Chuyên gia quân sự La Viện cho rằng trong ván cờ lớn đấu trí chiến lược Trung-Nhật, Trung Quốc không thể để rơi vào thế bị động, cho dù Nhật Bản bày binh bố trận xung quanh Trung Quốc, xây dựng “vòng cung tự do và phồn thịnh”. Trung Quốc phải vượt ra ngoài vòng vây này, sử dụng biện pháp của Nhật Bản để đối phó lại với Nhật Bản, hơn nữa phải áp dụng biện pháp “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, đi nhiều nước cờ hay trước đối thủ, tạo dựng được đại cục có lợi hơn.

Thứ nhất, lấy “đồng minh lợi ích quan” đối phó với “đồng minh giá trị quan”. La Viện cho rằng Trung Quốc không cần suốt ngày “oán Mỹ trách Nhật”, chỉ trích Mỹ, Nhật thiết lập một “đồng minh giá trị quan” xung quanh nhằm bao vây Trung Quốc, mà phải vượt ra ngoài vòng vây, xây dựng một “đồng minh lợi ích quan”. Theo lý luận của phương Tây, trên thế giới không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Tác giả không tin các nước xung quanh có thể từ bỏ một thị trường lớn và nguồn vốn khổng lồ từ Trung Quốc để đi theo Nhật Bản kết “đồng minh giá trị quan”. Trung Quốc cần áp dụng lập trường nhất quán như trong vấn đề Đài Loan, bất kể với các nước lớn hay nhỏ, về vấn đề đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku), không thể có thái độ mập mờ nước đôi, bắt buộc phải lựa chọn một bên.

Thứ hai, lấy mặt trận thống nhất quốc tế bảo vệ thành quả thắng lợi của Chiến tranh Thế giới Thứ hai để ngăn chặn chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản quay trở lại. Hiện nay, Nhật Bản không chỉ tồn tại tranh chấp biển đảo với duy nhất Trung Quốc, mà còn tồn tại tranh chấp quần đảo Nam Kuril với Nga, tranh chấp đảo Dokdo (Takeshima) với Hàn Quốc. Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ rõ ràng đứng về phía Nga và Hàn Quốc, vì Trung Quốc là một bên trong việc cùng nhau bảo vệ thành quả thắng lợi của Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Trung-Nga-Hàn hoàn toàn có lý do kết thành một mặt trận thống nhất quốc tế bảo vệ lãnh thổ, chính trị sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Trung Quốc chỉ có lấy tầm nhìn lớn mới có thể phá vỡ cục diện nhỏ.

Năm nay là kỷ niệm 70 năm ngày ký “Tuyên bố Cairô”, Trung Quốc cần cùng với các nước bị hại trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai ôn lại lịch sử bi thảm đó, lên án công khai chủ nghĩa quân phiệt. Trung Quốc chỉ có hình thành vòng vây lớn mới có thể phá vỡ vòng vây nhỏ.

Thứ ba, trước tiên cần giành quyền kiểm soát biển, quyền kiểm soát không phận, tiếp đến là giành quyền kiểm soát đảo. Đảo Điếu Ngư là một vùng đất nhỏ hẹp, có diện tích 4,38 km2, dung lượng chiến trường có hạn, điều kiện cư trú, phòng ngự không thuận lợi, dễ tấn công khó bảo vệ, dựa vào thực lực hiện tại của Nhật Bản, cho dù Nhật đóng quân trên đảo, Trung Quốc cũng có thể thực hiện bao vây phong tỏa không phận và hải phận, khiến Nhật Bản khó có thể tồn tại trên hòn đảo này. Vì vậy, Trung Quốc cần tích cực bố trí thế trận, xây dựng vành đai bao vây ba chiều, bên nào khống chế được quyền kiểm soát biển, quyền kiểm soát không phận xung quanh đảo Điếu Ngư, bên đó sẽ kiểm soát thực tế chủ quyền đảo Điếu Ngư.

Thứ tư, thực hiện biện pháp làm tan rã nội bộ, phá vỡ thế lực cực hữu Nhật Bản. Thành trì dễ công phá nhất là tấn công từ nội bộ, nội bộ Nhật Bản hoàn toàn không phải là một khối sắt, Nhật Bản là chính trị tuyển cử, giữa các đảng phái cũng tồn tại bè cánh đấu đá, bản thân trong nội bộ cùng một đảng cũng xuất hiện nhiều hệ phái khác nhau, khiến Trung Quốc có nhiều không gian hoạt động. Thông qua nỗ lực nhiều năm của các nhân sỹ Trung-Nhật, tại Nhật Bản vẫn còn có một số nhân sỹ và đoàn thể có thái độ hữu hảo với Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc cần đa dạng các hoạt động nhằm tăng thêm lòng tin, xoá bỏ nghi ngờ đối với họ.

Thứ năm, thu hút sự ủng hộ của cộng đồng dư luận. Trong vấn đề đảo Điếu Ngư, Trung Quốc có chứng cứ lịch sử và pháp lý rõ ràng, đầy đủ, Trung Quốc cần phổ biến rộng rãi sách trắng về đảo Điếu Ngư tại Liên hợp quốc và các đại sứ quán, lãnh sự quán Trung Quốc tại các nước, giành quyền phát ngôn trong vấn đề đảo Điếu Ngư. Trung Quốc cần phái các sứ giả hữu nghị, không ngừng vạch trần các ý đồ của Nhật Bản. Chỉ có vạch trần các âm mưu của Nhật Bản trước cộng đồng và làm tốt công tác chuẩn bị đối phó, Trung Quốc mới có thể biến nguy thành an, giành chiến thắng theo mặc định.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần vận dụng thực lực mềm, trò chơi thông minh. Giải quyết vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku còn cần phải dựa vào thực lực tổng hợp quốc gia của Trung Quốc được nâng cao, đồng thời với việc tích cực kiến tạo thực lực cứng, Trung Quốc cũng cần sử dụng thực lực mềm một cách khôn ngoan.

Theo China Review News

Quốc Trung (gt)