Tuyên bố hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau 5 năm ròng rã của Bộ trưởng Thương mại 12 quốc gia có thể coi là đã giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama giành được một chiến thắng quan trọng, góp phần ghi dấu ấn vào di sản kinh tế mà ông để lại.

Tuy nhiên, "cuộc chiến" sắp tới sẽ còn cam go và nhiều thách thức hơn những gì mà ông Obama từng phải đối mặt khi thúc đẩy quá trình đàm phán TPP. Những gì đang chờ đón phía trước nhiều khả năng sẽ là một cuộc tranh đấu chính trị căng thẳng để thuyết phục Quốc hội Mỹ chấp nhận thông qua thỏa thuận, nhất là khi một số nghị sỹ Cộng hòa từng ủng hộ ông Obama giành quyền đàm phán nhanh không hài lòng với những nhượng bộ của Mỹ trong đàm phán TPP.

Bên cạnh đó, "cuộc chiến" này lại diễn ra trong bối cảnh các ứng cử viên tổng thống đang đẩy mạnh chiến dịch tranh cử, và Donald Trump - ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa - không ngừng nhấn mạnh quan điểm bảo hộ nền công nghiệp Mỹ. Hồi đầu năm, ông trùm bất động sản nhiều tai tiếng này tuyên bố: "TPP là một mũi dao chĩa vào lĩnh vực thương mại và kinh doanh của Mỹ. Đây là một thỏa thuận tồi tệ".

Tuy nhiên, ông Obama không phải là người duy nhất đối mặt với những thách thức kiểu này. Thủ tướng Canada Stephen Harper chuẩn bị bước vào một cuộc bầu cử cam go, dự kiến diễn ra vào ngày 19/10, sự kiện mà một trong những đối thủ của ông khẳng định sẽ hủy bỏ những gì ông đã đàm phán nếu giành chiến thắng. Tại Nhật Bản, sự ủng hộ giành cho Thủ tướng Shinzo Abe liên tục sụt giảm. Dư luận cho rằng quá trình kêu gọi Quốc hội Nhật Bản thông qua TPP cũng sẽ không hề suôn sẻ. Thậm chí ngay cả Việt Nam, sự thay đổi trong giới lãnh đạo vào năm 2016 cũng đồng nghĩa với những thách thức không nhỏ về chính trị mà TPP được trình Quốc hội.

TPP vẫn cần phải vượt qua các rào cản về thủ tục và chính trị tại Mỹ. Theo quy định, Quốc hội Mỹ sẽ dành ra 90 ngày để quyết định có thông qua TPP hay không, điều này đồng nghĩa với việc ông Obama sẽ không thể ký hiệp định này trước tháng 1/2016 hoặc thậm chí là lâu hơn nữa. Cùng với các thủ tục khác, có thể đến giữa năm 2016, TPP mới được chính thức thông qua ở Quốc hội Mỹ.

Vừa qua, Tổng thống Obama đã dựa vào sự ủng hộ của phe Cộng hòa để vượt qua rào cản là sự phản đối của chính đảng Dân chủ nhằm đạt được "quyền đàm phán nhanh", điều kiện cần có từ Quốc hội để đẩy nhanh quá trình đàm phán TPP - thỏa thuận thương mại quy mô nhất trong hai thập kỷ trở lại đây. Vấn đề lớn nhất đối với ông Obama hiện nay có thể là phe Cộng hòa không hài lòng với những nhượng bộ mà các nhà đàm phán Mỹ đã đưa ra trong những ngày gần đây, như loại ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá ra khỏi các cuộc tranh cãi về đầu tư, chấp nhận thời gian bảo hộ ngắn hơn đối với các sản phẩm sinh dược, hay một số vấn đề nhạy cảm khác.

Những thực tế này cho thấy ông Obama khó có thể dựa vào giới lãnh đạo Cộng hòa để thúc đẩy Quốc hội thông qua TPP một cách nhanh chóng như những gì ông muốn. Orrin Hatch - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện - ngày 5/10 cho rằng đáng tiếc là thỏa thuận chưa đạt được mức ông từng kỳ vọng. Ông nói: "Việc hoàn tất thỏa thuận chỉ có thể được coi là một thành tựu đối với Mỹ chừng nào nó thực sự đem lại lợi ích cho người dân Mỹ và được Quốc hội thông qua. Tuy các chi tiết vẫn chưa được công bố cụ thể, song tôi e là nó sẽ có rất nhiều thiếu sót. Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương là cơ hội ngàn năm có một, và Mỹ không nên chấp nhận một thỏa thuận tầm thường, một thỏa thuận chưa thể đặt ra các nguyên tắc thương mại tiêu chuẩn cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều năm tới".

Giới chức chính quyền Mỹ tin rằng một khi toàn bộ nội dung thỏa thuận TPP được trình giới lãnh đạo Cộng hòa, sự do dự sẽ hoàn toàn biến mất, và điều tương tự cũng sẽ diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Những người ủng hộ TPP khẳng định một số nội dung của TPP - nhất là các chương về lao động và môi trường, và nỗ lực nhằm giải quyết các lo ngại (của đảng Dân chủ) về nguy cơ một số đối tác thương mại Mỹ sử dụng chính sách hạ giá tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh - có thể giành được sự ủng hộ của những người thuộc phe Dân chủ phản đối ông Obama. Đại diện thương mại Mike Froman ca ngợi thỏa thuận là luồng gió tốt lành đối với nền kinh tế, và nó có thể đem tới những tiến bộ quan trọng "trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cao trong khu vực này".

Tuy nhiên, thực tế là ông Obama khó có thể nhận được đủ sự ủng hộ từ chính đảng của mình trong quá trình Quốc hội Mỹ cân nhắc thông qua TPP. Philip Levy, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Hội đồng Các Vấn đề Quốc tế tại Chicago, nói: "Có một nghịch lý là chính quyền Obama thuộc phe Dân chủ, nhưng sự ủng hộ đối với họ lại đến từ phe Cộng hòa. Đây là một nghịch lý".

Câu hỏi lớn hơn là liệu TPP có thể vượt qua "ải" Quốc hội Mỹ hay không, nhất là trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay của các cuộc tranh cử, thời gian cân nhắc bị kéo dài và sự bất bình của nhiều nhân vật thuộc đảng Cộng hòa. Giới chức chính quyền Mỹ cho rằng khả năng này hoàn toàn là có thể, và rằng một cuộc bỏ phiếu về TPP có thể diễn ra trước thời điểm giữa năm 2016. Tuy nhiên, ngay cả khi đảng Cộng hòa chấp nhận thỏa thuận này, họ vẫn sẽ tìm cách kéo dài thời gian để chờ một chính quyền Cộng hòa hoặc một nhà lãnh đạo - nếu phe Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2016 - để mở lại các cuộc đàm phán và giải quyết các vấn đề tồn đọng, nhất là khi như nhiều chuyên gia nhận định: TPP có thể sẽ tạo một tiền lệ quốc tế về các vấn đề then chốt.

Theo Financial Times

Văn Cường (gt)