Việt Nam và Ấn Độ đã duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược ổn định trong hơn một thập kỷ. Thời gian gần đây, dường như hai nước ngày càng quan tâm đến mối quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. Ngoài các dự án thăm dò dầu khí ở Biển Đông, Ấn Độ còn mong muốn sử dụng cảng Nha Trang của Việt Nam làm cảng hải quân và đề nghị hỗ trợ huấn luyện hải quân Việt Nam sử dụng tàu ngầm lớp Kilo mới mua của Nga và các hoạt động chống tàu ngầm.

Sự tăng cường quan hệ này một phần là do thái độ gây hấn của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông và ý đồ của Trung Quốc muốn kiềm chế phạm vi ảnh hưởng chiến lược của Việt Nam và Ấn Độ. Quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ được thúc đẩy sau một số vụ việc căng thẳng xảy ra tại Biển Đông hồi đầu năm, khi các tàu tuần tra của Trung Quốc va chạm với các tàu thăm dò nghiên cứu của Việt Nam và Philíppin.

Tuy nhiên, "Stratfor" cho rằng Ấn Độ sẽ không quá tập trung chiến lược vào Biển Đông và hiện tại, Biển Đông cũng không quá quan trọng đối với Ấn Độ về mặt an ninh kinh tế và năng lượng. Đối với Ấn Độ, việc hợp tác với Việt Nam thể hiện mong muốn củng cố chỗ đứng của nước này trong khu vực thông qua việc tham gia vào một vấn đề đang ngày càng được quốc tế hóa, đồng thời cũng là để giúp Ấn Độ có thể đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, do Niu Đêli và Bắc Kinh có tranh chấp biên giới, liên quan đến khoảng 125.000 km2 đất mà Ấn Độ cần làm vùng đệm, nên Ấn Độ tính toán rằng việc hợp tác với một nước khác cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh phân tán sự chú ý khỏi cuộc tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Thực ra, Ấn Độ quan tâm nhiều đến những vấn đề xảy ra ở Ấn Độ Dương, khu vực dọc biên giới của nước này với Pakixtan (khu vực tranh chấp Kashmir) và các nước láng giềng khác như Mianma, Nêpan và Xri Lanca. 

Theo "Stratfor", mặc dù mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đang được củng cố nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Việt Nam coi Ấn Độ là một đối tác tự nhiên và hiểu rằng lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông là hạn chế và Ấn Độ đặt ưu tiên chiến lược cao hơn ở khu vực khác. Về phía Ấn Độ, khó có khả năng nước này can thiệp vào xung đột Trung-Việt tại Biển Đông (nếu xảy ra) do Trung Quốc rất nhạy cảm với việc bên thứ ba tham dự vào Biển Đông. Bản thân Ấn Độ cũng biết giới hạn mà Trung Quốc có thể chấp nhận trong hợp tác Ấn Độ-Việt Nam.

Theo Stratfor

Việt Hoàng (gt)