Tác giả cho rằng cốt lõi của vấn đề quần đảo Điếu Ngư là Trung Quốc phải thể hiện rõ chủ quyền thuộc về ta. “Chủ quyền thuộc về ta” không thể biến thành một câu khẩu hiệu trống rỗng, cần được thực hiện bằng hành động. Trong giải quyết vấn đề Điếu Ngư hiện nay, La Viện đưa ra 6 tồn tại như sau: 

Một là tồn tại hành chính. Kiến nghị thành lập “trấn đảo Điếu Ngư thuộc huyện Nghi Lan, Đài Loan, Trung Quốc”. Trong vấn đề bảo vệ quần đảo Điếu Ngư, hai bờ có một số nhận thức chung, cần lấy Điếu Ngư làm đầu mối nối liền hai bờ, hình thành cộng đồng chung sinh mệnh, cộng đồng chung hành chính và cộng đồng chung chủ quyền tam vị nhất thể giữa Đại lục, Đài Loan và Điếu Ngư. Quân đội hai bờ cần bắt tay bảo vệ chủ quyền tổ quốc, cho dù tạm thời không thể hiệp đồng tác chiến, nhưng tác chiến theo cách của riêng mình, cũng có thể đạt được hiệu quả, buộc Nhật Bản phải phân tán lực lượng làm hai chiến tuyến.

Hai là tồn tại pháp luật. Ngày 15/5/1996, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố một phần đường cơ sở lãnh hải đại lục nước CHND Trung Hoa và đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa, nhưng vẫn chưa tuyên bố đối với đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Trường Sa, quần đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận. La Viện cho rằng cần nhanh chóng tuyên bố, tối thiểu phải đưa vào chương trình nghiên cứu pháp luật của Quốc hội, đồng thời công khai đối ngoại hoạt động này.

Ba là tồn tại quân sự. Cần thiết lập khu diễn tập quân sự, khu bắn đạn thật tại vùng phụ cận quần đảo Điếu Ngư, khi cần thiết có thể biến Điếu Ngư thành bãi bắn của lực lượng không quân. Khi Mỹ chiếm quần đảo Ruykyu, từng biến quần đảo Điếu Ngư làm bãi bắn của lực lượng không quân Mỹ. La Viện cho rằng về phương diện này, Trung Quốc đã có tiền lệ thành công. Quân giải phóng từng công khai tuyên bố, từ 0 giờ đến 18 giờ mỗi ngày từ 30/6-5/7/2010, tại vùng biển từ Châu Sơn đến Đài Châu (đã ghi rõ kinh độ và vĩ độ cụ thể), tiến hành huấn luyện bắn đạn thật. Thời gian huấn luyện, nghiêm cấm các loại tàu thuyền đi vào vùng biển trên, đồng thời nghe theo chỉ huy của tàu chiến hải quân, bảo đảm chắc chắn an toàn, nếu không tự chịu hậu quả. Tiền lệ này cũng có thể áp dụng tại quần đảo Điếu Ngư.

Một biểu hiện hình thức khác của tồn tại quân sự là “cần vũ trang cho các tàu”. Để tránh ngư dân bị bắt giữ, bắn giết vô cớ, ngư dân cần tổ chức thành hợp tác xã ngư nghiệp, tác nghiệp tập trung, quần tụ, thực hiện chiến tranh nhân dân tự vệ trên biển. Bên cạnh đó, tàu chiến Trung Quốc phải đến tuần tra, cảnh giới tại Đông Hải và Biển Đông, bảo vệ biên cương tổ quốc, đồng thời bảo vệ ngư dân hoạt động đánh bắt cá bình thường.

Bốn là tồn tại chấp pháp. Cần nhanh chóng thành lập bộ đội cảnh bị bờ biển quốc gia, coi đây là lực lượng cốt cán chịu trách nhiệm chấp pháp trên biển. Không thể một lần nữa để tàu hải giám, tàu ngư chính của Trung Quốc hình thành thế trận đối kháng bất cân xứng với tàu bán quân sự của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Trung Quốc không thể tiếp tục lấy thế yếu để chấp pháp, mà cần lấy thế mạnh để bảo vệ chủ quyền.

Năm là tồn tại kinh tế. Cần thành lập tập đoàn khai thác phát triển kinh tế quần đảo Điếu Ngư, chịu trách nhiệm khai thác ngư nghiệp, dầu khí và du lịch tại khu vực Điếu Ngư và vùng biển phụ cận. Kiến nghị phát hành Quỹ bảo vệ quần đảo Điếu Ngư (hoặc vé số), quyên tiền dùng vào việc thu hồi Điếu Ngư.

Sáu là tồn tại dư luận. Cần tuyên truyền rộng rãi Trung Quốc có căn cứ lịch sử và pháp lý đối với quần đảo Điếu Ngư, đồng thời phát tán tư liệu tuyên truyền đến Liên hợp quốc và các Đại sứ quán, lãnh sự quán. La Viện kiến nghị các kiến trúc hoặc trang thiết bị mới mang tính biểu tượng của Trung Quốc cần đặt tên là quần đảo Điếu Ngư, ví dụ chế tạo tàu sân bay mới đặt tên là quần đảo Điếu Ngư.

Theo Tin tức Trung Quốc

Văn Cường (gt)