Liệu Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng được ký gần đây giữa hai nước, với mục tiêu vượt qua việc mua bán vũ khí thông thường sang phối hợp sản xuất trang thiết bị quân sự, có đánh dấu bước ngoặt hay chỉ là công cụ của Mỹ nhằm xoa dịu người Ấn?

Những nhân tố thúc đẩy quan hệ chiến lược này là rõ ràng. Kể từ năm 2006, thương mại hai chiều đã tăng gấp 4 lần, đạt gần 100 tỷ USD năm 2013. Và trong thập kỷ qua, xuất khẩu quốc phòng của Mỹ sang Ấn Độ đã tăng kỷ lục từ chỉ khoảng 100 triệu USD lên hàng tỷ USD hàng năm. Khi chi tiêu quân sự Mỹ chậm lại, các thị trường xuất khẩu khác khó khăn, các tập đoàn quốc phòng Mỹ đang tích cực mở rộng xuất khẩu sang Ấn Độ, quốc gia đang trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, môi trường chính trị cũng phù hợp với các kế hoạch của Mỹ: Ấn Độ hiện tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Với Mỹ, việc thế chỗ Nga để trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ là một thắng lợi ngoại giao lớn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là Ấn Độ có thực sự phải chi trả cho số vũ khí mà nước này mua không? Những năm gần đây, Ấn Độ đã đặt mua vũ khí Mỹ trị giá khoảng 9 tỷ USD. Nước này đang mua bổ sung các hệ thống vũ khí hiện đại như: máy bay trực thăng tấn công Apache 22, 6 máy bay vận tải quân sự C-130J, 15 trực thăng nâng hạng nặng Chinook và 145 bệ pháo M-777 trị giá 5 tỷ USD. Giá trị các hợp đồng vũ khí của Ấn Độ với các công ty Mỹ đã vượt qua giá trị các khoản viện trợ quân sự Mỹ cho bất kỳ quốc gia nào, ngoại trừ Ixraen. 

Nirupama Rao, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, đã gọi những giao dịch vũ khí này là “mặt trận mới” trong quan hệ Mỹ-Ấn và cũng là một mặt trận rất hứa hẹn. Thế nhưng, nếu người Mỹ coi đây là một dấu hiệu tích cực thì người Ấn Độ lại cho rằng đó là biểu hiện của một sự phụ thuộc. Vấn đề đặt ra là ngành quốc phòng Ấn Độ chẳng có thứ gì có thể bán sang Mỹ. Quốc gia này vẫn chưa phát triển được cơ sở sản xuất vũ khí giống như Nhật, nước đang phối hợp phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến với Mỹ. Thực tế, Ấn Độ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, không chỉ từ các nhà cung cấp lớn như Mỹ và Nga mà còn cả Israel, nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới, để đáp ứng nhu cầu quốc phòng cơ bản của mình. 

Thêm vào đó, giới lãnh đạo Ấn Độ vẫn chưa biết dùng đòn bẩy mua vũ khí để thúc đẩy các lợi ích quốc gia của mình với Mỹ. Ví dụ, Ấn Độ có thể thuyết phục Mỹ ngừng bán vũ khí cho Pakistan hoặc bảo đảm cho hàng hóa có tính cạnh tranh cao của Ấn Độ trong lĩnh vực IT và dược phẩm thâm nhập vào thị trường Mỹ. 

Một nghịch lý nữa là mặc dù Mỹ theo đuổi mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với Ấn Độ chủ yếu là nhằm đối trọng với một Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán, song Tổng thống Barack Obama lại đứng trung lập trong các tranh chấp Trung-Ấn. Mỹ đã từ chối tập trận chung với Ấn Độ ở bang Đông Bắc Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc coi là khu vực Nam Tây Tạng kể từ năm 2006.

Cũng như vậy, Mỹ chủ yếu bán các hệ thống vũ khí phòng thủ cho Ấn Độ, trong khi Nga lại chào bán các hệ thống vũ khí tấn công, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược, tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân.

Liệu Mỹ có sẵn sàng bán cho Ấn Độ các loại vũ khí tấn công, bao gồm các loại vũ khí thông thường có độ chính xác cao, các hệ thống chống tàu ngầm và tên lửa hành trình, những thứ có thể giúp ngăn chặn khả năng tấn công quân sự của Trung Quốc? Khi hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn được mở rộng, câu hỏi này sẽ hiện ra rõ hơn bao giờ hết.

Theo Project Syndicate

Thùy Anh (gt)