Các báo chí chính thống của Philippines ngày 3/8 đồng loạt đưa tin Chính phủ Philippines có kế hoạch gọi thầu thăm dò dầu khí tại một số vùng biển ở Biển Đông và đã có 3 công ty của Trung Quốc bày tỏ quan tâm tới việc thăm dò dầu khí ở vùng biển gần Palawan. Cuối tháng 8/2011, thông tin này càng rõ ràng hơn khi tờ Thương báo của Philippines dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines nói, Chính phủ Philippines đã đồng ý cho công ty của Trung Quốc là CNOOC thăm dò dầu khí ở vùng biển quần đảo Trường Sa. Tổng thống Philippines ngày 27/8 đã xác nhận thông tin này nói rằng: “Liên doanh vẫn đang ở giai đoạn thương thảo, chúng tôi vẫn chưa biết được chi tiết của thoả thuận, nhưng chắc chắn sẽ xem xét ưu đãi cho các bên và lợi ích quốc gia của chúng tôi”.

Điều đáng quan tâm là, vùng biển hợp tác khai thác cụ thể hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Thứ trưởng Bộ Năng lượng của Trung Quốc nhấn mạnh, vùng biển Philippines dự kiến gọi thầu khai thác dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, không phải là vùng biển tranh chấp. Nhưng thông tin này rất khó chứng thực. Giới quan sát của Trung Quốc đoán rằng, vùng biển mà Philippines nói sẽ hợp tác khai thác rất có thể là bãi Lễ Nhạc (Cỏ Rong) mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Lâu nay, đối với vùng biển tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc luôn thực hiện nguyên tắc “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng thực tế không được lạc quan. Hiện nay ở Biển Đông có hơn 1.000 giếng dầu lớn nhỏ, nhưng Trung Quốc không có giếng dầu nào. Do đó “cùng khai thác” trên thực tế đã trở thành “nước khác khai thác”. Giáo sư Lý Kim Minh cho rằng, Trung Quốc hiện nay phải đặt chân vào đó thì sau này mới có quyền chi phối và áp dụng phương thức thông qua doanh nghiệp là hợp lý hơn. Lý Kim Minh cũng lo ngại, thực hiện hợp tác khai thác trong tình hình chủ quyền lãnh thổ chưa được quy thuộc rõ ràng sẽ có rất nhiều nhân tố không xác định. Chuyên gia về vấn đề Biển Đông của Trung Quốc Lý Quốc Cường cho rằng, nếu thực sự có một dự án hợp tác khai thác như vậy thì tiền đề của hợp tác khai thác chỉ có thể là gác lại tranh chấp chủ quyền hoặc các bên bảo lưu lập trường về chủ quyền của mình, như vậy hợp tác mới có thể đi vào giai đoạn mang tính kỹ thuật cụ thể.

Hiện nay, việc hai nước Trung Quốc - Philippines hợp tác khai thác dầu khí ở vùng biển Trường Sa vẫn chưa được phía Trung Quốc chứng thực. Nhưng thông tin này đã làm cho bên ngoài có thể nhìn thấy ánh sáng trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Giới quan sát đều cho rằng, thông tin Philippines đồng ý cho CNOOC thăm dò dầu khí ở Biển Đông cho đến nay cơ bản đều do phía Philippines đưa ra, tính xác thực và độ tin cậy của thông tin chưa được phía Trung Quốc khẳng định. Do đó không loại trừ đây chỉ là mong muốn đơn phương của Philippines hoặc do xuất phát từ nhu cầu năng lượng của mình, Philippines đã tung ra để thăm dò. Tuy nhiên, một số chuyên gia như Lý Kim Minh, Lý Quốc Cường đều cho rằng, cục diện khó khăn của tranh chấp Biển Đông hiện nay cho các bên thấy, vấn đề Biển Đông dường như chỉ có hai lựa chọn: hoặc là xung đột vũ lực hoặc là cùng khai thác. Rõ ràng, trong tình hình không ai muốn xảy ra chiến tranh, cùng khai thác là một lựa chọn hợp lý cho các bên tranh chấp liên quan.

Lý Kim Minh cho rằng, đối với vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cần phải lựa thời cơ, linh hoạt, cơ động. Philippines thiếu dầu, nếu việc hợp tác khai thác có thể mang đến cho họ nguồn thu nhập lớn từ dầu khí, làm giảm áp lực năng lượng trong nước thì sớm muộn thái độ của Philippines đối với tranh chấp Biển Đông dần dần sẽ mềm đi. Lý Quốc Cường cho rằng, hai bên đều có thể thực hiện các bước mang tính thăm dò. Trước đây, hai bên đều coi trọng nguyên tắc, nhưng hiện nay đã chuyển sang coi trọng hợp tác mang tính kỹ thuật cụ thể nhằm đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Đây là một việc làm rất đáng để khuyến khích và khẳng định.

Giới quan sát cho rằng, nếu việc hợp tác khai thác giữa Trung Quốc và Philippines được tiến hành thuận lợi thì phương thức này rất có thể sẽ được các nước tranh chấp ở Biển Đông làm theo. Lý Quốc Cường bày tỏ lạc quan đối với vấn đề này và cho rằng, mặc dù hiện nay để cùng Việt Nam bàn bạc việc hợp tác khai thác dầu khí ở vùng biển tranh chấp Biển Đông vẫn còn sớm, nhưng cũng không thể nói hoàn toàn không thể. Trước đây Việt Nam đã chủ động nêu ra, nhưng yêu cầu của Việt Nam chưa được Trung Quốc chấp nhận. Bởi vì, Việt Nam đề nghị hợp tác khai thác ở khu vực ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, điều đó rõ ràng là vô lý.

Lý Quốc Cường cũng phán đoán, nếu việc hợp tác khai thác giữa Trung Quốc và Philippines tiến hành thuận lợi thì Việt Nam sẽ sớm chủ động bàn bạc cùng khai thác với Trung Quốc, bởi vì nguồn vốn và kỹ thuật khai thác của Trung Quốc rất có sức hấp dẫn đối với Việt Nam.

Tân Hoa Xã ngày 4/9 đưa tin Hội thảo quốc tế về hợp tác và phát triển Biển Đông do Viện nghiên cứu chiến lược phát triển hải dương, Cục Hải dương Trung Quốc tổ chức đã diễn ra tại Bắc Kinh trong 2 ngày 30 và 31/8. Hơn 50 chuyên gia thuộc các lĩnh vực chính sách, luật pháp, nghiên cứu và quản lý biển đến từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Mỹ, Anh, Canada, Đức, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đã tham gia Hội thảo. Trong thời gian hai ngày, với chủ đề “hợp tác và phát triển Biển Đông”, từ các lĩnh vực lý luận và thực tiễn quốc tế, chính sách và quản lý biển, hợp tác và phát triển khu vực Biển Đông…, các chuyên gia đã giao lưu và thảo luận sâu rộng về vấn đề cùng khai thác, tự do hàng hải, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, hợp tác giảm nhẹ thiên tai, luật biển và luật quốc tế. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc tăng cường hợp tác và thúc đẩy phát triển khu vực Biển Đông sẽ có lợi cho tăng cường lòng tin, giảm nghi ngờ, bảo vệ tình hình Biển Đông ổn định, có lợi cho kinh tế và sự nghiệp biển của các nước phát triển bền vững./.

Hải Hòa (gt)