Ngày 05/10/2015, Đại diện thương mại Mỹ Michael – Frohman đã công bố 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Úc đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đạt được kết quả mang tính đột phá. Mặc dù cuộc đàm phán lần này chỉ có các Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế 12 nước thành viên tham gia TPP nhưng việc kết thúc thắng lợi đàm phán trong thời gian Trung Quốc đang nghỉ lễ Quốc khánh đã dấy lên dư luận liên quan đến vấn đề này, trong đó có những ý kiến cho rằng TPP sẽ tác động tiêc cực, thậm chí gây áp lực đối với kinh tế Trung Quốc.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên, chiếm 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu, vượt qua cả châu Âu. Một hiệp định đa phương, lại không có sự tham gia của Trung Quốc đã dẫn đến những dư luận lo ngại trên, trong đó không ít người cho rằng Trung Quốc đã bị “cho ra rìa” và biểu thị sự lo lắng.

Như vậy, liệu TPP thật sự nhằm vào nền kinh tế Trung Quốc hay không. Tổng thống Mỹ Obama trong phát biểu gần đây của mình đã cho rằng Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc và các nước khác được quyền đưa ra quy tắc kinh tế toàn cầu, mà việc này phải do Mỹ thực hiện, nhất là nguyên tắc cao về bảo hộ lao động và môi trường phải tạo thuận lợi cho việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Mỹ. Đây không phải là quan điểm lần đầu tiên Omaba đưa ra, mà lần này với tư cách là nước có vai trò chủ đạo trong TPP Mỹ đã lấy đó làm điểm tựa cho quan điểm của mình nhằm khắc chế Trung Quốc.  Nhìn nhận một cách khách quan, trong số những nước bị Mỹ lôi kéo tham gia Hiệp định TPP có một số nước mong muốn TPP sẽ khắc chế Trung Quốc và tích cực thúc đẩy việc này. Trong mối tương quan phức tạp về kinh tế và những vấn đề về địa chính trị như hiện nay, những ý đồ trên chẳng có ý nghĩa gì.

Vấn đề ở chỗ, những ý đồ như trên sẽ thực hiện được đến đâu. Với tư duy thông thường, các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại cho các nước thành viên sự thuận lợi đối với thương mại nhưng lại không thuận lợi đối với những nước ngoài hiệp định. TPP về ngắn hạn và trong phạm vi nhất định có thể có ảnh hưởng đến Trung Quốc, về vấn đề này, Trung Quốc phải nghiên cứu tỷ mỉ và có cách ứng phó phù hợp. Vấn đề ở đây là, nếu cho rằng Trung Quốc vì vậy mà “không chết cũng phải tróc da” thì quả thật là cách phóng đại thái quá.  TPP chỉ là một hiệp định thương mại khu vực, trừ Mỹ và Nhật Bản có trình độ tương đương, các nước thành viên khác có trình độ phát triển quá chênh lệch. Mặc dù Mỹ tuyên bố sau khi đàm pháp hiệp định TPP hoàn tất vẫn có thể kết nạp thêm các thành viên mới, tuy nhiên TPP không có Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tham gia thì TPP luôn bị khiếm khuyết và sức sống bị hạn chế.

Trong tôi có anh, trong anh có tôi đã trở thành mô hình tổng thể của kinh tế thế giới ngày nay. Trung Quốc hiện là bạn hàng thương mại lớn nhất của một số nước tham gia đàm pháp hiệp định TPP như Nhật Bản, Singapore, Úc, đồng thời cũng là bạn hàng thương mại lớn thứ 2 của Mỹ. Trung Quốc đã ký hiệp định thương mại tự do với Úc và Hàn Quốc. Muốn đơn phương kiềm chế Trung Quốc không những không đơn giản mà có khi còn tự gây thương tích cho mình. Hợp tác cùng có lợi và cùng thắng ngày càng trở thành nhận thức chung và logic với thực tế. Sự phát triển của TPP cuối cùng cũng phải đi theo con đường thực dụng, Trung Quốc hiện chưa có kế hoạch sẽ tham gia vào TPP. Sở dĩ Trung Quốc phát triển được như ngày hôm nay, một nhân tố quan trọng nhất là tinh thần thực sự cầu thị.

Mặc dù TPP sắp thành hiện thực, nhưng đây cũng vẫn chỉ là các tiêu chuẩn mang tính khu vực, muốn trở thành quy tắc mang tính toàn cầu phải có sự thống nhất của nhiều khuôn khổ đa phương khác, trong đó có khuôn khổ của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Điều này sẽ không dễ dàng thực hiện, nhất là các vấn đề tranh luận như hàng hóa nông sản, sở hữu trí tuệ, quyền phát minh trong lĩnh vực y dược, Mỹ luôn nhấn mạnh việc bảo hộ các lợi ích của mình. Một nước lớn có trách nhiệm phải lấy mình làm gương, lấy công bằng để ứng xử với cuộc chơi đa phương. Nhìn từ bản thân hiệp định TPP, nó không thể trở thành một quy tắc mới của thế giới, mà nó chỉ thêm tầm ảnh hưởng nhất định về thương mại của Mỹ. Mỹ luôn nói rằng không thể để Trung Quốc chế định các quy tắc, nhưng các quy tắc do Mỹ định ra và chủ đạo sự thật như thế nào thì mọi người đều rõ. Sở dĩ năng lực lãnh đạo của Mỹ ngày càng thấp, một phần do sự thiết lập các thiết chế như trên.

TPP không phải là chuyến xe mà Trung Quốc bị lỡ và Trung Quốc cũng không vì thế mà mất điểm. Chỉ cần Trung Quốc  làm tốt công việc của mình, ổn định kinh tế, phát triển thương mại thì người khác không thể điều khiển được. Bất kỳ một khuôn khổ thương mại mang tính quốc tế nào nếu không có sự tham gia của Trung Quốc đều không hoàn thiện. Giống như WTO nếu không có Trung Quốc thì sẽ khiếm khuyết. Trung Quốc luôn có lòng tự tin đối với mình.

Theo Thời báo Hoàn cầu

Hoàng Lan (gt)