Sau những năm 50 của thế kỷ 20, Mỹ đã phong tỏa, bao vây toàn bộ vùng biển của Trung Quốc, tiến hành hai cuộc chiến tranh trên đất liền (Chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam), kết cục là đều chịu thất bại và buộc phải có những điều chỉnh chiến lược. Mỹ đã chuyển từ tấn công quân sự sang bao vây quân sự: tại Đông Hải và Hoàng Hải xây dựng chuỗi đảo bao vây thứ nhất, tại Biển Đông kích động các nước Đông Nam Á giành giật các đảo với Trung Quốc, gây ra tình trạng tranh chấp phức tạp và mưu toan quốc tế hóa vấn đề này. Mỹ muốn dùng Biển Đông và Đông Hải để liên kết các chuỗi đảo, tạo ra hai "gọng kìm" nhằm bao vây toàn diện Trung Quốc. 


Nếu Trung Quốc sử dụng ưu thế địa chính trị để hình thành sự đối kháng với Mỹ, rõ ràng trong cuộc đối kháng này, Trung Quốc ở vào thế yếu. Sự yếu thế này của Trung Quốc có thể nhận thấy khi Mỹ phái hàng không mẫu hạm đến Hoàng Hải diễn tập quân sự. Vì vậy, để xoay chuyển tình thế này, ý nghĩa về chính trị cao hơn ý nghĩa về quân sự, có thể phải ưu tiên triển khai hàng không mẫu hạm “Varyag” tại Hạm đội Bắc Hải (hàng không mẫu hạm cũ nhập từ Ucraina). Trong khi đó, Hạm đội Nam Hải và Đông Hải có thể phải bố trí hàng không mẫu hạm cỡ lớn do chính Trung Quốc tự sản xuất. Trong chiến lược phá thế bao vây của Mỹ, Trung Quốc cần theo nguyên tắc “yếu trước mạnh sau, dễ trước khó sau”. Trước tiên giải quyết vấn đề Biển Đông, sau đó giải quyết vấn đề Đông Hải. Đông Hải được Mỹ đầu tư công sức để xây dựng chuỗi đảo bao vây thứ nhất, có thể được coi là chuỗi đảo bất khả công phá. Nhưng thật sự chỉ cần thống nhất với Đài Loan, chuỗi đảo thứ nhất sẽ không cần công mà tự vỡ. Tuy nhiên, với thực lực của Trung Quốc hiện nay, việc thống nhất với Đài Loan là chưa thể làm được, vì vậy cần ưu tiên giải quyết vấn đề Biển Đông  trước.


Biển Đông là tuyến biển đặc biệt quan trọng của Trung Quốc. Dầu mỏ từ Trung Đông, khoáng sản từ châu Phi đều phải đi qua Eo biển Malắcca và Biển Đông để vào Trung Quốc. Triển khai hàng không mẫu hạm tại Biển Đông mới có thể làm khiếp sợ một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn không thể đảm bảo an ninh cho tuyến đường đại chiến lược trên biển của Trung Quốc, vì mấu chốt vẫn là Eo biển Malắcca và Ấn Độ Dương. Chỉ có hàng không mẫu hạm tiến ra Ấn Độ Dương, kiểm soát Eo biển Malắcca, triển khai căn cứ hải quân dọc Ấn Độ Dương, biến Biển Đông thành “nội hải” của Trung Quốc mới có thể giải quyết vấn đề Biển Đông một lần và vĩnh viễn. 


Sau khi tuyến đường biển chiến lược của Trung Quốc được đảm bảo, Trung Quốc mới có thể yên tâm phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc gia. Đợi đến khi cơ hội chín muồi, Trung Quốc sẽ tiến hành thống nhất với Đài Loan, phá vỡ thế bao vây của Mỹ. Như vậy, thứ tự ưu tiên bố trí hàng không mẫu hạm của Trung Quốc có thể là: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Nam Hải và cuối cùng là Hạm đội Đông Hải; hoặc có thể đồng thời triển khai tại Hạm đội Nam Hải và Đông Hải.

 

Theo Thiết huyết Trung Quốc

 

Văn Hồng (gt)