14.jpg

Không ai biết rõ câu trả lời, có thể ngay cả chính ông Trump cũng vậy. Sau đây là những tình huống sẽ xảy ra nếu ông Trump thực hiện những lời đe dọa đó.

Trước hết, luật pháp Mỹ cho phép ông Trump thực hiện những lời đe dọa của ông ta. Thứ hai, mặc dù những biện pháp như vậy sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, có thể đẩy Mỹ vào suy thoái, song thiệt hại là không đáng kể nếu so với những gì mà các biện pháp này gây ra cho các bạn bè của Mỹ như Hàn Quốc, hòn đảo Đài Loan và Thái Lan.

Ngay cả khi ông Trump thất bại trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới, thì tư cách ứng cử viên chính thức của ông ta cũng có thể châm ngòi cho một sự thay đổi mạnh mẽ và đầy nguy hiểm. Kể từ Chiến tranh Thế giới II, cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều chưa bao giờ đề cử một nhân vật thẳng thừng cổ xúy chủ nghĩa bảo hộ. Chắc chắn, nhiều nghị sĩ Cộng hòa sẽ suy ngẫm từ chiến thắng của ông Trump và sẽ thay đổi quan điểm của mình đối với vấn đề mậu dịch do vì sợ bị thất bại trong các cuộc bầu cử.

Những lời đe dọa của ông Trump vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, song luật pháp Mỹ không hề có điều khoản nào cản trở một vị tổng thống không đếm xỉa tới các quy định của WTO. Theo một số luật sư có uy tín trong lĩnh vực mậu dịch, ông Trump có thể tìm thấy sự ủy quyền trong Mục 301 của Luật Thương mại Mỹ năm 1974. Luật này cho phép tổng thống áp đặt các lệnh trừng phạt, trong đó có cả thuế quan, lên bất kỳ quốc gia nào mà ông ta cho là đang có những "chính sách, hành vi hay tập quán" gây bất lợi theo cách "không thể biện minh được" và "vô lý" cho "thương mại của Mỹ".

Ông Trump tuyên bố rằng ông không sợ xuất khẩu của Mỹ bị ảnh hưởng nếu xảy ra chiến tranh thương mại, bởi lẽ Trung Quốc và Mexico sẽ có nhiều thứ để mất hơn. Tuy nhiên, hơn một nửa hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc và 3/4 nhập từ Mexico là tư liệu sản xuất và hàng hóa trung gian mà các công ty Mỹ cần cho chính hoạt động sản xuất của họ. Không thể có chuyện giảm đột ngột nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico lại không gây hại cho các công ty Mỹ. Trên thực tế, điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng dài hạn và phá hủy việc làm của nước Mỹ. Chẳng hạn như, các nhà máy ô tô đặt trụ sở tại Mỹ buộc phải trả giá đắt hơn để nhập khẩu, do đó sẽ bị giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Trump tuyên bố rằng mọi thiệt hại đều sẽ được bù đắp bởi những lợi ích vì các mức thuế quan của ông sẽ buộc các công ty phải đưa việc làm từ Trung Quốc và Mexico trở về Mỹ. Trong trường hợp Trung Quốc, điều này là không thể vì sự tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc không "cướp" việc làm của nước Mỹ, mà của những nước khác ở châu Á.

Trong suốt 1/4 thế kỷ, từ năm 1990 đến năm 2014, thị phần hàng chế tạo nhập khẩu vào Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc đã tăng vọt từ 3,6% lên 26%. Tuy nhiên, trong cùng kỳ, thị phần hàng nhập khẩu trong các nhà máy Mỹ đến từ toàn bộ vùng Đông Á gần như không thay đổi (47% trong năm 1990 và 46% trong năm 2014). Nhập khẩu từ Trung Quốc không làm tăng nhập khẩu vào Mỹ; phần lớn chúng thay thế hàng nhập khẩu trước đây đến từ các quốc gia khác. Những con chip máy tính từng được nhập trực tiếp từ Nhật Bản hiện được dùng cho những sản phẩm lắp ráp tại Trung Quốc và dán nhãn "Sản xuất tại Trung Quốc". Mặc dù Mỹ sẽ bị thiệt hại, song các đồng minh và bạn bè của Mỹ tại châu Á sẽ phải khốn đốn hơn nhiều. Tỷ lệ hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trong GDP là 3,5% ở Nhật Bản, 10% ở Thái Lan, Singapore và Việt Nam, và 13%-15% ở Hàn Quốc và Đài Loan.

Trong năm 2015, thông tin về việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc không đáng kể đã khiến thị trường chứng khoán của Mỹ lao dốc. Do đó, nếu ông Trump đắc cử và khuấy động một cuộc chiến tranh mậu dịch tại châu Á, tác động lên các các thị trường tiền tệ và chứng khoán chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng.

Theo "Wall Street Journal"

Mỹ Anh (gt)