Đài Truyền hình Nhật Bản NHK mới đây đưa tin, ngày 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa đã có buổi tiếp Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình. Ngoài những nội dung về quan hệ hai nước, hai bên đã trao đổi về vấn đề Biển Đông, đồng thời nhất trí hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong vấn đề bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền qua lại trên Biển Đông.

“Hoàn Cầu thời báo” còn cho biết, dự kiến trong chuyến thăm Nhật Bản vào cuối tháng 10/2011 của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, hai bên sẽ trao đổi về việc xây dựng quy tắc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.

Trước đó, ngày 27/9/2011, trong chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản của Tổng thống Philippines Aquino, Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko và Tổng thống Aquino đã ra tuyên bố chung khẳng định, vấn đề Biển Đông và tăng cường hợp tác trong vấn đề Biển Đông là một nội dung cốt lõi của chuyến thăm.

Lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Philippines cùng nhấn mạnh, “hòa bình và ổn định ở Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế”, “tự do hàng hải, tự do thông thương, tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành và giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông là phù hợp với lợi ích của hai nước cũng như lợi ích của toàn khu vực”; nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn hàng hải trên Biển Đông là lợi ích chung của hai bên. Cũng trong chuyến thăm, hai bên còn quyết định nâng cấp cơ chế tham vấn chính sách cấp Thứ trưởng lên thành cơ chế Đối thoại chiến lược Nhật Bản - Philippines; dự kiến trong nửa đầu năm 2012 sẽ tổ chức Hội nghị 2+2 (Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng) lần thứ 5. Hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thúc đẩy các chuyến thăm và giao lưu giữa hai quân chủng hải quân, xây dựng cơ chế trao đổi giữa cơ quan Tham mưu Hải quân hai nước; Nhật Bản giúp Philippines đào tạo cảnh sát biển v.v...

Theo “Hoàn cầu thời báo”, trong các tuyên bố và trao đổi của lãnh đạo Nhật Bản và Philippines, mặc dù không hề đề cập tới Trung Quốc, nhưng “ý đồ đối phó với Trung Quốc thì ai cũng hiểu”. Philippines là nước Đông Nam Á thứ 3 thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” với Nhật Bản. Philippines cùng với Indonesia và Việt Nam, đều là những nước có tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề trên biển.

Nhật Bản và Philippines mỗi bên đều có những toan tính riêng khi lấy vấn đề Biển Đông làm chủ đề thảo luận, lấy Trung Quốc làm mục tiêu tăng cường hợp tác; tuy nhiên so với Philippines thì những tính toán của Nhật Bản có phần đa dạng và mang tính “không giới hạn”, nó vượt ra ngoài vấn đề Biển Đông và cũng vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương Nhật Bản - Philippines.

Trước hết, Nhật Bản tìm cách lôi kéo một số nước Đông Nam Á liên thủ đối phó với Trung Quốc, nhằm tạo ra thế “gọng kìm” tiếp ứng lẫn nhau, kiềm chế Trung Quốc trên cả hai phía Đông Hải (biển Nhật Bản) và Biển Đông; tăng thêm con bài cũng như làm giảm áp lực cho vấn đề đảo Điếu Ngư (Sensaku).

Trên bàn cờ chiến lược của Nhật Bản, vấn đề Biển Đông và vấn đề Đông Hải (biển Nhật Bản) có liên quan chặt chẽ với nhau. Đồng thời, Nhật Bản cũng muốn thu hẹp khoảng cách với các nước Đông Nam Á, giành lại ảnh hưởng của mình tại khu vực này. Nhật Bản kết hợp vận dụng 3 biện pháp tăng cường sức mạnh phòng thủ, củng cố đồng minh Nhật - Mỹ và thúc đẩy hợp tác khu vực để bảo vệ lợi ích an ninh của mình ở trong nước cũng như tại nước ngoài.

Trong tuyên bố chung với Philippines, Nhật Bản không chỉ đề cập tới “lợi ích chiến lược trong vấn đề an toàn hàng hải trên biển”, mà còn nhấn mạnh tới “những giá trị quan cơ bản về tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp trị”, mục đích lợi dụng “ưu thế giá trị quan” để làm nổi bật điểm chung với một số nước Đông Nam Á.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng mong muốn thể hiện có một vị trí quan trọng trong chiến lược khu vực của Mỹ. Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton về vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản cũng đưa ra tuyên bố nhấn mạnh, Nhật Bản và quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ có một vai trò không thể thiếu đối với ổn định và phồn vinh của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản qua đó muốn chứng tỏ với Mỹ rằng, cho dù gặp không ít khó khăn, nhưng họ luôn kiên định mong muốn và có đủ năng lực để ủng hộ, phối hợp với Mỹ trong việc điều chỉnh chiến lược khu vực.

Tuy nhiên, phối hợp với Mỹ “bảo vệ an ninh hàng hải” không phải là động cơ duy nhất để Nhật Bản can dự vấn đề Biển Đông. Sau chiến tranh thế giới, Nhật Bản từng muốn lấy Đông Nam Á làm bàn đạp để khôi phục kinh tế và tìm lại địa vị quốc tế; lấy khu vực này làm “sân sau chiến lược” để hướng đến vị thế “cường quốc chính trị”, bởi vậy Nhật Bản dốc nguồn lực đầu tư viện trợ cho khu vực này. Tuyên bố chung Nhật Bản - Philippines vừa qua cũng nhấn mạnh, hai bên sẽ cùng nhau nỗ lực trong việc hiện thực hóa vấn đề cải cách Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, mở rộng số lượng thành viên Thường trực và không Thường trực Hội đồng bảo an.

Tuy nhiên, đối mặt với các vấn đề tái thiết đất nước sau thiên tai, chấn hưng kinh tế, giảm bớt thâm hụt… áp lực lớn nhất đối với nội các của Thủ tướng Noda Yoshihiko vẫn là từ trong nước. Tokyo hiểu rõ rằng, Trung Quốc là một cơ hội tốt trong việc trợ giúp Nhật Bản giải quyết các khó khăn kinh tế, chính quyền của ông Noda Yoshihiko cũng sẽ không thể làm ngơ trước những lợi ích thực tế. Bởi vậy, việc Nhật Bản nhúng tay can dự vào vấn đề Biển Đông liệu có đạt được lợi ích gì hay không vẫn còn là một câu hỏi./.

Thanh Nga (gt)