Quay trở lại giai đoạn Tổng thống Richard Nixon tái tranh cử vào năm 1972, Mỹ vẫn còn bị mắc kẹt trong 4 năm đàm phán khó khăn với miền Bắc Việt Nam nhằm chấm dứt sự can dự của Mỹ vào một cuộc chiến tranh kinh khủng và dường như vô tận tại đây. Mục tiêu ban đầu của Nixon là bằng cách nào đó cố gắng rút quân khỏi miền Nam “hòa bình trong danh dự” nhằm tránh thừa nhận sự thất bại trước lực lượng quân đội chính quy miền Bắc và du kích Việt Cộng. 

Năm 1968, Nixon lần đầu tiên được bầu làm tổng thống một phần nhờ hứa hẹn với công chúng Mỹ về “một kế hoạch bí mật hòa bình” cho Việt Nam. Đối thủ của ông ta trong cuộc bầu cử Tổng thống năm đó đã được chọn là Phó Tổng thống Hubert Humphrey. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ của Humphrey lại bị rạn nứt sâu sắc. Đương kim Tổng thống Lyndon Johnson bị công luận Mỹ gây áp lực nên không tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Humphrey giành được vị trí đề cử sau khi đánh bại thách thức thứ nhất từ Thượng nghị sỹ Eugene McCarthy và người thách thức thứ hai, Thượng nghị sỹ Robert Kennedy đã bị ám sát vào chính đêm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng tại California. Sau đó, Humphrey phải đối mặt với một bên là sự tẩy chay của các nhà hoạt động chính trị chống chiến tranh từ chối ủng hộ ông ta và bên kia là những người ủng hộ chủ trương phân biệt chủng tộc bang Alabama . 

Bốn năm sau chiến thắng trước Humphrey, Nixon phải đối mặt với ứng viên thiếu may mắn bang South Dakota, Thượng Nghị sỹ George McGovern, một ứng viên chủ trương hòa bình, phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Đồng thời, Chính quyền Nixon với phải đối mặt với làn sóng dư luận chỉ trích gay gắt về thực tế bốn năm sau cam kết ban đầu của ông ta về chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam, chiến tranh vẫn tiếp diễn và mọi cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh đều rơi vào bế tắc. 

Sau đó, gần như điều kỳ diệu đã xảy ra vào ngày 26/10, chưa đầy hai tuần trước ngày bầu cử, Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, Trưởng đoàn của Mỹ tại đàm phán hòa bình Paris đã tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng “chúng tôi tin rằng hòa bình trong tầm tay”. 

Lúc đó Nixon đã gần như dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận (thực tế Nixon đang tiến đến gần chiến thắng vẻ vang trong khi Thượng nghị sỹ McGovern cố gắng giành chiến thắng cuối cùng tại bang Massachusetts và Quận Columbia) thì tuyên bố mạnh mẽ của Kissinger đã bồi thêm cú đấm mạnh mẽ đập tan cơ hội vốn đã mong manh của McGovern. Vào thời điểm kiểm phiếu, Nixon đã vượt xa đối thủ 20%. Trớ trêu thay những người lính Mỹ cuối cùng không rời khỏi Việt Nam cho mãi đến tận năm 1975 trong sự hỗn loạn, lộn xộn của máy bay trực thăng di tản từ trên nóc nhà Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Vào thời điểm này, Gerald Ford đã trở thành Tổng thống sau khi Nixon từ chức do vụ bê bối Watergate. 

“Bất ngờ Tháng Mười” giờ đã tồn tại trong kho tàng thuật ngữ chính trị có nghĩa là một sự kiện tin tức bất ngờ có khả năng đảo ngược dự đoán kết quả, đặc biệt là trong bầu cử Tổng thống. Tháng 10 cũng là tháng “ngạc nhiên”, chỉ vài tuần trước ngày bầu cử vào thứ ba đầu tiên của tháng 11, vì có sự tập trung chú ý tối đa của công luận vào cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống. Khả năng đánh bật lại đối thủ là hoàn toàn có thể ở giai đoạn này ngay cả khi các cuộc thăm dò ngày càng trở nên chắc chắn về một kết quả bầu cử cụ thể. 

Có lẽ thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng để ám chỉ tác động trong tuyên bố của Kissinger nhưng giờ đây nó đã trở thành biệt danh cho một sự kiện ấn tượng, làm đảo lộn mọi dự đoán và điều này cũng có nghĩa mọi cá cược đều có thể sai. Ứng cử viên tổng thống giờ đây sống trong tâm trạng sợ hãi đối thủ của họ, đặc biệt là giữ thế phòng ngự, sẽ bằng cách nào đó tạo dựng cuộc chơi “Bất ngờ Tháng Mười”, giành lại bước đà quan trọng trong khi các ứng cử viên khác không có đủ thời gian để phản công tức thời hay quay lại giành chiến thắng. 

Quay trở lại thuật ngữ này trong cuộc bầu cử năm 1968. Một bài viết gần đây trên Bloomberg cho biết William Safire, một chuyên gia ngôn ngữ và trợ lý Nhà Trắng, đã đề xuất chiến thuật cho cuộc đua đầu tiên vào Nhà Trắng của Nixon thành công. “William J. Casey đưa ra thuật ngữ này vào năm 1968 khi Richard Nixon đang chạy đua vào vị trí tổng thống. Casey, người mà sau này trở thành Giám đốc cơ quan Tình báo trung ương của Chính quyền Ronald Reagan thời điểm đó là trợ lý của Nixon. Safire cũng là người viết diễn văn cho Nixon. Casey sợ rằng Tổng thống Lyndon Johnson sẽ là người đề xuất sáng kiến hòa bình cho Việt Nam và giúp Phó Tổng thống của ông ta Hubert Humphrey giành chiến thắng trong cuộc bầu cử”. 

Bloomberg cũng cho biết thêm “trong chiến dịch tranh cử năm 1980 Ronald Reagan cũng lo ngại Tổng thống Jimmy Carter sẽ dàn xếp kết quả vào phút cuối trong việc thả 52 con tin người Mỹ bị giam giữ tại Iran và tái cử. Các đối thủ của ông ta đã lật ngược tình thế, cáo buộc Reagan bí mật đàm phán với Iran nhằm trì hoãn việc thả con tin cho tới tận khi bầu cử”. 

Giờ đây, Barack Obama đang giành lợi thế dẫn đầu trong các cuộc bỏ phiếu tại các bang và thậm chí ngay cả ở những bang quan trọng quyết định sự sống còn như Florida, Ohio và Virginia, trách nhiệm giờ đây thuộc về Mitt Romey phải tìm cách nào nhằm thay đổi cuộc chơi khó nắm bắt để giành chiến thắng. 

Còn nhiều điều có thể thay đổi, khó lường như “Bất ngờ Tháng Mười” dưới hình thức khủng hoảng quốc tế trầm trọng đến mức tình hình chính trị rối ren vượt khỏi tầm kiểm soát, tạo cho Romney một cơ hội áp dụng vị thế lãnh đạo đất nước tập hợp những cử tri đến giờ vẫn chưa quyết định lựa chọn ai. Cuối cùng, tất nhiên sẽ có “Bất ngờ Tháng Mười” với tuyên bố chung cuộc của Nhà Trắng về sự tái cử của Obama. 

Liệu “Bất ngờ Tháng Mười” có thể thay đổi những gì? 

Ở trong nước, hai vấn đề về tỷ lệ thất nghiệp và tạo thêm công ăn việc làm đang chờ được thông báo vào đầu tháng 10 và tháng 11. Chỉ cần hình dung có sự sụt giảm hay tăng đáng kể con số thất nghiệp cũng có thể khiến hai ứng cử viên phải chú trọng vào việc làm chủ nền kinh tế. Việc làm là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chiến dịch bầu cử. 

Và cũng có khả năng một trong các ứng viên rơi vào khủng hoảng trong cuộc tranh luận chia làm 3 giai đoạn được truyền hình trên cả nước. Điều tương tự đã từng xảy ra trước đây: Gerald Ford đã lừa bịp về việc Liên Xô thống trị Ba Lan, Tổng thống George H.W. Bush trở nên nổi tiếng với hành động nới lỏng đồng hồ ở cổ tay và Al Gore thở dài lớn tiếng trong bài phát biểu của George W. Bush. 

Trên trường quốc tế, tất nhiên khả năng càng thêm lớn và không thể trong tầm kiểm soát của bất kỳ chính khách nào của Mỹ. Bên ngoài là một thế giới rộng lớn, phức tạp, khó kiểm soát và hỗn loạn. Điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống nếu Iran thực sự đã thử nghiệm thiết bị hạt nhân; Ixraen quyết định tấn công ngăn chặn vụ thử nghiệm hạt nhân; hay thậm chí Iran tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân và Ixraen đáp trả. Tệ hơn nữa, hãy tưởng tượng sự hỗn loạn xảy ra nếu Mỹ buộc phải ủng hộ Ixraen kết thúc cuộc chiến mà nước này đã phát động. 

Đây không chỉ là điều hay hoặc dở xảy ra tại thời điểm “Bất ngờ Tháng Mười” nhưng sự phản ứng trong thế giới Hồi giáo sau đó sẽ vượt khỏi tầm kiếm soát của bất kỳ tổng thống nào và có thể làm thay đổi kết quả cuộc đua vào vị trí tổng thống. 

Tuy nhiên, điều tích cực hơn là hãy tưởng tượng tác động của một trong những tuyên bố của Nhà Trắng rằng Mỹ và các lãnh đạo của Ixraen, Iran trên thực tế đã đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran. Lãnh đạo các quốc gia này sẽ tập trung vào ngày 1/11 để chính thức công nhận Hiệp ước Trại David. Hoặc có thể Tổng thống Barack Obama và nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên (cùng Tổng thống Hàn Quốc, Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Nhật Bản) cùng ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân, quan hệ ngoại giao, thương mại mới và bắt tay viện trợ cho dù đến nay Bình Nhưỡng vẫn còn là một bí ẩn. 

Số lượng người Mỹ được thăm dò ngày càng tăng đã dập tắt cơ hội chiến thắng của Mitt Romey, khiến các chính trị gia và giới phân tích tìm cách lý giải tại sao khả năng thất bại của ứng cử viên này là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là một thế giới khó đoán định trước được gì và rất nhiều điều có thể xảy ra.

Theo Daily Marvlick

Trần Quang (gt)