Vấn đề Biển Đông trọng điểm là Trường Sa. Trong 4 quần đảo ở Biển Đông, chỉ có Trường Sa và vùng biển phụ cận là tồn tại tranh chấp liên quan đến 6 nước 7 bên: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Đài Loan. Để giải quyết tranh chấp Trường Sa, việc thành lập tổ chức khai thác năng lượng ở Trường Sa là một biện pháp khả thi, cần được đưa vào chương trình nghị sự.

 

Biện pháp giải quyết tranh chấp Trường Sa có thể chia thành biện pháp hòa bình và phi hòa bình. Một số người thuộc các nước thành viên ASEAN theo chủ nghĩa chính trị quốc tế hiện thực cho rằng, vấn đề lãnh thổ là “trò chơi có tổng số bằng không” (zero - sum), vấn đề Biển Đông  cuối cùng chỉ có thể dùng biện pháp phi hòa bình để giải quyết. Ở Trung Quốc cũng có người chủ trương “Biển Đông  cuối cùng phải có chiến tranh”. Nhưng đó không phải là quan điểm chính thống của Trung Quốc, thực tế cũng không thể thực hiện được. Hơn nữa, các bên liên quan cũng không muốn thông qua chiến tranh để giải quyết tranh chấp. “Hiệp ước hợp tác thân thiện ASEAN” cũng hạn chế các nước thành viên sử dụng biện pháp phi hòa bình giải quyết tranh chấp.

 

Giải quyết hòa bình tranh chấp có 3 biện pháp: (i) Thông qua phán quyết của bên thứ 3 (Tòa án quốc tế, Tòa án luật biển quốc tế, Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ); (ii) Thông qua đàm phán 1-1 giữa 7 bên; (iii) Thông qua đàm phán đa phương. Một số nước ASEAN muốn thông qua phán quyết của bên thứ 3 để giải quyết tranh chấp, nhưng Trung Quốc phản đối. Trung Quốc nghiêng về phương thức đàm phán song phương 1-1 với 5 nước ASEAN để giải quyết tranh chấp. Nhưng từ năm 1994, ASEAN đã công khai tuyên bố, vấn đề này “từ nay về sau sẽ đàm phán với danh nghĩa tập thể ASEAN, chứ không phải song phương”. Lập trường này luôn tồn tại đến nay. Do đó, việc đàm phán đa phương trong khuôn khổ 6 nước 7 bên trở thành biện pháp có thể được chấp nhận.

 

Trọng tâm của tranh chấp Biển Đông hiện nay là lợi ích kinh tế, nhất là lợi ích năng lượng. Do đó, việc 6 nước 7 bên thành lập tổ chức khai thác năng lượng Trường Sa là sự lựa chọn khả thi. Chủ trương chủ yếu là: Đối với việc trữ lượng tài nguyên ở khu vực Trường Sa chưa rõ, tổ chức này có thể tiến hành điều tra địa chất một cách toàn diện, đánh giá rõ trữ lượng tài nguyên, xác định một khu vực nhỏ chưa được khai thác để tiến hành khai thác chung thử, sau đó rút kinh nghiệm và mở rộng phạm vi khai thác. Đồng thời, tổ chức các học giả, quan chức đã về hưu thành Đoàn chuyên gia, cố vấn tiến hành giao lưu, trao đổi, kiến nghị các phương án hợp tác khả thi.

 

Phương án trên có những ưu điểm:

(i) Vấn đề quân sự chính trị thường dẫn đến kết quả “tổng bằng không” (zero - sum), nhưng vấn đề kinh tế thường mang tính tích cực. Việc khai thác chung năng lượng ở Trường Sa có thể khiến các bên đều được hưởng lợi. Bản chất của việc tranh giành chủ quyền là tranh giành lợi ích. Trong trường hợp “không thể độc chiếm” hoặc “theo đuổi ý đồ độc chiếm sẽ có tác dụng phụ rất lớn” thì việc cùng hợp tác chia nhau lợi ích là con đường hiện thực.

 

(ii) Một đặc điểm lớn của hợp tác Đông Á là xem xét mức độ phù hợp của bên tham gia, 6 nước 7 bên cùng tham gia phù hợp với đặc điểm này, dễ được các bên chấp nhận.

 

(iii) Các nước ASEAN có thể mở rộng được phạm vi khai thác dầu khí. Nhiều giếng dầu của các nước ASEAN nằm gần hoặc bên trong phạm vi “đường chín đoạn” của Trung Quốc, rất khó thực hiện chính sách “đơn phương khai thác” như trước đây. Trung Quốc cũng có thể thay đổi được cục diện “chưa khai thác được giọt dầu khí nào ở biển Đông”. Về vấn đề khai thác Biển Đông, Trung Quốc cần cân bằng các lợi ích, điều hòa các mối quan hệ, bất đắc dĩ Trung Quốc đành phải áp dụng phương thức tranh giành khai thác tài nguyên với 5 nước ASEAN.

(iv) Cộng đồng Đông Á là một xu thế lớn và tranh chấp Trường Sa là một trở ngại lớn cho tiến trình xây dựng cộng đồng Đông Á. Việc xây dựng tổ chức khai thác tài nguyên Trường Sa sẽ biến tranh chấp thành chất gắn kết hợp tác, mở rộng lợi ích chung của 6 nước 7 bên, có lợi cho việc xây dựng đồng thuận Đông Á.

 

Hoàng Loan (cộng tác viên tại Bắc Kinh - Trung Quốc)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)