Ông Trump hấp dẫn cử tri một phần là nhờ việc ông phản đối nguyên trạng của nước Mỹ, song một số ý tưởng của ông lại khiến các cố vấn ngoại giao của cả chính quyền Dân chủ lẫn Cộng hòa trước đây phải hoảng sợ. Phát biểu trên kênh MSNBC vào tuần trước, ông Trump nói: "Nếu tôi tiếp tục chính sách của một số con người này trong chính phủ của chúng ta, chúng ta sẽ bị mắc kẹt ở Trung Đông thêm 15 năm nữa và tới lúc đó chúng ta sẽ lĩnh kết cục thất bại, quốc gia của chúng ta sẽ bị tan rã. Chúng ta đang chi hàng nghìn tỷ USD cho Trung Đông trong khi cơ sở hạ tầng của quốc gia đang rệu rã".

Mặc dù một số đề xuất của ông Trump có vẻ "thiếu cân nhắc", song công bằng mà nói nhiều đề xuất khác, như lệnh cấm tạm thời người Hồi giáo đến Mỹ, đã được suy tính cẩn thận và hình thành nền tảng của một chính sách đối ngoại hoàn toàn mới, theo đó sẽ sắp xếp lại những ưu tiên và những mối quan hệ của nước Mỹ. Những khuynh hướng căn bản trong chính sách đối ngoại của ông Trump gồm: hợp tác với Nga, đối đầu với Trung Quốc và Mexico, đặc biệt là trong lĩnh vực mậu dịch và nhập cư. Ông cũng tỏ ra không muốn thách thức các nhà độc tài ở Trung Đông và một số nơi khác, khi nói rằng "sự thách thức đó tất yếu đẩy Mỹ vào những cuộc chiến tốn kém làm đảo lộn khu vực này".

Trong bối cảnh ông Trump ngày càng tiến gần hơn tới số phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa, ở Mỹ ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói lo ngại. Ông Mitt Romney, ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm 2012, tuyên bố những đề xuất của ông Trump sẽ khiến nước Mỹ "kém an toàn hơn". 100 chuyên gia an ninh quốc gia thuộc phái bảo thủ cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong bức thư ngỏ gần đây chỉ trích những đề xuất của ông Trump trong quan hệ với Nga, Nhật Bản và cách ứng xử với người Hồi giáo. 

Thomas Wright, Giám đốc Dự án Trật tự và Chiến lược Quốc tế của Viện Brookings, nói: "Trump đưa chúng ta trở lại với kỷ nguyên biệt lập trước đây. Quan điểm về thế giới của ông ta là sản phẩm của 30 năm trước. Ông ta sẽ phá hủy các liên minh của Mỹ, đóng cửa nền kinh tế thế giới, và cấp bằng miễn phí cho các nhà lãnh đạo độc tài". 

Tuy nhiên, cách thể hiện sức mạnh cũng như cách nói chuyện thẳng thắn của ông Trump đem lại cho ông sức hấp dẫn đặc biệt. Những người ủng hộ ông thường xuyên nói rằng họ tin là ông Trump sẽ vì người Mỹ đấu tranh với những quốc gia và hoan nghênh câu khẳng định của ông rằng "lâu nay các nhà lãnh đạo Mỹ đã để cho nước Mỹ bị các quốc gia khác lợi dụng". 

Vị tổng thống Mỹ tới đây sẽ phải giải quyết rất nhiều thách thức toàn cầu, trong đó có các chiến dịch của Nga tại Trung Đông và Đông Âu, sự nổi lên của Iran, những chế độ bất ổn tại Libya, Iraq, Syria và Yemen, và sự hoành hành của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Nước Mỹ cũng đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế và chiến lược mở rộng quân sự của Trung Quốc.

Một số đảng viên Cộng hòa, trong đó có ứng cử viên tổng thống Marco Rubio đến từ bang Florida, đã thể hiện cách tiếp cận diều hâu đối với những mối đe dọa kể trên, trong khi Thượng nghị sĩ Ted Cruz đến từ Texas chủ trương sử dụng vũ lực một cách hạn chế- sự khác biệt này phần nào phản ánh mâu thuẫn trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng như phái bảo thủ. Những đề xuất của ông Trump không thuộc bất kỳ phạm trù nào vừa kể. Ông Trump mới chỉ bổ nhiệm một người vào Ủy ban cố vấn an ninh quốc gia của mình- Thượng nghị sĩ Jeff Sessions. Các quan điểm đối ngoại mà ông nêu ra vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chẳng hạn như ông chưa nêu chi tiết kế hoạch xử lý các chính phủ yếu kém ở Iraq và Afghanistan.

Chỉ vừa mới tuần trước, ông Trump đã có sự thay đổi quan điểm tới 180 độ: Sau nhiều tháng cam kết là sẽ tra tấn các phần tử khủng bố và truy lùng để tiêu diệt những thành viên trong gia đình của chúng, hôm 4/3 ông lại nói với tờ "The Wall Street Journal" rằng ông sẽ không bắt quân đội phải thực thi những hành động trái luật pháp. Theo các chuyên gia luật, việc tra tấn và truy lùng để tiêu diệt các thành viên gia đình của các phần tử khủng bố là vi phạm luật pháp Mỹ và các công ước Geneva.

Trong nhiều lĩnh vực, ông Trump hứa hẹn sẽ có cách tiếp cận cứng rắn mới, thậm chí kể cả với đồng minh khi nói rằng ông sẽ yêu cầu Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ả Rập Saudi phải tăng tiền thanh toán cho việc Mỹ bảo trợ quân sự cho họ. Ông cũng hứa hẹn sẽ đối đầu với Trung Quốc và Mexico, những nước bị ông tố cáo là cướp việc làm của người Mỹ và cạnh tranh không lành mạnh trong giao dịch thương mại với Mỹ. Ông cũng khẳng định sẽ cho xây dựng một bức tường dài 1.000 dặm dọc biên giới Mỹ-Mexico bằng kinh phí do Chính phủ Mexico chi trả. Bên cạnh đó, ông Trump sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với một số nước, nhất là Nga. Hiện Washington và Moskva đang bất đồng trong vô số cuộc xung đột, trong đó có cuộc chiến tại Syria. Ông Trump đã giành lời khen ngợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin- người mà hầu hết các nhà lãnh đạo Mỹ không tin tưởng, nói rằng ông Putin có thể giúp giải quyết cuộc chiến tại Syria.

Các cựu quan chức ngoại giao và chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ cho biết họ vẫn đang đợi ông Trump vạch ra một chiến lược thống nhất. Nhiều người còn cho rằng những đề xuất chưa hoàn chỉnh mà ông nêu ra trong các phát biểu tranh cử không thể hiện một cách tiếp cận toàn diện.

Theo The Wall Street Journal

Văn Cường (gt)