Ttất cả những gì đang diễn ra cho thấy một xu hướng nguy hiểm: một cuộc đối đầu không tránh khỏi giữa Mỹ - siêu cường của quá khứ - và Trung Quốc - siêu cường của tương lai.

Chưa bao giờ trong một thời gian rất ngắn có nhiều quốc gia và siêu cường tập trung lực lượng và sự quan tâm vào một khu vực nhỏ như vậy. Những hòn đảo nổi, đảo chìm, các rặng san hô mà hầu hết các nước trong khu vực đều đòi chủ quyền này có tổng diện tích chưa tới 2 km2, nhưng lại trải dài trên một diện tích lên tới 150.000 km2, bằng một nửa lãnh thổ Ý, nhưng lại co vị trí địa lí mang tính chất chiến lược của các hòn đảo cũng như những hệ quả lên lịch sử hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã khiến Bắc Kinh làm tất cả những gì có thể để biến nơi này thành một cái biển của riêng mình. Đối với Mỹ, siêu cường đã kiểm soát Thái Bình Dương kể từ khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8/1945, trong ván cờ thế giới, việc Trung Quốc kiểm soát vùng biển này đồng nghĩa với sự chấm dứt quyền bá chủ của họ. 

Sự xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi, khi Bắc Kinh bắt đầu thách thức Washington trong cuộc chơi lớn để xác định ai sẽ là người đứng đầu thế giới ở thế kỉ 21.

Mỹ coi việc các vệ tinh và máy bay do thám phát hiện các đảo bị Trung Quốc chiếm đang được nhanh chóng mở rộng diện tích trên Biển Đông cũng chẳng khác gì việc họ phát hiện ra các tàu chở tên lửa của Liên Xô đang tiến đến Cuba, để từ đó chĩa về Washington cách đây nửa thế kỉ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã ngay lập tức tuyên bố sẽ phái đến Biển Đông một hạm đội, khẳng định "Mỹ luôn muốn giữ vai trò là cường quốc quân sự ở Đông Á trong nhiều thập kỉ nữa". Tàu khu trục tên lửa Ticonderoga được đưa đến gần khu vực có tranh chấp, điều mà Bắc Kinh gọi là một sự "khiêu khích nguy hiểm". 

Bắc Kinh đã cho ra đời một siêu ngân hàng quốc tế về đầu tư (với sự ủng hộ của người Đức và người Nga), nhằm phá vị thế độc tôn của đồng USD, điều làm cho Washington rất tức giận. Tổng thống Mỹ Barack Obama, bị cáo buộc là phớt lờ Trung Quốc quá lâu, đã "bật đèn xanh" cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc đẩy quá trình tái vũ trang Nhật Bản, kẻ thù lịch sử của Trung Quốc. Ông Obama biết rằng không gì có thể chọc tức Trung Quốc bằng cách khiến cho Nhật Bản có thể tái vũ trang để mạnh mẽ như dưới thời Nhật hoàng Yamamoto. 

Có lẽ những gì đang xảy ra có thể sẽ là tiền đề cho những cuộc xung đột mạnh mẽ và với quy mô lớn hơn trong tương lai. Cuộc xung đột ấy là một tấm gương phản ánh sự thoái trào dần dần của một siêu cường là Mỹ trước một siêu cường đang lên là Trung Quốc. Siêu cường ấy kiên nhẫn với sự lựa chọn của họ, kiên định với phương pháp mà họ thực hiện, và hiểu rằng mọi điều đang ủng hộ họ.

Theo La Repubblica (Ý)

Văn Cường (gt)