Hiện nay, Trung Quốc đang đứng trước những thách thức rất nghiêm trọng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở “Nam Hải” (Biển Đông). Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”. Tuy nhiên, các nước ASEAN liên quan không thực hiện tốt tinh thần của Tuyên bố này, ngược lại đã sử dụng mọi biện pháp để đẩy nhanh việc xâm chiếm vùng biển “Nam Hải” (Biển Đông) của Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam, Philippin, Malaysia đã thực hiện “đóng quân thường xuyên, vĩnh cửu hóa công trình quân sự và bố trí trận địa” trên các đảo. Những năm gần đây, các nước ASEAN sử dụng các biện pháp chủ yếu sau xâm phạm vùng biển “Nam Hải” (Biển Đông) của Trung Quốc: (i) tuyên bố chủ quyền về chính trị bằng nhiều hình thức; (ii) tăng cường quản lý và khai thác tài nguyên đối với các vùng biển đã chiếm được; (iii) chiếm hữu vùng biển “Nam Hải” (Biển Đông) của Trung Quốc bằng hình thức lập pháp trong nước; (iv) phản đối hành động thực hiện chủ quyền chính đáng của Trung Quốc đối với “Nam Hải” (Biển Đông); (v) mượn cớ nộp “Báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý” để xâm chiếm vùng biển của Trung Quốc; (vi) liên kết chia nhau vùng biển “Nam Hải” (Biển Đông) của Trung Quốc; (vii) liên tục truy đuổi và bắt tàu cá của Trung Quốc.

 

Những gợi mở đối với giải quyết tranh chấp chủ quyền “Nam Hải”:

 

Thứ nhất, phương châm “gác tranh chấp cùng khai thác” có lợi cho việc gìn giữ đại cục “Nam Hải” (Biển Đông) ổn định về tổng thể, nhưng trong quá trình thực hiện đã gặp phải rất nhiều trở ngại, khó có thể giải quyết triệt để tranh chấp chủ quyền “Nam Hải” (Biển Đông). Trong tranh chấp chủ quyền “Nam Hải” (Biển Đông), Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng “gác tranh chấp cùng khai thác” từ thập kỷ 90 thế kỷ trước. Tuy nhiên, chủ trương này cho đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, gặp phải rất nhiều trở ngại. Chỉ có một lần thành công, đó là 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippin ngày 15/3/2005 đã đạt được thỏa thuận khai thác chung dầu khí trên vùng biển rộng khoảng 14.000 km2. Một số học giả Trung Quốc cho rằng, “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” chỉ có tính ràng buộc đối với Trung Quốc. Chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” mà Trung Quốc nêu ra trong một mức độ nào đó đã biến thành “gác chủ quyền của Trung Quốc lại để cho các nước khác khai thác”. Về hiện trạng, các đảo do Trung Quốc chiếm đóng không nhiều và Trung Quốc cũng chưa tiến hành thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí ở đây. Ngược lại, Việt Nam, Philippin, Malaysia do ở vị trí gần “Nam Hải” (Biển Đông), việc khai thác rất thuận tiện, vốn đầu tư ít, do đó rất tích cực hợp tác với các nước khác tiến hành khai thác dầu khí ở “Nam Hải” (Biển Đông). Hiện nay “Nam Hải” (Biển Đông) cơ bản đang nằm trong tình trạng “các đảo bị xâm chiếm, vùng biển bị chia cắt, tài nguyên bị cướp đoạt”.

 

Xuất phát từ việc duy trì đại cục quan hệ Trung Quốc - ASEAN, Trung Quốc cần tiếp tục kiên trì phương châm “gác tranh chấp cùng khai thác”. Nhưng Trung Quốc cũng cần coi trọng những trở ngại gặp phải khi thực hiện để áp dụng các đối sách tương ứng. Đồng thời, Trung Quốc cần phải nhận thức rõ “cùng khai thác” chỉ là biện pháp mang tính tạm thời, việc giải quyết cuối cùng vẫn phải dựa vào biện pháp khác. Do đó, Trung Quốc cần tăng cường nghiên cứu về các phương thức giải quyết tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông), chuẩn bị tốt các công việc cần thiết.

 

Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án quốc tế rất được Trung Quốc quan tâm. Những năm gần đây, các nước ASEAN đã đưa ra Tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước với nhau và cuối cùng đã được giải quyết. Thông thường, Tòa án quốc tế khi giải quyết tranh chấp chủ yếu dựa vào “nguyên tắc khống chế có hiệu quả”. Trong tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông), mặc dù Việt Nam xâm chiếm, quản lý vùng biển rộng 400.000 - 500.000 km2, Philippin khoảng 420.000 km2, Malaysia khoảng 240.000 km2…, Trung Quốc chỉ chiếm 7 đảo (kể cả đảo Thái Bình mà Đài Loan đang chiếm đóng). Nhưng vùng biển mà các nước ASEAN kiểm soát là do “chiếm đóng bất hợp pháp”, không thể áp dụng “nguyên tắc khống chế có hiệu quả”, không thể vì chiếm đóng và quản lý trong thời gian dài mà có được chủ quyền đối với các vùng biển này.

 

Thứ ba, đàm phán chính trị có thể làm cho tranh chấp tạm thời lắng xuống, nhưng rất khó giải quyết triệt để. Tranh chấp chủ quyền các vùng biển liên quan đến lợi ích cốt lõi quốc gia, bên tranh chấp rất khó từ bỏ đòi hỏi chủ quyền và chấp nhận bồi thường lợi ích bằng phương thức khác. Đàm phán chính trị có nghĩa là một bên phải đưa ra nhượng bộ. Đối với tranh chấp chủ quyền các vùng biển, nếu hai bên tiến hành đàm phán chính trị để giải quyết, có nghĩa là một bên phải từ bỏ một phần đòi hỏi chủ quyền của mình. Tuy nhiên về cả lý luận và thực tiễn đều rất khó thực hiện.

 

Ngày 25/8/2006, căn cứ quy định tại Điều 298 của “Công ước của LHQ về luật biển”, Trung Quốc đã trình TTK/LHQ một tyên bố mang tính loại trừ. Tuyên bố này chỉ rõ đối với các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, phân định biển, Trung Quốc chủ trương sử dụng biện pháp chính trị để giải quyết. Với tuyên bố này, Trung Quốc đã từ chối đưa tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông) ra Tòa án quốc tế giải quyết và yêu cầu thông qua đàm phán chính trị giải quyết, cụ thể hơn là thông qua việc trao đổi lợi ích để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Tuy nhiên trong tranh chấp chủ quyền “Nam Hải” (Biển Đông), thiện chí của Trung Quốc không được các nước ASEAN liên quan đáp lại. Từ hiệu quả của đàm phán chính trị cho thấy, chủ trương thông qua đàm phán chính trị giải quyết tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông) của Trung Quốc không những chưa giải quyết tranh chấp có hiệu quả, mà tranh chấp bị kéo dài, gây ra tình trạng “Nam Hải” (Biển Đông) liên tục bị xâm chiếm.

 

Những năm gần đây, các nước như Việt Nam, Philippin, Malaysia bằng nhiều cách đã liên tục xâm chiếm vùng biển “Nam Hải” (Biển Đông) của Trung Quốc, làm cho tình hình tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Xét về quá trình và phương thức mà các nước ASEAN sử dụng giải quyết tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông), nếu Trung Quốc chỉ dựa vào chiến lược “gác tranh chấp cùng khai thác” và đàm phán chính trị, không những khó có thể giải quyết triệt để tranh chấp chủ quyền “Nam Hải” (Biển Đông), mà còn gây ra tình trạng “Nam Hải” (Biển Đông) liên tục bị xâm chiếm. Do đó, Trung Quốc cần tìm kiếm phương thức mới giải quyết vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông). Trung Quốc cần tăng cường khống chế và quản lý đối với các đảo không người ở “Nam Hải” (Biển Đông), tiếp tục phản đối hành động chiếm đóng của các nước liên quan, không ngừng tuyên bố chủ quyền. Tháng 3/2009, Trung Quốc đã cử tàu ngư chính 311 đi làm nhiệm vụ tuần tra, quản lý ở Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa). Đây là một hành động tuyên bố chủ quyền rất có hiệu quả, là sự “phản công” mạnh mẽ đối với hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc những năm gần đây của Philippin và Malaysia. Điều này cũng cho thấy muốn giải quyết triệt để vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) cần phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nhất là việc lấy lực lượng hải quân làm hậu thuẫn, nếu chỉ dựa vào đàm phán chính trị sẽ khó có thể giải quyết triệt để vấn đề tranh chấp chủ quyền.

 

(Đây là kết quả nghiên cứu giai đoạn giữa của Đề tài nhánh “Nghiên cứu quan hệ quốc tế và tranh chấp lãnh thổ giữa các nước ASEAN sau chiến tranh” thuộc Đề tài nghiên cứu trọng điểm “Nghiên cứu quan hệ quốc tế và tranh chấp lãnh thổ giữa các nước Châu Á sau chiến tranh” số 07JJD770106 của Bộ Giáo dục Trung Quốc).

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)