TQ đang tiếp tục những nỗ lực nhằm giảm căng thẳng về vấn đề Biển Đông mặc dù một số nước vẫn đang tiến hành các hành động đơn phương nhằm đạt được lợi ích của họ.

Vấn đề Biển Đông đang ngày càng phức tạp với những tranh chấp pháp lý cần được giải quyết trong khuôn khổ luật quốc tế, gồm cả Hiến chương LHQ, Công ước Luật biển quốc tế 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002.

Tranh chấp pháp lý có thể chia làm hai phần: (1) những tranh chấp lãnh thổ của TQ với một số nước ASEAN và (2) sự bất đồng của TQ với Mỹ về các hành động quân sự tại khu vực. Mỹ đã tuyên bố bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông nhưng thực chất là bảo vệ lợi ích quân sự của Mỹ tại khu vực này.

Tranh chấp giữa các nước có thể được giải quyết hòa bình thông qua chính trị, ngoại giao hoặc quy trình pháp lý.

Về chính trị, chìa khóa để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ về các đảo, bãi đá và bãi ngầm tại Biển Đông bằng con đường chính trị lại phụ thuộc vào sự sẵn sàng của các nước liên quan (chẳng hạn như VN và PLP) để “tạm gác tranh chấp” và bằng lòng với việc “khai thác chung”. Nhưng do một số nước đang thực sự khai thác nhiều hòn đảo nên rất khó phân định khu vực biển cần khai thác chung và khó có thể giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp chính trị.

Về luật quốc tế, rất khó để giải quyết các tranh chấp này bằng cách sử dụng luật quốc tế bởi cả VN và TQ đều không chấp nhận quyền xét xử của Tòa án Quốc tế LHQ (ICJ) mà không có sự bảo lưu. PLP đã chấp nhận quyền tài phán của ICJ vì có được sự bảo lưu đối với quyền tài phán trong các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải. Do đó, khả năng giải quyết vấn đề này qua ICJ có thể cũng bị loại bỏ. Ngoài ra, theo Điều 298 của UNCLOS, ngày 25/8/2006, TQ đã trình tuyên bố theo luật tới Tổng Thư ký LHQ rằng TQ không chấp nhận bất cứ tòa án quốc tế hay tài phán nào đối với những tranh chấp trong phân định biển hoặc tranh chấp lãnh thổ và hoạt động quân sự. Do đó, tòa án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế về Luật Biển cũng không thể can thiệp vào tranh chấp tại Biển Đông giữa TQ và một số nước ASEAN. Hơn nữa, nếu không có sự nhất trí giữa các nước có liên quan thì không một tổ chức trọng tài có thể giải quyết tranh chấp này. Do đó, tranh chấp không thể giải quyết về chính trị trong thời gian sớm được.

Tuy nhiên cũng có một số ví dụ tốt về sự thành công. Ngày 30/6/2004, Hiệp định VN - TQ về Phân định Vinh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá tại Vịnh Bắc Bộ đã có hiệu lực. Ngày 14/3/2005, TQ, VN và PLP đã ký Hiệp định ba bên về thực hiện thăm dò địa chất biển chung trong Hiệp định khu vực Biển Đông. Gần đây, TQ và VN đã tăng cường đàm phán về các hiệp định mới nhằm giải quyết tranh chấp khác giữa hai nước.

Xét tới những khó khăn một quốc gia đang đối mặt với việc nhượng bộ trong tuyên bố chủ quyền, đàm phán chính trị sẽ là tiến trình lâu dài. Trước khi đạt tới giải pháp, lựa chọn khôn ngoan cho cả TQ và các nước khác là tạm chốt các tranh chấp trong thảo luận và ký một số hiệp định hợp tác về các vấn đề ở cấp thấp như bảo vệ môi trường, giao thông hàng hải, các hoạt động chống cướp biển và chống buôn lậu nhằm ngăn các tranh chấp ngày càng xấu hơn. Những hợp tác như vậy không chỉ phù hợp với Tuyên bố ứng xử các bên tại Biển Đông mà còn phù hợp với Điều 123 của UNCLOS về hợp tác giữa các quốc gia có biên giới gần nhau hoặc xung quanh trên biển.

Tranh cãi Mỹ - Trung ngày càng phức tạp và chỉ có thể giải quyết bằng con đường chính trị. Cả hai nước đều có cách hiểu UNCLOS rất khác nhau gồm cả vấn đề về nghiên cứu khoa học và sử dụng hòa bình các vùng đặc quyền kinh tế. Mỹ - Trung có cách hiểu khác nhau về điểm 3 trong Điều 58 UNCLOS, trong đó nói rằng “Để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Công ước này tại vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia biển và tuân thủ các điều trong Công ước này và các quy định luật quốc tế khác cho đến khi những quy định này không còn phù hợp với Phần này”.

Tuy nhiên cả Mỹ và TQ đều không chấp nhận quyền tài phán của ICJ. Vì vậy, Mỹ và TQ không thể sử dụng những giải thích hoặc quyết định của ICJ. Do Mỹ không tham gia công ước nên TQ đã bác bỏ khả năng tài phán quốc tế về vấn đề này và giải pháp lý đối với vấn đề này là không thể có.

Mỹ và TQ cũng có một số cơ chế đối thoại về an ninh Biển và các vấn đề châu Á - TBD. Qua các cơ chế này, hai nước có thể giải quyết tranh chấp bằng giải pháp chính trị nhưng cả Mỹ và TQ cần làm sâu sắc hơn sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau đặc biệt qua việc hiểu và thông dịch UNCLOS để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.

Tuy nhiên, do không một cơ chế khu vực hoặc quốc tế về biển nào có thể bị thay đổi trong tương lai gần nên điều thiết yếu hiện nay với TQ là định hình lần cuối các quy định và nội luật của TQ về vấn đề này. Theo đó, TQ cần:

(1) Làm rõ quy chế pháp lý của đường 9 đoạn hình chữ U tại Biển Đông;

(2) Công khai đường cơ sở lãnh thổ trên biển của TQ tại Biển Đông đặc biệt gần các đảo Trường Sa, ngoài việc thành lập Ủy ban đặc biệt về các vấn đề biển và hoạch định luật, quy định mang tính phối hợp hơn.

(3) Tăng cường hợp tác với Đài Loan. Xét những tiến triển trong quan hệ hai bờ hiện nay, TQ và ĐL cần bắt đầu hợp tác từ những vấn đề dễ hơn như bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, hợp tác đánh bắt hải sản và ngăn ngừa thảm họa thiên tai nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác về các vấn đề Biển giữa hai bờ bởi cả TQ và ĐL đều có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích quốc gia.

Theo Nhật Báo Trung Quốc ngày 7/7

Hoàng Loan, cộng tác viên tại Bắc Kinh (gt)

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.