Ảnh minh họa

 

Theo kế hoạch hiện đại hóa hải quân cả gói, bước đầu tiên, Việt Nam sẽ nhận được 2 chiếc Gepard 3.9, tiếp đó Việt Nam sẽ tự chế tạo thêm ít nhất 2 chiếc Gepard 3.9. Vấn đề đặt ra là vũ khí đi cùng những chiếc tàu này có sự thay đổi nào không? Câu trả lời rằng việc này đang trong quá trình xem xét. Nhưng nếu phân tích kỹ, với việc được trang bị hệ thống vũ khí tính năng cao của Nga, thậm chí là hệ thống vũ khí do Ấn Độ chế tạo, có thể thấy từ nay về sau hải quân Việt Nam đủ sức hình thành ưu thế phi đối xứng đối với hải quân Trung Quốc trên cơ sở sử dụng những chiếc Gepard 3.9.

 

Gepard 3.9 có lượng giãn nước tối đa là 2.100 tấn, tốc độ tối đa đạt 28 hải lý/giờ (hơn 45 km/giờ), tốc độ tiết kiệm nhiên liệu là 18 hải lý/giờ (gần 29 km/giờ) và hành trình tác chiến tối đa lên tới 5.000 hải lý (hơn 8.000 km). Vì thế nhờ được trang bị Gepard 3.9, phạm vi tuần tra của hải quân Việt Nam có thể bao phủ toàn bộ Biển Đông. 

 

Xem xét khía cạnh hỏa lực tiến công, những chiếc Gepard 3.9 mà Nga chế tạo cho Việt Nam là phiên bản thời bình, được bố trí 8 quả tên lửa hạm đối hạm Kh35, dẫn đường bằng quán tính và rađa chủ động, với tầm bắn tối đa 130 km và tốc độ bắn tối đa là 0,9 Mach. Theo kế hoạch sơ bộ, những chiếc Gepard 3.9 thuộc giai đoạn tiếp sẽ được trang bị tên lửa hạm đối hạm siêu âm, có tầm bắn trên 290 km. Điều này giúp lực lượng tên lửa hạm đối hạm của hải quân Việt Nam chiếm được ưu thế rất lớn về kĩ thuật trong khu vực.

 

Nhược điểm chủ yếu của Gepard 3.9 nằm ở năng lực phòng không. Do được trang bị hệ thống pháo Kashtan-M (tàu khu trục tên lửa 956EM của Trung Quốc chỉ được trang bị hệ thống pháo Kashtan thời kỳ đầu), 2 giàn pháo 6 nòng GSh-30k, mỗi phút có thể bắn 1.000 quả đạn và 32 quả tên lửa hạm đối không 9M311 (SA-N-14) có tầm bắn 8 km, nên Gepard 3.9 chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu phòng không mang tính cứ điểm. Trong giai đoạn đầu, Gepard 3.9 chủ yếu được sử dụng trong khu vực tác chiến của Việt Nam để bảo vệ khu vực biển có chiều sâu phòng thủ khoảng 150 km, nơi có thể nhận được sự bảo vệ của cả những quả tên lửa đất đối không tầm xa thuộc hệ thống S300PMU1 đặt căn cứ trên bờ. Để tăng cường năng lực phòng không của Gepard 3.9, hiện nay phương án lợi dụng không gian còn lại ở boong trước để lắp đạt tên lửa hạm đối không phóng theo chiều thẳng đứng Klinok có tầm bắn 12 km đã hoàn thành.

 

Bên cạnh đó, Gepard 3.9 được trang bị 1 chiếc trực thăng chống ngầm Ka28 (tiên tiến hơn loại Ka28 mà Nga bán cho Trung Quốc, nhờ có thêm hệ thống kết nối thông tin với tàu); hệ thống sonar MGK-335EM-03 có góc quét 260 độ, phát hiện được tàu ngầm ở bán kính từ 10 đến 12 km và thủy lôi ở cự ly 2 km (tương đương hệ thống sonar 1135.6 mà Nga bán cho Ấn Độ để lắp đặt trên tàu khu trục 4.000 tấn) và hai thiết bị phóng ngư lôi cỡ nòng 533 mm. Do vậy, những chiếc Gepard 3.9 không chỉ giúp hải quân Việt Nam kinh nghiệm đầu tiên về việc sử dụng hệ thống sonar cũng như trực thăng chống ngầm trên tàu, mà còn nâng khả năng chống ngầm biển gần của hải quân Việt Nam lên tầm cao mới. Nó cũng cho thấy hải quân Việt Nam coi trọng việc chống ngầm.

 

Điều thu thút sự chú ý nhất là Gepard 3.9 sử dụng hệ thống chỉ huy, kiểm soát Sigma-E loại mới nhất của Nga, nên những chiếc tàu này đã nhất thể hóa được việc kiểm soát hệ thống hỏa lực. Ngoài ra, nhờ được trang bị hệ thống trinh sát, gây nhiễu điện tử thế hệ mới MP-407E, nên Gepard 3.9 sẽ giúp hải quân Việt Nam nâng cao đáng kể năng lực tác chiến điện tử. 


Tuy nhiên, hiện nay người ta vẫn không biết hải quân Việt Nam sẽ bố trí Gepard 3.9 ở đâu. Qua phân tích ảnh vệ tinh, người ta thấy rằng vịnh Cam Ranh (đã có 2 cầu tàu: một dài 200 m, 1 dài 160 m) và Đà Nẵng (Jian Gang) sở hữu những điều kiện tốt nhất để bố trí Gepard 3.9, hơn nữa vị trí lại nằm ở miền Trung. Do đó, rất có khả năng Gepard 3.9 sẽ được bố trí ở cảng biển thuộc hai nơi này.

 

Nói tóm lại, cùng với tàu ngầm Kilo 636, máy bay chiến đấu đa năng Su30MK2 và tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont có tầm bắn 300 km đặt trên bờ, Gepard 3.9 sẽ giúp lực lượng vũ trang Việt Nam chính thức có được năng lực tiến công đa năng 3 trong 1 (trên không, dưới nước và trên mặt nước) ở khu vực biển gần, đặc biệt là việc nâng cao đáng kể khả năng chống ngầm. Đồng thời, với sự phối hợp đó, lực lượng vũ trang Việt Nam cũng cơ bản hình thành được năng lực phòng thủ biển gần tương đối hiệu quả. Năng lực kiểm soát và tấn công của hải quân Việt Nam sẽ mở rộng từ phạm vi 100 km trước đây lên 150-300 km. Nhưng hải quân Việt Nam vẫn thiếu các hệ thống chống ngầm, chống hạm và tác chiến phòng không biển xa./.