Cách tiếp cận thực tế và dần dần đối với tranh chấp biển thông qua hợp tác và ký thỏa thuận sẽ bảo đảm sự thịnh vượng tại khu vực.

Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III đã kết thúc chuyến thăm chính thức cấp nhà nước vào tuần trước, đánh dấu mốc mới trong sự phát triển quan hệ song phương Trung Quốc - Philippines và tuyên bố chung giữa hai nước đã hoạch định tương lai tươi sáng cho sự phát triển ổn định của quan hệ hợp tác chiến lược về dài hạn giữa Trung Quốc - Philippines.

Trung Quốc – Philippines đã thống nhất triển khai thực hiện chương trình hợp tác kinh tế thương mại 5 năm (2012 - 2016) mà sẽ hoạch định lộ trình cho sự phát triển quan hệ mạnh mẽ hơn nhằm nâng thương mại hai chiều lên 60 tỷ USD vào năm 2016. Về tranh chấp trên biển, hai nhà lãnh đạo đã cam kết giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình, tiếp tục duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực và môi trường khu vực thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời tái khẳng định cam kết tuân thủ DOC 2002.

Chuyến thăm thành công đã tạo ra bước khởi đầu mới cho sự phát triển quan hệ Trung Quốc – Philippines và mang đến nhiều cơ hội hợp tác hơn cho hai nước trong những năm tới trong đó có hợp tác về vấn đề Biển Đông.

Thực tế, theo suy nghĩ của người châu Á, tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền không nhất thiết phải dẫn tới xung đột. Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ “Cùng tắc biến, biến tắc loạn, loạn tắc không”. Và “cứng chạm cứng” sẽ không phải là giải pháp tốt khi nguy cơ tranh chấp có thể trở thành xung đột. Điều này hoàn toàn khác với phương Tây mà theo đó kẻ mạnh sẽ nhận được những gì mà họ muốn còn kẻ yếu sẽ phải chấp nhận những gì mà họ có. Điều này không phải là truyền thống và thực tế mà người châu Á giải quyết quan hệ quốc tế khi lịch sử cho thấy nhiều giải pháp do thế lực nào đó áp đặt chỉ mang tính tạm thời.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi tin rằng vấn đề Biển Đông sẽ biến mất khi hợp tác kinh tế thương mại được tăng cường. Mặc dù thúc đẩy sự phát triển song phương giữa các nền kinh tế nhưng hợp tác kinh tế sẽ không thể giải quyết được tranh chấp biển. Nhưng chống lại hợp tác kinh tế vì vấn đề biển chưa được giải quyết sẽ lại là sai lầm khác. Bởi sự phát triển thuận lợi quan hệ kinh tế song phương sẽ góp phần xây dựng niềm tin lẫn nhau và có thể tạo ra môi trường tốt cho việc thảo luận vấn đề biển Đông.

Trung Quốc, Philippinescũng như toàn khu vực đều có lợi ích chung trong duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Thế kỷ này không phải là thế kỷ của Mỹ hay TQ mà là thế kỷ của châu Á.

Năm 2010, hầu hết các nước Đông Á đã phục hồi kinh tế và có tốc độ tăng trưởng khá cao: GDP của Việt Nam là 6,7%, Malaysia là 7,2%, Philippines là 7,3% và Trung Quốc là 10,3%. Hiện nay, châu Á đang bước vào giai đoạn thuận lợi lịch sử để phát triển nhanh và ổn định và bất cứ âm mưu nào làm tổn hại đến động lực này là không thể chấp nhận được và là vô trách nhiệm.

Một giải pháp hòa bình và dần dần đối với Biển Đông là lựa chọn tốt nhất cho tất cả các bên. Hiện nay, tuyên bố của các nước khác nhau là điểm mấu chốt trong tranh chấp. Các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn cần tìm điểm đồng trong khi vẫn gác lại khác biệt để thúc đẩy hợp tác hiệu quả. Điều tối quan trọng là cần đạt được đồng thuận để duy trì biển Đông hòa bình ổn định.

Cũng cần nhận định rõ vấn đề Biển Đông không đơn giản chỉ là khai thác các nguồn tài nguyên mà còn là vấn đề phức tạp liên quan đến nghiên cứu hải dương, bảo vệ môi trường, dự đoán sóng thần, chống tội phạm xuyên biên giới v.v. Do đó, các nước liên quan cần có niềm tin sâu sắc với nhau thông qua hợp tác trong nhiều lĩnh vực không nhạy cảm và dần đạt được thỏa thuận và cách thức thực hiện thỏa thuận mà tất cả các bên đều hài lòng./.

Thanh Hà (gt)