Thách thức Trung Quốc dường như đã làm cho xã hội Ấn Độ “rất hào hứng”, Chính phủ Ấn Độ khoe đã từ chối kháng nghị của Trung Quốc yêu cầu họ không đến khai thác dầu khí ở vùng biển tranh chấp Biển Đông, lại còn đáp lại bằng cách “cảnh cáo Trung Quốc phải dừng các hoạt động kiểm soát vùng Casơmia ở phía Pakixtan”. Những tuần gần đây tranh chấp Biển Đông có xu hướng hạ nhiệt nhưng Ấn Độ lại đóng vai trò chính làm dấy lên tranh chấp. “Thời báo châu Á” ở Hồng Công ngày 16/9 bình luận: “Những năm gần đây Ấn Độ chỉ thỉnh thoảng mới “chạm ướt ngón chân” ở Biển Đông nhưng nay rõ ràng muốn mạo hiểm “lội nước đến ngang lưng” khuấy vẩn lên “vũng bùn nhơ” Biển Đông”. Đài phát thanh RTBF của Bỉ cho hay Ấn Độ lại là một nước nữa ngoài khu vực xen vào khu vực tranh chấp Biển Đông sau Mỹ. Tuy nhiên, “Thời báo Niu Yoóc” của Mỹ cho rằng rất nhiều nước láng giềng của Trung Quốc có thể coi thường sự bất bình của Bắc Kinh hơn trước đây, nhưng không có nhiều khả năng cho thấy họ sẽ có hành động. 

Tờ “Thời báo Ấn Độ” ngày 16/9 đưa tin khi Trung Quốc phản đối, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Prakash tiếp tục khẳng định Công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ đã thăm dò dầu khí ở ngoài bờ biển Việt Nam một thời gian, tới đây sẽ vẫn tiếp tục, hơn nữa công ty Essar Oil đã được phép thăm dò dầu khí ở hai lô khác của Việt Nam. Mạng tin thương mại “Lĩnh vực B” của Ấn Độ bình luận việc Trung Quốc phản đối công ty Ấn Độ thăm dò dầu khí ở Biển Đônglà “không có cơ sở pháp lý”, vì khu vực đó thuộc về Việt Nam. Mạng tin “Livemint” của Ấn Độ nói Ấn Độ bỏ qua đòi hỏi của Trung Quốc, quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam về lĩnh vực năng lượng. Ngày 16/9 Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna đã gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội, thảo luận các vấn đề về hợp tác chính trị, quân sự và kinh tế thương mại, việc Công ty dầu khí Ấn Độ và Việt Nam tiến hành hợp tác phát triển hai giếng dầu ở Biển Đôngcũng là đề tài quan trọng được hai bên thảo luận. 

“Thời báo Ấn Độ” đưa tin việc Ấn Độ bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc đòi Ấn Độ không được vào khai thác dầu khí ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, hơn nữa còn cảnh cáo Trung Quốc không được hành động kiểm soát khu vực Casơmia ở Pakixtan, như vậy có nghĩa Ấn Độ đã tăng thêm tiền đặt cược phản đối Trung Quốc. Ấn Độ luôn lo ngại sự có mặt của Trung Quốc sẽ tạo nên mối đe dọa an ninh đối với Ấn Độ ở khu vực này. Ấn Độ đã nhiều lần tuyên bố hợp tác với Việt Nam là phù hợp với luật quốc tế, nhưng trong bức ảnh đăng trên tờ “Hindustan Times”, vùng biển có hai lô dầu 127 và 128 mà Ấn Độ chuẩn bị khai thác thậm chí còn bao gồm cả quần đảo Tây Sa (Nam Sa). Ấn Độ hiển nhiên đã biết tính chất nhạy cảm của khu vực biển này. Báo “Dân tộc” của Pakixtan nói đây là lần đầu tiên Ấn Độ cuốn vào tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Việt Nam vốn mấy tháng nay có xu hướng quyết liệt hơn, Ấn Độ cũng đã sớm dự liệu khả năng Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ Công ty dầu khí Ấn Độ tiến vào Biển Đông, nhưng Ấn Độ có lập trường quốc gia của họ. 

Kênh truyền hình tin tức châu Âu của Pháp bình luận, Ấn Độ luôn coi Trung Quốc là mối đe dọa và là đối thủ cạnh tranh hàng đầu, đặc biệt cảnh giác trước việc Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương những năm gần đây. Tiến vào Biển Đông là một phần trong chiến lược lâu dài của Ấn Độ. Thái độ thách thức Trung Quốc không có gì lạ, nhưng kênh tin tức này cho rằng Việt Nam hoàn toàn không muốn chọc giận Bắc Kinh quá mức nên giữ thái độ vừa phải, còn thái độ của Ấn Độ trước đây trong những vấn đề tương tự thường là “đầu voi đuôi chuột” nên sự việc tiếp theo sẽ có ảnh hưởng đến đâu, thứ nhất còn phải xem thái độ của Trung Quốc ngoài tuyên bố ngoại giao thế nào, thứ hai phải xem Ấn Độ có khả năng thúc đẩy kế hoạch khai thác của họ theo đúng kỳ hạn được hay không. 

Tạp chí "New plant" của Pháp nhận định mặc dù vẫn có rất nhiều nhà quan sát đánh giá cao Ấn Độ, tự Ấn Độ cũng đầy tin tưởng nhưng mục tiêu “đuổi kịp Trung Quốc” về tỉ lệ tăng trưởng kinh tế được định ra vào đầu năm nay ngày càng trở nên không thực tế, nỗ lực tranh vòng nguyệt quế về “nước lớn trong ngành chế tạo” với Trung Quốc hiệu quả cũng có hạn, trong bối cảnh đó Ấn Độ cảm thấy lo lắng, biểu hiện ra thành thái độ trêu tức, dồn ép người khác, nhưng trạng thái này thường không liên tục, mà tỏ ra lúc lên lúc xuống theo tính chất chu kỳ. Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn Trang Quốc Sĩ cho rằng do không phải là nước sản xuất dầu, Ấn Độ còn nóng vội tìm kiếm nguồn dầu mỏ ở khắp thế giới hơn Trung Quốc. Là một nước lớn, Ấn Độ sẽ không vì Trung Quốc phản đối mà thu dọn trở về để khỏi mất mặt, nhưng nếu Ấn Độ đi vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông thì không những sẽ làm tăng thêm tình hình phức tạp, mà Công ty Ấn Độ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. 

“Thời báo châu Á” ở Hồng Công cho rằng dù xét theo ý nghĩa chiến thuật hay chiến được, đây vẫn là động tác mang tính lịch sử của Ấn Độ, chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ càng được phô trương rõ hơn, nghĩa là cạnh tranh địa chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ tới đây sẽ khác trước. Do các yếu tố xung đột và hợp tác nội tại trong quan hệ hai nước, tới đây quan hệ Trung-Ấn sẽ là một thể hỗn hợp giữa xung đột về an ninh và hợp tác về kinh tế, trong quá trình hai bên tìm kiếm biện pháp mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, va chạm và kết quả không thể lường trước sẽ còn tiếp tục. Trận khẩu chiến Biển Đôngsẽ cho thấy mặc dù hai bên có quan hệ kinh tế thương mại phát triển dồi dào nhưng quan hệ hai nước sẽ vẫn có tình trạng nghi ngờ không thể gạt bỏ. 

Trong vấn đề hợp tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam, thái độ của Việt Nam tỏ ra như che giấu, bưng bít. Cho đến chiều ngày 16/9 báo chí Việt Nam mới đưa tin Ngoại trưởng Ấn Độ thăm Việt Nam. Trước đó Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cho biết Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna thăm Việt Nam từ ngày 15-17/9, đồng chủ trì Hội nghị Ủy ban hỗn hợp kinh tế thương mại, khoa học công nghệ Việt-Ấn lần thứ 14, tổng kết tình hình hợp tác thời gian gần đây và xác định phương hướng cho hợp tác trong giai đoạn tới, cũng trao đổi ý kiến về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Việt Nam không cho biết hai bên có hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông hay không, báo chí Việt Nam cũng không đưa tin việc Ấn Độ tiếp cận với Việt Nam, muốn kiềm chế Trung Quốc. Rất nhiều báo chí Việt Nam khi đưa tin đã đặt trọng tâm vào hợp tác kinh tế. Rất nhiều công ty Ấn Độ cho biết thị trường Việt Nam tương đối hấp dẫn. Mạng VietnamNet của Chính phủ chỉ viện dẫn Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa tin ngắn gọn “Ấn Độ tán thành quyền tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế, trong đó có Nam Hải, theo quy định của luật quốc tế”. 

Trong thời gian Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna thăm Việt Nam, Đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Việt-Ấn lần thứ 6 cũng đồng thời tổ chức tại Hà Nội, do Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Thư ký Quốc phòng Ấn Độ Shashi Kant Sharma đồng chủ trì. TTXVN cho biết thông qua đối thoại và đi thăm lẫn nhau, quân đội hai nước sẽ tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực huấn luyện cán bộ hải quân, không quân và công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. 

Báo “Quân đội nhân dân” của Việt Nam ngày 15/9 dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói sự có mặt của hải quân Ấn Độ ở khu vực đã thúc đẩy hòa bình và ổn định ở cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên Việt Nam ủng hộ sự có mặt của hải quân Ấn Độ ở khu vực này. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh hợp tác quốc phòng là trụ cột quan trọng trong hợp tác song phương Việt Nam-Ấn Độ, Việt Nam hoan nghênh tàu chiến Ấn Độ đến thăm Việt Nam, giao lưu kinh nghiệm sử dụng trang bị vũ khí hiện đại và cứu trợ thiên tai. 

Những lời nói của ông Nguyễn Chí Vịnh thoạt nghe có vẻ ôn hòa và dịu giọng vừa phải, nhưng nếu kết hợp với bối cảnh của sự kiện sẽ thấy rõ không đơn giản như vậy. Ngày 19/7 tàu đổ bộ “INS Airavat” của hải quân Ấn Độ đã đến cảng Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa ở Trung Nam Bộ Việt Nam thực hiện chuyến thăm Việt Nam 4 ngày. Có báo của Anh đưa tin tàu chiến Ấn Độ bị Trung Quốc ngăn chặn ở Biển Đông, hai bên xảy ra đối đầu. Chính phủ Ấn Độ phủ nhận cách nói đối đầu, nhưng cho biết tàu chiến bị hải quân Trung Quốc lên tiếng yêu cầu rời khỏi nơi đó. Sự kiện nói trên được cho là Ấn Độ mạnh bạo muốn một lần thử sức mở rộng ảnh hưởng của mình đến khu vực Biển Đông. 

Báo “Hindustan Times” ngày 16/9 đưa tin trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng “thể hiện sức mạnh quyết đoán” ở Nam Hải, Ấn Độ và Việt Nam đang làm sâu sắc thêm quan hệ quân sự, tìm kiếm cơ hội hợp tác mới, phái đoàn do Thư ký Quốc phòng Ấn Độ Shashi Kant Sharma dẫn đầu đến thăm Việt Nam, dự tính hai bên sẽ thảo luận tìm kiếm phương pháp huấn luyện binh sĩ Việt Nam tại trường tàu ngầm hải quân Ấn Độ ở Visakhapatnam. Shashi Kant Sharma nói “so với quan hệ của Ấn Độ với nước khác trên thế giới thì quan hệ Ấn Độ-Việt Nam là bền chắc nhất. “Thời báo hoàn cầu” còn có phần đưa tin, phân tích, bình luận tiếp việc đi vào vũng bùn Biển Đông không chỉ có Ấn Độ mà còn có các nước khác như Mỹ và Ôxtrâylia, các nước này đều tuyên bố nhắm vào Trung Quốc. 

Báo “Tin tức tham khảo” Trung Quốc ngày 18/9 dẫn các nguồn báo chí đưa tin “Ấn Độ-Việt Nam phớt lờ cảnh cáo của Trung Quốc, cố ý phá rối Biển Đông” như sau: 

I- Đt tha thun thăm dò du khí Biển Đông

Bài viết tựa đề “Lời cảnh cáo của Trung Quốc không thể ngăn cản Ấn Độ và Việt Nam” trên trang mạng của báo “Hindustan Times” ngày 17/9 cho hay Ấn Độ và Việt Nam đã không quan tâm lời cảnh cáo của Trung Quốc, quyết định đưa quan hệ song phương phát triển sâu sắc hơn, đồng thời ra sức cố gắng thăm dò dầu khí ở Biển Đôngvốn có nguồn dầu khí phong phú. Công ty con đầu tư hải ngoại của Công ty dầu khí Ấn Độ tiến hành các hoạt động thăm dò ở hai lô dầu khí Việt Nam khiến Trung Quốc kháng nghị, báo chí Trung Quốc nói việc làm như vậy có thể gây tổn hại cho quan hệ Trung-Ấn.

Tuy nhiên tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Krishna và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã quyết định trong 3 năm tới đây sẽ mở rộng quan hệ song phương đến các lĩnh vực phòng ngự và kinh tế. Báo Nhật Bản Yomiuri ngày 17/9 cho hay Ấn Độ và Việt Nam cùng khai thác Biển Đônglà nhằm kiềm chế Trung Quốc. Ngày 16/9 chính phủ hai nước đã đi đến thỏa thuận khai thác khí đốt tự nhiên ở vùng biển Biển Đông thuộc Việt Nam. Khu vực khai thác là ở vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng Bộ Ngoại giao Ấn Độ vẫn chuẩn bị “tăng cường khai thác nguồn năng lượng ở Việt Nam”. Trung Quốc vốn tuyên bố có toàn bộ chủ quyền ở Biển Đông, coi Biển Đông là “biển nhà” của mình đã phản đối mạnh mẽ. Căn cứ theo văn kiện thỏa thuận công khai giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước tại Hà Nội, trong đàm phán hai nước đã nhấn mạnh “sẽ triển khai hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và thăm dò ở các lô dầu khí”, nhấn mạnh “đã đạt được thỏa thuận đảm bảo tự do hàng hải ở Nam Hải, tránh đe dọa bằng vũ lực, phải thông qua đàm phán để giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp” ở Biển Đông. Văn kiện còn cho biết “hai bên đánh giá cao hợp tác song phương trong lĩnh vực đảm bảo an ninh”. Hãng Press Trust of India (PTI) của Ấn Độ đưa tin Công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ sẽ thực thi nhiệm vụ thăm dò khai thác tại Nam Hải. Năm 2006, Ấn Độ và Việt Nam đã ký hợp đồng cơ sở khai thác dầu khí ở hai lô 127 và 128 trong vùng biển Trung Bộ của Việt Nam, kim ngạch đầu tư là 225 triệu USD. 

Việc Ấn Độ khai thác dầu khí ở Biển Đông vừa nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở trong nước, đồng thời cũng nhằm kiềm chế Trung Quốc trong các vấn đề lãnh thổ và lãnh hải. Học giả thuộc báo giới của hải quân Ấn Độ cho biết “trong tương lai Trung Quốc sẽ chuyển trọng tâm từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương. Để đề phòng điểm này, Ấn Độ cần ra tay trước”. Ấn Độ còn xem xét tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam, chuẩn bị huấn luyện kỹ thuật cho các thuyền viên trên tàu ngầm mà Việt Nam mua của Nga, giúp Việt Nam xây dựng căn cứ hải quân. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cũng muốn Ấn Độ tham gia khai thác Biển Đông để có thể lấp lại khoảng trống từ các công ty Âu-Mỹ vốn có thái độ tiêu cực đối với việc khai thác vùng biển tranh chấp, đồng thời thúc đẩy quốc tế tham gia với Việt Nam kiềm chế ưu thế của Trung Quốc. 

II- Ấn Độ-Việt Nam liên kết chọc tức Trung Quốc 

“Thời báo châu Á Hồng Công” ngày 17/9 đưa tin, Ấn Độ là nước vốn ít can dự vấn đề Biển Đông, nay rõ ràng bắt đầu chen chân vào vũng bùn Nam Hải. Đây là việc làm có tính lịch sử, tuy còn chưa rõ việc làm này là xuất phát từ ý đồ chiến thuật hay ý nghĩa chiến lược. Chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ đã được phô bày nhiều hơn, quan hệ cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ khác trước. Tranh chấp lần này là công ty con đầu tư hải ngoại của Công ty dầu khí Ấn Độ đến triển khai dự án thăm dò dầu khí ở hai lô của Việt Nam. Nhà cầm quyền Ấn Độ, nhất là Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna trước khi đến thăm Hà Nội đã “tiết lộ” việc làm của công ty Ấn Độ, rất có thể sẽ muốn làm cho Trung Quốc phải đưa ra phản ứng. Công ty con nói trên của Ấn Độ đã hoạt động tại Việt Nam một số năm, dự án của công ty con này chính là một chủ đề hội đàm trong lịch trình của Krishna tại Việt Nam. Vấn đề hiện nay là quan sát xem Krishna muốn làm gì tiếp theo. Krishna muốn xử lý tranh chấp lần này như thế nào, có muốn thách thức đến mức tối đa, trong xử lý tranh chấp biểu hiện cứng rắn đến đâu…, tất cả những vấn đề trên sẽ đều quyết định giọng điệu chính của Trung Quốc trong những năm tới đây về quan hệ Trung-Ấn. 

Tiêu điểm cuộc tranh cãi lần này tuyệt đối không phải là an ninh năng lượng hay luật quốc tế. Đây là một phiên bản khác về quan hệ cân bằng tay ba giữa Trung Quốc – Pakixtan - Ấn Độ. Nếu biến Việt Nam thành một Pakixtan thì tranh chấp Biển Đông lần này dường như sẽ tương đương với việc diễn lại tâm lý lo lắng của Ấn Độ đối với quan hệ liên minh Trung Quốc – Pakixtan đang phát triển mạnh mẽ. Điều hết sức rõ ràng là phải qua suy tính hết sức kỹ càng thận trọng, Ấn Độ mới quyết định thách thức Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, Việt Nam là một sự lựa chọn chiến lược hết sức đặc biệt, có thể làm cho Bắc Kinh thể nghiệm, lĩnh hội được đủ vị cay đắng ngọt bùi của Ấn Độ khi nước này đứng trước quan hệ Trung Quốc – Pakixtan. Cách so sánh như vậy dường như đã có sẵn từ trước, vì Ấn Độ có thể có được sự thừa nhận của các nước Đông Nam Á cũng chen chân trong vấn đề Biển Đôngvà từ Nhật Bản, giống như Trung Quốc cũng được sự thừa nhận từ các nước nhỏ ở Nam Á xung quanh Ấn Độ. 

Ấn Độ luôn tránh tiếp nhận những kiến nghị từ nước Mỹ gia nhập đội ngũ đồng minh châu Á của Mỹ. Ấn Độ lại càng muốn áp dụng phương thức thực hiện một mình nên tranh chấp Biển Đông lần này thuộc phạm trù “song phương” nghiêm ngặt, phương án giải quyết vấn đề cũng buộc phải hạn định trong khuôn khổ quan hệ Trung-Ấn. Ấn Độ có thể đang tìm kiếm quy tắc cơ bản chung sống với Trung Quốc, hy vọng (quy tắc đó) có thể chỉ dẫn cho hành động của hai bên trong “phạm vi thế lực” của đối phương. Tuy nhiên vấn đề lại ở chỗ Trung Quốc có quan điểm nhìn nhận như vậy hay không? Đối với Trung Quốc, quan hệ với Pakixtan hay với nước Nam Á khác không nhất thiết phải “lấy Ấn Độ làm trung tâm”. Ấn Độ cũng không thể công khai tuyên bố Nam Á là “phạm vi thế lực” của họ, công khai yêu cầu Trung Quốc phải điều chỉnh hành vi của mình, tôn trọng điểm nhạy cảm của Ấn Độ. Ngoài ra, lợi ích của Trung Quốc ngày càng mở rộng ở Ấn Độ Dương là hết sức có ý nghĩa đối với chiến lược toàn cầu của Trung Quốc nên Trung Quốc rất khó kìm giữ việc mở rộng của bản thân chỉ vì chiếu cố đến sự nhạy cảm của Ấn Độ. Vì thế, nói tóm lại, cạnh tranh địa chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã mở ra một trang mới. 

III- Biển Đông đang ẩn chứa “mắt bão” mới 

Trang mạng Quỹ Heritage Foundation của Mỹ ngày 16/9 có bài cho biết tình hình căng thẳng ở vùng biển phía Nam Trung Quốc có khả năng tăng lên rất mạnh. Trung Quốc gần đây cảnh báo Công ty Ấn Độ không được có các hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển Việt Nam mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền, Ấn Độ đã phản bác cách nói cho rằng những vùng biển liên quan của Trung Quốc là bao gồm lãnh thổ của Trung Quốc. Cho dù rất nhiều tranh chấp ở khu vực nói trên đều liên quan đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng Trung Quốc kiên trì cho rằng hầu như toàn bộ Biển Đông trên thực tế đều là lãnh thổ của Trung Quốc. Hành động mới nhất của Trung Quốc chính là ủng hộ quan điểm mang nặng sắc thái bành trướng. 

Công ty con đầu tư hải ngoại của Công ty dầu khí Ấn Độ không phải là công ty xuyên quốc gia đầu tiên bị Trung Quốc cảnh cáo vì được Việt Nam phê chuẩn cho tác nghiệp thương mại ở khu vực biển ven bờ của Việt Nam . Công ty dầu khí của Anh (BP) và Công ty Exxon Mobil có lẽ là những đối tượng nổi tiếng nhất bị Trung Quốc trút phẫn nộ về phương diện này. Sự việc lần này khiến người ta đặc biệt quan tâm là vì cách đây không lâu cũng chính trên vùng biển này đã xảy ra sự kiện mà nghe nói liên quan đến một tàu chiến Ấn Độ. Vào cuối tháng 7, tàu chiến tấn công đổ bộ “INS Airavat” của Ấn Độ đang trên đường từ Nha Trang đến Hải Phòng – lúc đó vẫn đang trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – bỗng có tiếng quát tự xưng là “hải quân Trung Quốc”, người quát đã bắt được liên lạc với tàu này thông qua đường vô tuyến băng thông rộng, cho biết chiếc tàu chiến nói trên của Ấn Độ đang đi vào vùng biển của Trung Quốc, yêu cầu phải làm rõ thân phận và cho biết rõ ý định muốn làm gì ở đây. 

Cuối cùng, mặc dù Ấn Độ tuyên bố khẳng định quyền lợi được tự bảo vệ mình trên biển nhưng tất cả các bên (Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam) đều muốn nói đến sự kiện tháng 7 một cách nhẹ nhàng. Tuy vậy thái độ thể hiện mới của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang có hành động, tuyên bố rõ ràng về đòi hỏi chủ quyền của mình, đối phó với tất cả những ai mới đến. Tình hình Biển Đông có thể sẽ trở nên căng thẳng hơn trong một vài tháng sắp tới. Tờ “Indian Express” ngày 17/9 nhận định Trung Quốc có thể có thái độ cứng rắn nhưng Ấn Độ sẽ bảo vệ quyền lợi của mình. Báo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Raju Param nói việc Trung Quốc tranh giành quyền lợi ở Biển Đôngvà quân đội Trung Quốc xâm phạm Ladakh (khu vực lãnh thổ của Ấn Độ thuộc vùng Casơmia) có thể là phương thức cứng rắn trong thái độ của họ, nhưng Ấn Độ cũng sẽ “mạnh mẽ” bảo vệ quyền lợi của mình. Bộ trưởng Raju Param nói “cũng giống như bất cứ quốc gia nào khác kiên trì bảo vệ quyền lợi của mình, tôi đoán rằng Trung Quốc cũng đang muốn làm công việc của mình. Với tư cách của một quốc gia, chúng ta thấy rất rõ quyền lợi và lợi ích của mình”. Khi được hỏi có phải Chính phủ (Ấn Độ) sợ Trung Quốc, Raju Param nói với tư cách của một quốc gia, họ sẽ đem hết mọi khả năng để bảo vệ lợi ích của mình chứ không im lặng. Tuy nhiên Bộ trưởng Raju Param cũng nhắc nhở báo chí quan tâm đến mặt tích cực trong quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc như lĩnh vực kinh tế.

  Theo “Thời báo hoàn cầu”

 Lê Sơn (gt)