Trọng tâm của vấn đề Nam Hải (Biển Đông) là Nam Sa (Trường Sa).

Biển Đông có 4 quần đảo lớn, trong đó chỉ có quần đảo Trường Sa và vùng biển thuộc quần đảo này là liên quan đến cả 6 bên gồm Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaixia, Brunây và Philíppin, cộng thêm Inđônêxia (chưa kiểm soát các đảo ở Trường Sa nhưng bộ phận về vùng đặc quyền kinh tế mà Inđônêxia chủ trương đã tiến vào phạm vi đường chín vạch đứt đoạn của Trung Quốc), tạo nên tương quan “6 nước 7 bên” trong vấn đề tranh chấp Trường Sa. Vậy phải giải quyết tranh chấp bằng cách nào? Tác giả bài viết này cho rằng thành lập Tổ chức phát triển năng lượng Trường Sa là một hướng đi khả thi, cần đưa vào chương trình nghị sự.

Có hai phương thức giải quyết tranh chấp Trường Sa là phương thức không hòa bình và phương thức hòa bình. Trong số các nước thành viên ASEAN có liên quan, một số người có quan điểm theo chủ nghĩa hiện thực chính trị quốc tế cho rằng vấn đề lãnh thổ là cuộc chơi hòa 0-0 (không có kẻ thắng người thua mà chỉ là hòa không ai được gì), vấn đề Biển Đông cuối cùng chỉ có thể giải quyết bằng phương thức không hòa bình. Ở trong nước Trung Quốc cũng có người chủ trương “Nam Hải (Biển Đông) cuối cùng phải có một cuộc chiến”. Nhưng quan điểm như vậy không thuộc dòng chủ lưu, trên thực tế cũng không khả thi, hơn nữa các bên liên quan cũng đều không có ý thức thông qua chiến tranh để giải quyết tranh chấp. “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á” cũng hạn chế các nước thành viên sử dụng phương thức phi hòa bình để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Phương thức hòa bình giải quyết tranh chấp có ba loại:

- Bên thứ ba tài phán quyết định (thông qua tòa án quốc tế, tòa án luật biển quốc tế, Ủy ban phân giới thềm lục địa Liên hợp quốc);

- Đàm phán song phương trong số 7 bên;

- Thông qua đàm phán đa phương để giải quyết.

Trong số “5 nước ASEAN” có một số nước hy vọng thông qua tài phán của bên thứ ba để giải quyết nhưng Trung Quốc phản đối. Trung Quốc thiên về hướng đàm phán song phương với 5 nước ASEAN để giải quyết tranh chấp Trường Sa, nhưng năm 1994 các nước ASEAN công khai tuyên bố “từ nay về sau công tác đối ngoại sẽ chấp nhận đàm phán bằng danh nghĩa tập thể chứ không chấp nhận danh nghĩa song phương” trên vấn đề này. Lập trường như vậy đã tiếp diễn cho đến hiện nay. Vì thế, phương thức giải quyết bằng đàm phán dựa theo khuôn khổ đa phương 6 nước 7 bên đã trở thành một hướng đi có thể được chấp nhận. Vấn đề ở chỗ khởi động một cách thiết thực tiến trình này như thế nào.

Từ tháng 1/1990 đến nay, 6 nước 7 bên đã tổ chức một số lần “hội nghị không chính thức các bên liên quan về quản lý tranh chấp tiềm tàng ở Biển Đông”, nhưng ngoài việc trao đổi thông tin, trình bày lập trường, đã không thu được tiến triển thực chất. Điều đáng nêu lên ở đây là năm 2005 ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Philíppin đã ký bản “Hiệp định thăm dò địa chấn hỗn hợp”, sau đó đã hợp tác thu thập dữ liệu địa chấn ở vùng biển rộng 142.886 km² và đã xử lý số liệu. Dự án diễn ra trong thời hạn 3 năm đã hoàn thành thuận lợi.

Bước tiếp theo sẽ là gì? Trước mắt trọng tâm tranh chấp Biển Đông là lợi ích kinh tế, nhất là lợi ích năng lượng. Từ đó việc thành lập Tổ chức phát triển năng lượng Trường Sa có thể là cách lựa chọn khả thi. Đại thể là trong tình trạng chưa biết rõ về trữ lượng tài nguyên ở vùng biển Trường Sa, tổ chức này sẽ đi đầu điều tra thăm dò địa chất một cách toàn diện, làm rõ tình hình dưới đáy biển, xác định một khu vực nhỏ chưa khai thác làm khu thí điểm, khai thác chung, tổng kết kinh nghiệm, sau đó mở rộng phạm vi và diện tích hợp tác. Đồng thời tổ chức các học giả, các quan chức đã nghỉ hưu thành một đoàn chuyên gia cố vấn, tiếp xúc trao đổi đầy đủ bằng phương thức gọi là quỹ đạo tuyến hai, sau đó đưa ra đề án khả thi để tiếp tục hợp tác.

Biện pháp trình bày trên đây có một số ưu điểm như sau:

Thứ nhất, vấn đề chính trị quân sự thường có tính chất hòa 0-0, nhưng vấn đề kinh tế thường có tính chất hòa nhưng cùng thắng, nói về việc khai thác năng lượng ở Trường Sa, có thể thông qua phương thức làm chiếc bánh ga tô lớn để các bên cùng hưởng lợi. Thực chất tranh chấp chủ quyền là tranh chấp lợi ích. Trong tình huống “không thể độc chiếm” hoặc “theo đuổi độc chiếm có tác dụng phụ rất lớn”, thông qua hợp tác chia sẻ lợi ích sẽ là hướng đi hiện thực.

Thứ hai, hợp tác Đông Á có một đặc điểm lớn là chú trọng tâm lý thoải mái của các bên tham gia, “6 nước 7 bên cùng tham gia” sẽ phù hợp với đặc điểm này, dễ được các bên chấp nhận, từ đó sẽ thay đổi cục diện hợp tác đa phương vốn chỉ hạn chế ở trạng thái “ngồi đàm phán suông” như hiện nay.

Thứ ba, năm nước ASEAN nhờ đó mở rộng phạm vi khai thác dầu khí. Một số giếng dầu của các nước này ở gần hoặc tiến vào phạm vi đường 9 đoạn của Trung Quốc, sẽ rất khó tiếp tục sách lược khai thác “đơn phương độc tiến” như trước đây. Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ thay đổi cục diện “một giọt dầu không khai thác, một tấc khí cũng không được” ở Trường Sa như hiện nay bằng phương thức ít trở ngại nhất. Trong khai thác ở Biển Đông Trung Quốc cần phải cân bằng nhiều kiểu lợi ích, hài hòa trong nhiều mối quan hệ, không thích hợp với mô hình khai thác trong thế đối đầu với 5 nước ASEAN, trừ phi trong trường hợp bất đắc dĩ.

Cuối cùng, củng cố xây dựng hợp tác Đông Á là một xu thế lớn, trong khi tranh chấp Trường Sa lại là một trở ngại lớn đối với nhu cầu củng cố hợp tác Đông Á. Thành lập Tổ chức phát triển năng lượng Trường Sa sẽ nhằm biến “năng lượng tranh chấp” như vậy thành “chất kết dính hợp tác”, kiến tạo và mở rộng lợi ích chung với 6 nước 7 bên trong hoàn cảnh đang va chạm, như vậy sẽ giúp ích cho việc xây dựng ý thức đồng thuận ở Đông Á.

Trải qua quá trình hợp tác chặt chẽ hơn 1.000 năm, các nước Đông Á cần có trí tuệ vượt qua hạn chế nội tại của một hệ thống quốc gia dân tộc.

Theo Thời báo Hoàng Cầu