Theo tác giả Bàng Trung Bằng, cục diện Biển Đông từ tháng 7 năm ngoái đến nay trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết do nguyên nhân Mỹ “nhúng tay” can thiệp mạnh mẽ. Nhiều năm đứng ngoài cuộc để quan sát, Nhật Bản đã quyết định nắm lấy thời cơ để “dây máu ăn phần”. Tháng 6 vừa qua, khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, Nhật Bản có nhiều động thái ngoại giao rất đáng chú ý trực tiếp với các bên tranh chấp liên quan. 

Thứ nhất, Nhật Bản và Việt Nam xích lại gần nhau hơn, và đặt kế hoạch hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Biển Đông. 

Thứ hai, Tôkiô chủ động tăng cường quan hệ với In-đô-nê-xi-a, một quốc gia quan trọng trong vấn đề Biển Đông. Chính phủ Nhật Bản ngày 15/6 quyết định tổ chức mỗi năm một lần đối thoại cấp ngoại trưởng với In-đô-nê-xi-a trên các lĩnh vực ngoại giao, an ninh và kinh tế, đồng thời định kỳ tổ chức đối thoại chiến lược cấp ngoại trưởng, hội đàm và hiệp thương cấp bộ trưởng quốc phòng…trong đó, tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác sẽ trở thành chủ đề hội đàm, trao đổi giữa hai bên. 

Thứ ba, Nhật Bản tăng cường và củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Tại phiên họp giữa các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao Nhật Bản và Mỹ ngày 21/6 vừa qua, hai nước đã công bố mục tiêu chiến lược chung bao gồm cả nội dung “hối thúc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc ứng xử quốc tế”. Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh cần tuân thủ các quy tắc ứng xử quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành vi gây trở ngại tàu thuyền các nước. Vấn đề Biển Đông nên được giải quyết ổn thỏa bằng phương thức hòa bình thông qua đàm phán song phương giữa Trung Quốc với các bên tranh chấp liên quan, song sự can thiệp của các nhân tố bên ngoài, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản, hiện đang khiến tình hình càng trở nên căng thẳng và phức tạp hơn. Điều này đương nhiên sẽ mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Nhật Bản.

Học giả Bàng Trung Bằng cho rằng Biển Đông sở dĩ rất quan trọng đối với Nhật Bản bởi hai lý do: Thứ nhất, các nước xung quanh khu vực này là trọng điểm để Nhật Bản mở rộng buôn bán; Thứ hai, tuyến đường hàng hải quốc tế chạy qua Biển Đông rất quan trọng đối với Tôkiô. 

Một số quốc gia tại khu vực Đông Nam Á như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Philíppin, Xinh-ga-po, Bru-nây và Thái Lan đều duy trì quan hệ thương mại truyền thống với Nhật Bản. Có thể nói, các quốc gia xung quanh khu vực Biển Đông không những đóng vai trò chiến lược rất quan trọng, không thể thiếu đối với quá trình phát triển kinh tế của Nhật Bản mà còn là khu vực trọng điểm về ngoại giao của Tôkiô. Bên cạnh đó, phía Nam của Biển Đông chính là “yết hầu” vô cùng quan trọng của hàng hải quốc tế. Các tàu thuyền buộc phải đi qua Eo biển Malắcca khi muốn vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông và hàng hóa đến các nước Đông Nam Á, châu Âu, châu Phi và Tây Á. Có thể nói, Eo biển Malắcca chính là “động mạch năng lượng và thương mại” của Nhật Bản.

Về ý đồ của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông, tác giả Bàng Trung Bằng khẳng định, những việc làm cũng như hành động của Nhật Bản thời gian qua chủ yếu nhằm vào hai mục đích. Thứ nhất, bảo vệ lợi ích truyền thống, thể hiện sự tồn tại và duy trì ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á. Cùng với sự suy thoái về kinh tế, ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á những năm gần đây suy giảm và có cảm giác đang rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”. Trong khi đó, các nước ASEAN vẫn như trước đây, giữ vai trò vô cùng quan trọng và không thể thay thế đối với Nhật Bản trong công cuộc phục hưng kinh tế. Hơn nữa, các quốc gia tại khu vực này cũng chính là đối tượng cần vận động để ủng hộ Tôkiô giành chiếc ghế Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thứ hai, Nhật Bản muốn thông qua việc can thiệp vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Nhật Bản không muốn “khoanh tay đứng nhìn” Bắc Kinh phát triển vượt qua cả mình nên toan tính tạo ra những rắc rối cũng như phiền hà ở môi trường xung quanh nhằm kiềm chế Trung Quốc, trong đó vấn đề Biển Đông chính là “quân cờ chiến lược”.

Theo Thời báo hoàn cầu 14/7 (Trung Quốc)

Vũ Hiền (gt)