Từ mười mấy ngày nay Trung Quốc và Nhật Bản giống như hai nước Thái Lan và Campuchia, nhưng quyết tâm chính trị ở hai nước này được chất cao như núi lại hoàn toàn khác nhau về chất. Nhật Bản bắt giữ một người Trung Quốc, việc phóng thích hay không phóng thích đều được cả hai nước cho là có liên quan đến chủ quyền của mình. Nếu nhìn rộng ra thì cả hai đều không cho phép đối phương xử sự cứng rắn với mình, cho rằng một lần nhượng bộ sẽ đem lại hậu quả khó lường. Nếu nhìn ở tầm rộng hơn nữa thì khu vực Thái Bình Dương bắt đầu xáo động, mọi nước lớn nhỏ đều đang đánh giá đợt xung đột lần này giữa Trung Quốc và Nhật Bản cuối cùng thực chất là gì? Đối với xã hội Nhật Bản, thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng đã không còn là một người bình thường, việc Chiêm Kỳ Hùng không được về nhà đón Tết Trung thu đã không hề nhận được sự đồng tình, hoàn toàn trở thành một tấm bia để Nhật Bản có thể bắn đến Trung Quốc sự bất bình của họ. Những dấu hiệu từ dư luận phương Tây động viên Nhật Bản “đừng sợ Trung Quốc” cũng bắt đầu xuất hiện, sự phải trái trên thế giới hiện nay ngày càng bị thay thế bởi việc phân định lợi ích. Điều đó cũng có thể có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị sẵn tinh thần khi vấp phải bức tường do phương Tây dựng lên để bảo vệ Nhật Bản. 


Nhật Bản quyết tâm lấy cứng chọi cứng với Trung Quốc 


Tờ “Mainichi Shimbun” cho biết yêu cầu của phía Trung Quốc không xét đến hệ thống luật pháp của Nhật Bản, Nhật Bản không thể nhượng bộ, nếu vì phải đắn đo về mặt ngoại giao mà hỏng việc giữa chừng thì sau này khi xảy ra sự việc tương tự sẽ khó xử lý hơn. 


Nhật Bản đã từng tranh chấp chủ quyền các đảo với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và mỗi lần đều xử lý với từng nước. Giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga đều không có chính sách nào chung để đối phó với Nhật Bản, nhưng hoàn cảnh của Trung Quốc phức tạp hơn nhiều. Một số nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vốn không liên quan gì với nhau, ngược lại do có tâm lý giống như “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” được tung ra với sự can dự của Mỹ nên hiện nay Trung Quốc và Nhật Bản phải “một chọi một” với nhau. 

Tuy nhiên, “nếu Trung Quốc cho rằng dựa vào biện pháp cứng rắn sẽ có thể khuất phục được Nhật Bản là sai lầm”. “Thời báo Niu Yoóc” của Mỹ ngày 19/9 đưa tin những từ ngữ quả quyết nói trên là ở trong bài xã luận của tờ “Yomiuri Shimbun”, lời lẽ như vậy phản ánh mong đợi của dư luận Nhật Bản đối với chính phủ nước này – lần này phải đáp trả Trung Quốc một cách cứng rắn. Ngày 20/9 phần lớn báo chí Nhật Bản tỏ ra tương đối coi trọng biện pháp phản ứng của Trung Quốc. Tờ “Tokyo Shimbun” viết đây là lần đầu tiên sau khi va chạm, Trung Quốc đưa ra biện pháp phản đối, bởi lập trường hai bên không gặp nhau nên quan hệ Nhật – Trung tiếp tục xấu đi là điều không tránh khỏi. Báo “Sankei Shimbun” cho biết Ngoại trưởng Nhật Bản Maehara chưa có kế hoạch hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hội nghị Liên hợp quốc. “Cánh cửa đối thoại Trung – Nhật đã đóng chặt, đối đầu hai nước sẽ kéo dài”. Bài viết yêu cầu Chính phủ Nhật Bản càng không thể có bất cứ dao động nào trong tình hình hiện nay. Tờ “Nihon Keizai” tỏ ra thắc mắc và cho rằng thái độ cứng rắn của Trung Quốc là chỉ nhằm xoa dịu dư luận trong nước. Theo bài báo, tránh để cho quan hệ Trung – Nhật xấu đi mới phải là cách nghĩ chân thực của Chính phủ Trung Quốc. 


Ngày 20/9 khi trả lời phỏng vấn của “Thời báo hoàn cầu”, quan chức Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc tỏ ra “nghi hoặc” trước việc Trung Quốc tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả nghiêm khắc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc hãy bình tĩnh nhìn nhận vấn đề. Quan chức nói trên còn cho biết tối ngày 19/9 Hội liên hiệp thanh niên toàn quốc Trung Quốc đã thông báo cho Đại sứ quán Nhật Bản rằng căn cứ tình hình hiện nay, việc Hội chợ triển lãm thế giới Thượng Hải mời thanh niên Nhật Bản sang thăm và tham gia các hoạt động ở đây sẽ bị tạm thời hoãn lại. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói “dù Trung Quốc có đưa ra những chiêu thức gì, phương châm của Nhật Bản trên cơ sở chủ quyền và biện pháp hình sự theo luật pháp trong nước Nhật Bản sẽ không thay đổi. Cựu Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Sato đã kiến nghị Chính phủ Nhật Bản rút Đại sứ tại Trung Quốc về nước. Hãng Kyôđô cho biết để đối phó với vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku, Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản có kế hoạch mở rộng biên chế, đến năm 2020 sẽ tăng lên đến 20.000 người đóng tại các đảo ở phía Tây Nam Nhật Bản. 


Tạp chí “Chính sách ngoại giao” của Mỹ nhận xét “một sự cố rất nhỏ trên biển xem ra đã nhanh chóng trở thành cuộc đối đầu ngoại giao”, lời bình luận nói trên được rất nhiều báo chí quốc tế nhất trí về quan điểm. Hãng Canadian Press thậm chí còn cho rằng “quan hệ Trung-Nhật đã rơi vào tình trạng xấu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay”. Vì sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Hãng Reuters cho rằng tình cảm bị kích động của dân chúng hai nước đã buộc hai chính phủ phải đi đến chỗ không ai dám lùi bước. “Chính sách ngoại giao” cho rằng điểm đáng chú ý hơn trong sự kiện này là thái độ cứng rắn đến ngạc nhiên của Nhật Bản. 


“Trung-Mỹ đang trong một ván bài” 


Tờ “NewYork Times” số ra ngày 19/9 coi tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku là “một nước Nhật Bản đã từng rất mạnh nhưng xuống dốc đang đấu trí với một nước Trung Quốc tự cảm thấy có thể tìm được vị trí xứng đáng của mình ở châu Á”. Bài viết đặc biệt liên hệ đến tranh chấp ở Biển Đông cho rằng sự việc leo thang đã phản ánh tâm trạng lo lắng của Nhật Bản trước việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và tự tin, sự lo lắng này không chỉ có ở riêng Nhật Bản mà còn là tâm lý chung của các nuớc châu Á có tranh chấp lãnh thổ hoặc lãnh hải với Trung Quốc. Tờ “Washington Post” ngày 20/9 cũng chỉ trích Trung Quốc quá cứng rắn, cho rằng việc Trung Quốc nhiều lần triệu kiến Đại sứ Nhật Bản là sự lăng nhục nghiêm trọng đối với Nhật Bản. 


“Chính phủ Mỹ tuy không nói ra nhưng trên thực tế, trong vấn đề tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku, lập trường của Mỹ thiên về phía Nhật Bản. Về biểu hiện bề ngoài, tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku lần này là việc giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhưng đúng ra vẫn là phần vươn xa của quá trình đấu sức trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc”. Trên đây là nhận định của học giả Phùng Chiêu Khuê thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định này được các học giả Mỹ thừa nhận. Phó giáo sư James R. Holmes thuộc Học viện quân sự của hải quân Mỹ cho biết Mỹ và Nhật Bản có kế hoạch sẽ tổ chức diễn tập quân sự trên biển vào tháng 12 tới đây, với khoa mục giải phóng khu vực đảo Ryukyu ở gần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong điều kiện Trung Quốc xâm chiếm đảo này. R. Holmes nói thực chất của vấn đề là hai nước Trung-Mỹ đang trong một ván bài để quyết định ranh giới giữa hai nước phân định đến đâu. 


Phùng Chiêu Khuê nói Nhật Bản cứng rắn với Trung Quốc phản ánh thực chất rằng Nhật Bản không thích ứng với việc Trung Quốc trỗi dậy. Trước thực lực của Trung Quốc tăng mạnh những năm gần đây, Nhật Bản luôn ấm ức, tâm trạng ấm ức như vậy cũng có ở cả một số nước liên quan đến vấn đề Biển Đông. Dường như Mỹ muốn lợi dụng điểm này để tạo một liên minh các nước có vấn đề với Trung Quốc. Theo Phùng Chiêu Khuê, việc Trung Quốc đối đầu với Nhật Bản trong vấn đề lịch sử mấy năm gần đây có thể được các nước châu Á như Hàn Quốc ủng hộ, nhưng Trung Quốc lần này rất có thể sẽ phải đơn phương đối đầu với rất nhiều nước không thoải mái với việc Trung Quốc trỗi dậy do Mỹ đứng đầu, điều này có thể khiến Trung Quốc ở vào thế bị động. Trung Quốc cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần. Shannun Kelly, chuyên gia Mỹ thuộc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Xtốckhôm Thụy Điển nói mấy chục năm trước Mỹ giao lại quyền kiểm soát đảo Điếu Ngư/Senkaku cho Nhật Bản, trên thực tế là bày sẵn quân bài hờ đối với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, nay đã đến lúc quân bài này phát huy tác dụng, ít nhất về mặt ngoại giao đã kìm giữ được sức mạnh của Trung Quốc. 


Theo phóng viên của “Thời báo hoàn cầu”, việc xảy ra tranh chấp Trung Quốc – Nhật Bản ở đảo Điếu Ngư/Senkaku, báo chí các nước như Philíppin, Việt Nam, Ấn Độ luôn theo dõi sát diễn biến sự việc, nhưng phần lớn là dẫn tin báo chí phương Tây, có rất ít những bình luận độc lập. Các tờ báo “Biên phòng” và báo “Thanh niên” của Việt Nam trong khi đưa tin về đảo Điếu Ngư/Senkaku nói chung chỉ sử dụng cách nói như “Đảo Senkaku”. Tờ “Indian Express” ở Ấn Độ số ra ngày 15/9 có bài nhan đề “Thương mại và hòa bình”, viết rằng Trung Quốc và Nhật Bản là những nước có nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới, đều là đối tác thương mại quan trọng của nhau, nhưng vẫn có thể xảy ra xung đột như vậy ở đảo Điếu Ngư/Senkaku, hiện thực này khiến người ta nghi ngờ sự lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế có thể đem lại được hòa bình hay không? 


Báo chí các nước châu Á có tranh chấp biển đảo với Nhật Bản như Hàn Quốc và Nga đều bàn luận về tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở đảo Điếu Ngư/Senkaku. “Nhật báo văn hóa” của Hàn Quốc viết, quan hệ Trung – Nhật đã đi vào trạng thái khó lường, nhân tố cốt lõi giải tỏa tranh chấp nằm bên phía Nhật Bản. 


Biện pháp? 

 


Hãng tin Reuters ngày 20/9 cho rằng tuy sự việc vẫn tiếp tục leo thang nhưng sự lệ thuộc về kinh tế sẽ đủ để khiến Trung Quốc và Nhật Bản cố gắng điều chỉnh đường đi nước bước của mình, tránh dẫn đến chỗ mất kiểm soát. Trung Quốc sẽ phải đối phó thế nào trước một nước Nhật Bản cứng rắn dựa vào Mỹ? Một số người dân Trung Quốc thậm chí phẫn nộ đề nghị chính phủ bắt một số gián điệp của Nhật Bản tại Trung Quốc để trả đũa. Giới học giả Trung Quốc nói chung thống nhất quan điểm cho rằng phải đánh vào chỗ yếu của Nhật Bản nhưng đánh thế nào là việc khó thống nhất. Phùng Chiêu Khuê cho rằng dân chúng Nhật Bản quả không quan tâm đến chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku, nhưng coi trọng lợi ích kinh tế. Vì thế Trung Quốc phải chế tài Nhật Bản về kinh tế, hơn nữa biện pháp chế tài này phải ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Nhật Bản. Nhưng một học giả không lộ danh tính cho rằng chế tài kinh tế Nhật Bản sẽ gây tổn hại lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Học giả này cho rằng Nhật Bản sợ nhất hai điểm, một là biểu tình chống Nhật quy mô lớn giống như năm 2005, như vậy sẽ khiến dân chúng Nhật Bản cảm thấy chính phủ hoàn toàn thất bại về ngoại giao đối với Trung Quốc. Điểm thứ hai là Nhật Bản hết sức coi trọng thể diện của mình trong cộng đồng quốc tế, vì thế Trung Quốc phải dấy lên một phong trào chỉ trích Nhật Bản về đạo đức. 

Theo TTXVN