Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo này khi kết thúc hội nghị, Ngoại trưởng Inđônêxia Meri Natalegawa cho biết “nếu gác lại, không giải quyết, sẽ làm cho vấn đề phức tạp hơn, dẫn đến những nguy hiểm không cần thiết”, đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp “hành động nhanh” và xây dựng bộ “quy tắc ứng xử” có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Quan điểm như vậy của Ngoại trưởng Inđônêxia khiến các bên bàn luận. Chuyên gia Trung Quốc Thái Bằng Hồng cho rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đã có từ nhiều năm, hai bên đều hy vọng giải quyết nhưng không thể quá vội vàng.

 

Trong các ngày 24-25/1, Ngoại trưởng của Trung Quốc và 10 nước ASEAN sẽ tổ chức hội nghị về Biển Đông tại Côn Minh, vì thế Hội nghị ở Lombok được cho là ASEAN thống nhất ý kiến trong nội bộ để đàm phán với Trung Quốc vào tuần tới. Hãng tin Reuters ngày 16/1 dẫn lời Ngoại trưởng Meri nói rằng các ngoại trưởng tham gia hội nghị đã thảo luận rộng rãi vấn đề tranh chấp Biển Đông và cho rằng nếu vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng sẽ có thể đi đến chỗ mất kiểm soát, đe dọa ổn định khu vực. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói Trung Quốc rất hy vọng có tiến triển trong vấn đề Biển Đông, trong khi ASEAN cũng đang tìm tiếng nói chung.

 
Hãng tin AFP ngày 17/1 cho hay bất đồng lớn trong đàm phán giữa Trung Quốc và các nước ASEAN là ở chỗ Bắc Kinh muốn đàm phán song phương với các nước có tranh chấp lãnh thổ, trong khi ASEAN muốn đàm phán chung với Bắc Kinh.

 
Báo “Bưu điện Giacácta” ngày 17/1 đưa tin Malaixia, Việt Nam, Philíppin, Brunây và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông. Việt Nam đã xảy ra xung đột với Trung Quốc về vấn đề này. Inđônêxia tuy không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhưng rất sốt sắng giúp giải quyết vấn đề. Ngoại trưởng Inđônêxia nói: “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” được Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết năm 2002 đã được 9 năm, “chúng tôi cho rằng vấn đề này cần nhanh chóng có được tiến triển”. Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, như vậy chứng tỏ các nước ASEAN đã không thỏa mãn với hiệu lực của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông”, mong muốn xây dựng bộ “quy tắc ứng xử”.

 

Thái Bằng Hồng, Nghiên cứu viên về châu Á-Thái Bình Dương thuộc Học viện khoa học xã hội Thượng Hải ngày 17/1 cho “Thời báo Hoàn cầu” biết rằng vấn đề lãnh thổ ở Trường Sa đã có từ rất lâu, không thể quá vội vàng, rằng “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” là một văn kiện chính trị có sức ràng buộc nhất định nhưng không phải là văn bản pháp luật. Ngoại trưởng Inđônêxia muốn “nâng cấp” bản tuyên bố đó thành “quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” để có hiệu lực về mặt pháp luật, cách nghĩ như vậy đã có từ sau năm 2002 đến nay. Tuy nhiên điều mà Trung Quốc hy vọng muốn ký kết hơn là “quy tắc ứng xử ở khu vực Trường Sa”, vì Trung Quốc cho rằng Đông Sa, Hoàng Sa đều là lãnh thổ của Trung Quốc không có tranh chấp, chỉ có khu vực Trường Sa là có tranh chấp với Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây.

 
Vai trò của Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng là tiêu điểm được các bên quan tâm. “Bưu điện Giacácta” cho hay Chính quyền Obama đang lợi dụng vấn đề Biển Đông để xây dựng thế lực ở khu vực Đông Nam Á, làm hại đến ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này, Trung Quốc cùng biết rõ Mỹ có ý đồ và đã có kế hoạch kiểm soát vị trí “yết hầu” ở khu vực đó. Theo hãng tin Reuters, Inđônêxia và một số nước khác đang đồng thời tranh thủ giữ quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc. Thái Bằng Hồng nói trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc kiên quyết phản đối Mỹ và các nước khác can thiệp, không loại trừ cá biệt có nước ASEAN ngầm tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ vì lợi ích của mình để cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực.

Theo Global Times