOC và hy vọng đưa Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong một nỗ lực xoa dịu căng thẳng khu vực xung quanh các tranh chấp ở vùng biển này.

Tất cả các thông điệp nói trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc và ASEAN trong việc quản lý Biển Đông trong tương lai. Tiếp đến, ngoài các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông, thì Mỹ có thể đóng vai trò gì để bảo đảm với các đồng minh và đối tác khu vực về giải pháp của họ cũng như sức mạnh mà họ có thể duy trì tại khu vực trong dài hạn? Tổng thống Trump đã đề xuất làm trung gian cho các tranh chấp Biển Đông khi gặp gỡ Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang. Các lãnh đạo Việt Nam cũng đã rất thận trọng khi tiếp nhận lời đề xuất này.

Hiện chưa rõ những bình luận của ông Trump có báo hiệu một vai trò chủ động hơn của Mỹ trong việc tìm kiếm một giải pháp ở Biển Đông hay không. Những nét chính trong chính sách Biển Đông của Chính quyền Trump đang dần lộ diện với hai điểm nhấn: Thứ nhất, các FONOP sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, trái ngược với Chính quyền Obama với chính sách công khai kể từ khi khởi động các FONOP năm 2015, Chính quyền Trump sẽ không công khai chính thức các hoạt động này. Thứ hai, Mỹ bất đắc dĩ phải chứng kiến các nước ASEAN trở nên quá thân thiết với Trung Quốc, và bằng cách “đổ thêm dầu vào lửa”, họ có thể gây ấn tượng với các đồng minh và đối tác thông qua sự hiện diện quân sự ồ ạt trong khi vẫn thúc ép Trung Quốc tuân theo chính sách của họ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trong chuyến công du của mình, ông Trump và ê-kíp đã lặp đi lặp lại việc sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” thay vì “châu Á - Thái Bình Dương” cho khu vực này, đây được coi là một nỗ lực nhằm làm suy yếu vai trò của Trung Quốc trong khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong bài phát biểu về việc “Xác định Quan hệ Mỹ-Ấn Độ trong Thế kỷ tới” tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 18/10 vừa qua cũng nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ và liên tục sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương”. Trong một số dịp khác, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã nỗ lực giảm bớt tầm quan trọng của mục tiêu chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và bác bỏ ý kiến cho rằng khái niệm này nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích tại Washington cũng chia sẻ quan điểm rằng kế hoạch liên minh Tứ giác của Mỹ với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc tạo ra thêm những lựa chọn khác cho các nước châu Á ngoài Trung Quốc.

Chuyến công du châu Á của ông Trump có vẻ đã gửi đi một thông điệp rằng vấn đề Biển Đông không còn là vấn đề chi phối mối quan hệ Mỹ-Trung như trước đó khi mà cựu Ngoại trưởng Mỹ là bà Hillary Clinton năm 2010 đã đưa Biển Đông vào danh sách các lợi ích quốc gia Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Hà Nội. Tuy nhiên, những bình luận khó lường của ông Trump, chẳng hạn như lời đề xuất làm trung gian cho các tranh chấp này, và mục tiêu chiến lược đằng sau khái niệm mới “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có thể sẽ khiến các đồng minh nản lòng khi mà họ đang tìm kiếm một sự thể hiện bổn phận mạnh mẽ hơn từ Tổng thống Mỹ trong việc bảo vệ các lợi ích của họ.

Vấn đề Biển Đông sẽ không đơn giản tuột khỏi mối quan hệ Trung-Mỹ, ngay cả khi nó không còn là một trong những nhân tố quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại. Cả Mỹ và Trung Quốc đều cần phải thiết lập một cơ chế hiệu quả và thống nhất nhằm xử lý các cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở Biển Đông. Hiện nay có một cơ chế đang tồn tại, chẳng hạn như thông báo về các hoạt động quân sự lớn, cũng như một đường dây nóng và những quy tắc hành xử vì sự an toàn cho các cuộc va chạm trên biển và trên không. Tuy nhiên, tất cả các cơ chế này đều là tự nguyện và không có tính ràng buộc. Sự không chắc chắn có thể thấy rõ ở đây là các hoạt động thu thập thông tin tình báo, giám sát và do thám (ISR) thường xuyên của Mỹ đều không được lên kế hoạch, không có chủ đích hoặc thậm chí là rất bất ngờ. Ngoài ISR, các FONOPs của Mỹ ở Biển Đông, trong đó có rất nhiều hoạt động nhằm mục tiêu thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, sẽ chỉ có thể kích động Trung Quốc triển khai quân sự trên các thực thể ở Biển Đông trong tương lai. Cái vòng luẩn quẩn này có khả năng gây ra những tính toán sai lầm, các sự cố bất ngờ và thậm chí là xung đột trên biển. Vì vậy, cùng với việc thiết lập một “Hình mẫu Quan hệ quốc tế Mới”, hai bên cần tìm cách thiết lập một cơ chế tổng hợp, trong đó có nhiều "kênh" như ngoại giao, các lực lượng dân sự, quân đội… để có thể xử lý những vấn đề và khủng hoảng một cách hiệu quả.

Theo “Ippreview

Hương Trà (gt)