Bài xã luận nói các nước láng giềng đang lợi dụng “lập trường ngoại giao ôn hòa” của Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích của mình ở Biển Đông. Bài xã luận viết: “Hiện nay, quan điểm chính thống của Trung Quốc là trước tiên cần phải thông qua các kênh đàm phán để giải quyết tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên tồi tệ, thì hành động quân sự là cần thiết”. Họ cho rằng đó là cách thức duy nhất để giải quyết những tranh chấp ở các vùng biển đảo được cho giàu tài nguyên dầu mỏ và hải sản mà các nước đang tranh chấp.

Tờ Hoàn Cầu cảnh báo: “Hiện không có biện pháp nào có thể giúp giải quyết các vấn đề một cách hòa bình. Thực tế là các nước trong khu vực đều tin là họ có cách bắt Trung Quốc phải nhân nhượng. Trung Quốc muốn giữ hòa khí, nhưng đó thực là một vai trò bị cô lập. Trung Quốc phải tự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế này”.

Hãng Reuters và Bloomberg trích bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Toàn cầu của Trung Quốc trong đó cáo buộc các nước như Việt Nam và Philippines đã lợi dụng “lập trường ngoại giao mềm mỏng” của Trung Quốc để thúc đẩy cho chương trình nghị sự của chính họ.

Khi được đề nghị bình luận về bài xã luận, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du ngày 25/10 nói rằng bài viết không đại diện cho quan điểm của Trung Quốc và chính phủ “Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và rằng việc gieo mối bất hòa và thù nghịch chỉ làm phức tạp thêm tình hình. Báo chí Trung Quốc có toàn quyền tự do ngôn luận, nhưng chúng tôi hy vọng các báo đóng vai trò xây dựng và chuyển tải trung thực các thông điệp”.

Theo giới phân tích, không phải là ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại bật đèn xanh cho tờ Hoàn cầu Thời báo đe dọa các láng giềng vào thời điểm này. Nhân vòng công du châu Á đầu tiên của mình khỏi sự từ ngày 23/10, tân BTQP Mỹ Leon Panetta đã lên tiếng xác định trở lại với các nước trong vùng là Mỹ sẽ không cắt giảm lực lượng quân sự tại châu Á, cho dù ngân sách quốc phòng Mỹ sắp bị thu hẹp.

Lời đe dọa các nước láng giềng mà tờ Hoàn cầu Thời báo tung ra vào hôm nay, như vậy, có thể được xem là một đòn cân não mới trong cuộc chiến tranh tâm lý của Trung Quốc, nối tiếp theo một bài bình luận khác gần đây trên tờ Nhân dân Nhật báo . Ngày 28/9 vừa qua, tờ báo này đã khuyên các quốc gia Á châu là không nên “ núp bóng” Mỹ, cho rằng “ có thể làm bất cứ điều gì ” nhờ có sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

Liên quan tới chuyến thăm Nhật của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ngày 25/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang ở thăm Nhật Bản. Tại cuộc gặp, hai bên đều đánh giá cao tầm quan trọng của liên minh Nhật - Mỹ trong đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thủ tướng Noda khẳng định “an ninh là nền tảng của quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ” và bày tỏ hy vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy. Bộ trưởng Panetta nhấn mạnh liên minh giữa hai nước là “hòn đá tảng” đảm bảo an ninh ở khu vực Thái Bình Dương và nước Mỹ vẫn là một “đồng minh mạnh” của Nhật Bản trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực.

Mạng Hoàn Cầu ngày 25/10: Dẫn nguồn từ hãng tin AP nói rằng, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 24/10 trong chuyến thăm Nhật Bản đã cao giọng bày tỏ quân đội Mỹ sẽ rút dần quân khỏi Iraq và Afganistan tạo thời cơ tốt cho Mỹ quan tâm đến “mối đe dọa tiềm tàng” đến từ châu Á. Theo cách nói của ông Panetta, những “mối đe dọa” này bao gồm việc Trung Quốc không ngừng gia tăng lực lượng quân sự. Đây là lần đầu tiên ông Panetta với thân phận là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên truyền cho chính sách “quay lại châu Á” của chính phủ Obama. Trước đó, chính phủ của Obama đã bày tỏ, mặc dù đối mặt với sự cắt giảm về ngân sách, song Mỹ sẽ vẫn là nước lớn kinh tế và quân sự toàn cầu, “khu vực châu Á sẽ là một bộ phận cốt lõi của chiến lược an ninh Mỹ”. Tin cho biết, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ “Yomiuri Shimbun” của Nhật Bản ngày 24/10, ông Panetta nhấn mạnh “Trung Quốc đang hiện đại hóa quân sự nhanh chóng, song độ minh bạch khiến người ta lo lại. Đồng thời, các hoạt động của Trung Quốc tại Đông Hải và Biển Đông ngày càng cứng rắn”. Mỹ và Nhật Bản cần cùng hợp tác “thúc giục Trung Quốc gánh vác vai trò trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”./.

Thanh Hằng (gt)