Cụm từ “quan hệ sóng gió” mang một ý nghĩa mới sau khi tàu chấp pháp hàng hải dân sự của Trung Quốc đối đầu với tàu khu trục của Hải quân Philippines tại một bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông. Bãi cạn Scarborough đặc trưng bởi năm bãi đá, bãi đá cao nhất trong số này nhô cách mặt biển 3 mét khi thủy triều lên cao. Các ngư trường đánh bắt và, quan trọng hơn, những quy tắc pháp lý quyết định quyền sở hữu và quyền khai thác đang là vấn đề tranh cãi.

Tranh chấp này được giải quyết như thế nào sẽ tác động lớn hơn đối với khu vực đang cảnh giác trước một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Các đảo, đá ở Biển Đông là vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong nhiều thập kỷ qua. Bãi cạn Scarborough – một chuỗi đảo và đá hình tam giác, bao quanh một khu vực rộng 150 ki-lô-mét vuông – nổi lên như một điểm bùng phát mới trong tháng Tư vừa qua. Bãi cạn, cách Vịnh Subic khoảng 200 ki-lô-mét về phía tây, nằm ở phía bắc của Quần đảo Trường Sa, khu vực Việt Nam và Trung Quốc đang tranh chấp.

Cuộc đối đầu nổ ra hôm mùng 8 tháng Tư khi một máy bay trinh sát của Philippines phát hiện năm tàu cá Trung Quốc ở khu vực đầm phá. Hải quân Philippines điều đến một tàu khu trục nhỏ để kiểm tra tàu cá Trung Quốc và hai ngày sau đó phát hiện một số lượng Trai tai tượng, san hô và cá mập, những loài được bảo vệ theo luật pháp Philippines và Công ước Buôn bán Quốc tế những Loài Động Thực vật có Nguy cơ bị Đe dọa.

Hai tàu Hải giám Trung Quốc đã sớm xuất hiện, tiến vào án ngữ giữa tàu khu trục của Philippines và tàu cá Trung Quốc. Trung Quốc và Philippines đều chính thức phản đối hành động của bên kia.

Trong một nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, Philippines đã rút tàu khu trục hải quân và thay thế bằng một tàu Bảo vệ Bờ biển. Philippines sau đó điều thêm một tàu của Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản đến hiện trường. Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của nước này bằng việc triển khai tàu Ngư chính hiện đại nhất, Yuzheng tới khu vực tranh chấp. Cuộc đối đầu tiếp tục đến tận hôm nay.

Cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố Bãi cạn Scarborough là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Trung Quốc gọi Bãi cạn Scarborough là Đảo Hoàng Nham và tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với đảo và vùng biển liền kề trên cơ sở quyền khám phá lịch sử.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, UNCLOS, đảo được định nghĩa là một thực thể hình thành tự nhiên, có thể duy trì sự cư trú của con người hoặc có hoạt động kinh tế,  được quyền có 200 hải lý Vùng Đặc quyền Kinh tế, hay EEZ. Nếu một thực thể không đáp ứng những tiêu chuẩn này, nó chỉ được xếp loại là đá, được quyền có vùng lãnh hải 12 hải lý, nhưng không có vùng đặc quyền kinh tế. Yêu sách của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và quyền chủ quyền ở vùng biển được tạo ra từ vùng lãnh thổ này. Nếu Bãi cạn Scarborough đáp ứng điều kiện pháp lý đối với một đảo, nó sẽ tạo ra một vùng rộng 200 hải lý. Nếu không đáp ứng những điều kiện này, mỗi trong năm bãi đã sẽ được quyền có vùng lãnh hải 12 hải lý.

Philippines gọi Bãi cạn Scarborough là Bãi Panatag, lập luận rằng nó nằm bên trong vùng EEZ 200 hải lý của mình. Yêu sách căn cứ vào quyền chủ quyền đối với tài nguyên bên trong EEZ và thềm lục địa.

UNCLOS không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể đất liền. Luật áp dụng chỉ trong những trường hợp tranh chấp nảy sinh từ quyền tài pháp hàng hải.

Trung Quốc và Philippines có thể giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương hoặc có thể đồng ý để tòa án quốc tế phân xử, chẳng hạn như Tòa án Công lý Quốc tế. Trung Quốc lập luận rằng tranh chấp nên được giải quyết song phương; Philippines muốn đưa tranh chấp này ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, được thành lập bởi UNCLOS.

Cả hai bên đều sử dụng vị thế chính trị cùng với phương thức ngoại giao song phương nhằm củng cố yêu sách của mình. Philippines đã tiến hành chiến thuật ba mũi giáp công – pháp lý, chính trị và ngoại giao – dọa sẽ đơn phương đưa tranh chấp này ra tòa án quốc tế; tìm kiếm sự ủng hộ từ những thành viên khác của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế; tiếp tục đàm phán với Trung Quốc.

Trung Quốc đã phải sử dụng đến một loạt các biện pháp để gây áp lực lên phía Phi-líp-pin: ví dụ như để đối phó với các cuộc biểu tình qui mô nhỏ chống Trung Quốc tại Manila cũng như các nơi khác trên thế giới, Trung Quốc đã ban hành một chỉ thị hướng dẫn du lịch dẫn tới việc hủy bỏ 80 tua du lịch cũng như các chuyến bay đã được lên lịch trước của nước này tới Philipines; tạm thời dừng nhập khẩu mặt hàng chuối của Philipines với lí do mặt hàng này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; và thực hiện một chiến dịch báo chí mang hơi hướng thù địch. Trong năm 2011, xuất khẩu chuối từ Philipines sang Trung Quốc đạt doanh số 60 triệu USD, và Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu chuối lớn thứ 3 của Philippines. Thiệt hại do xuất khẩu chuối trong tháng 5 ước tính khoàng 34 triệu USD. Trung Quốc cũng là nước có lượng khách du lịch lớn thứ 4 đến Philippines. Trung bình mỗi du khách Trung Quốc sẽ ở lại Philippines trong 3 ngày và chi tiêu khoàng 200 USD trong mỗi ngày tại đây. Trong tháng 5, 1500 du khách Trung Quốc đã hủy bỏ các chuyến du lịch tới Philippines, gây ra thiệt hại gần 1 triệu USD cho ngành công nghiệp du lịch của nước này.

Trung Quốc cũng thông báo việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trong Biển Đông, bao gồm cả khu vực Bãi cạn Scarborough, cảnh báo rằng sẽ có những hành động cụ thể đối với những tàu cá nước ngoài vi phạm lệnh cấm trên, với mục đích bề ngoài là để bảo vệ nguồn cá trong mùa sinh sản.

Phía Philippines cũng đáp lại bằng việc từ chối công nhận tính hợp lệ của lệnh cấm từ phía Trung Quốc, nhưng nước này cũng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá của riêng họ trong khu vực Bãi cạn Scarborough.

Nhiều nhà quan sát đã xem lệnh cấm đánh bắt cá của hai bên như một dấu hiệu tích cực, mở đường cho một cách thức để làm dịu bớt căng thẳng. Tuy nhiên những kì vọng này không tồn tại được lâu. Theo nguồn tin từ phía Philippines, vào cuối tháng 5, Trung Quốc đã cử thêm ba tàu chấp pháp dân sự đi cùng với 10 tàu cá của nước này tới Bãi cạn Scarborough. Trung Quốc thừa nhận rằng đã có 20 tàu cá đang ở khu vực bãi cạn. Phía Philippines tuyên bố rằng, nếu tính cả các tàu đánh cá đang hoạt động tại vùng đánh bắt cá được bổ sung thêm, Trung Quốc có gần 100 tàu tại khu vực bãi cạn. Chính quyền dân sự Trung Quốc đã không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn những tàu cá này thực hiện hoạt động đánh bắt cá trong khu vực mà lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực.

Các tác động an ninh của vụ bế tắc cũng không thể xem nhẹ. Trong giai đoạn bế tắc ở mức độ căng thẳng nhất, Philippines và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận quân sự hàng năm mang tên Balikatan (vai kề vai). Một chương trình liên quan đến việc các lực lượng Philippines và Hoa Kỳ tiến hành các cuộc tấn công chống khủng bố tại một giàn khoan ngoài khơi bờ biển phía Tây của đảo Palawan hướng về phía Biển Đông. Trung Quốc cáo buộc rằng sự trợ giúp của Mỹ cho phía Philippines sẽ chỉ khuyến khích nước này hành động vội vã hơn và kêu gọi Mỹ kiềm chế Philippines, nước đồng minh của họ.

Vào tháng 5, trong một động thái nhằm nhấn mạnh quyết tâm của mình trong việc theo đuổi các yêu sách khu vực, Trung Quốc đã thông báo rằng giàn khoan dầu khí nước sâu đầu tiên do chính họ thiết kế và chế tạo sẽ đã bắt đầu hoạt động tại Biển Đông, dẫn đến các cuộc biểu tình tại Philippines. Thực tế, giàn khoan này nằm ở ngoài khu vực cửa biển Pearl, phía Nam Hồng Kông, nằm hoàn toàn trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc. Đây là nơi mà giàn khoan của Trung Quốc sẽ hoạt động trong nhiều năm tới.

Philippines có vẻ đã kì vọng quá mức về việc nhận được sự hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và đồng minh Mỹ. Một số thành viên ASEAN và ngay cả các nhà hoạt động Philippines đã bày tỏ mối nghi ngại về cách mà Manila đối đầu với Bắc Kinh. Như theo lời của một thượng nghị sĩ Philippines, thì Philippines càm thấy họ như là một “đứa trẻ mồ côi”.

Cả Trung Quốc và Philippines, khi bị cuốn vào cuộc đối đầu này đã ngay lập tức thực hiện những hành động mà đã làm cản trở phương án giải quyết nhanh chóng bằng con đường ngoại giao. Cách hành xử mang tính hình thức sau đó lại là nguyên nhân để gia cố các lập trường đối nghịch, kích động chủ nghĩa dân tộc ở cả hai quốc gia. Bế tắc tại Bãi cạn Scarborough đã cho chúng ta thấy được mặt hạn chế của sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.

Hoa Kỳ cần phải xác định rõ mức độ các phản ứng của nước này và tránh việc bị cuốn vào cuộc tranh trấp một vùng lãnh thổ mà không thuộc sở hữu của họ với Trung Quốc. Cùng với đó, Mỹ cần phải ngăn chặn việc Hiệp ước Quốc phòng chung với Philippines bị giảm giá trị do thiếu những sự hỗ trợ rõ ràng từ phía Hoa Kỳ.

Các hành động của Trung Quốc – từ chối nhượng bộ ngoại giao, triển khai các tàu chấp pháp dân sự và sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế - được sử dụng như là một bài học rõ ràng cho các quốc gia khác trong khu vực về cái giá sẽ phải trả khi đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Bế tắc trong tranh chấp tại Bãi cạn Scarborough cũng nhắc nhở Washington về việc cần thiết phải có các chiến lược ngoại giao thận trọng để một mặt làm yên lòng các đồng minh của mình nhưng mặt khác cũng không để bản thân bị cuốn vào một cuộc xung đột ở một nơi xa nước Mỹ.

Carlyle A. Thayer là Giáo sư Danh dự Đại học New South Wales, Học viện Quân sự Quốc phòng Úc.

Theo Yale Global

Tiến Tiệp (gt)