Gần đây, với việc tuyên bố cùng Việt Nam khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, Ấn Độ đã cao giọng xuất hiện trong vấn đề Biển Đông, tăng thêm nhân tố phức tạp đối với tình hình Biển Đông vốn đã rối rắm. Nhưng những người sáng mắt lại không đánh giá cao hợp tác Việt - Ấn. Hai nước Trung - Ấn không vì việc đó mà gây ra vấn đề mới.

Ấn Độ là một nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh, nhu cầu về dầu khí tăng nhanh, cần phải nhanh chóng mở rộng hợp tác đối ngoại, điều đó cũng dễ hiểu. Nhưng để đáp ứng nhu cầu mà đem mục tiêu đặt vào khu vực Biển Đông rất phức tạp, nhạy cảm và trữ lượng tài nguyên dầu khí chưa được xác định rõ ràng thì đó là việc làm không sáng suốt.

Cách đây không lâu, các bên liên quan đối với vấn đề Biển Đông sau khi trải qua đàm phán gian khổ đã đạt được nhất trí về “Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC”, có ý nghĩa lớn đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Có người nói, hành động mới của Ấn Độ và Việt Nam ở Biển Đông không chỉ giới hạn ở lợi ích kinh tế, mà còn có tính toán chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Nếu như có việc đó thì đúng là đã hại người hại mình. An ninh ổn định ở Biển Đông không dễ mà có, cần cùng nhau gìn giữ. Khu vực này trong lịch sử đã từng xảy ra xung đột quân sự do những tranh chấp này, đến nay những nhân tố nguy hiểm gây ra xung đột vẫn tồn tại. Bất kể là trong hay ngoài khu vực, cho dù là bên nào đều không nên đánh giá thấp việc tình hình ổn định, cân bằng ở khu vực một khi bị phá vỡ có thể sẽ gây ra hậu quả mang tính hiểm họa. Sức mạnh của Ấn Độ rất lớn, trong khi thúc đẩy “chiến lược hướng Đông” càng cần phải cẩn thận tránh rơi vào cái bẫy “kiềm chế Trung Quốc”.

Trung Quốc và Ấn Độ là láng giềng hữu nghị, là thành viên nhóm BRICS thuộc các nước đang phát triển lớn nhất thế giới. Việc tốt hay xấu trong quan hệ giữa hai nước không những liên quan đến hạnh phúc của nhân dân hai nước, mà còn liên quan đến hòa bình và ổn định của toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hai nước không thiếu các nhà chính trị, nhà chiến lược có tầm nhìn xa rộng, nếu nhìn xa trông rộng thì không khó để kết luận rằng quan hệ Trung - Ấn là “một việc lớn”, còn việc hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông giữa Việt Nam và Ấn Độ chỉ là “một việc nhỏ”, cái nào nặng cái nào nhẹ, không nói cũng rõ. Nếu vì cái lợi nhỏ trước mắt mà ảnh hưởng đến đại cục quan hệ hữu nghị giữa hai nước thì cuối cùng được không bằng mất. Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng là đang tồn tại một số tranh chấp về biên giới và tài nguyên nước, hai nước cần ngồi lại với nhau thông qua đối thoại, hiệp thương giải quyết, không bên nào được triển khai hợp tác với bên thứ ba mà làm tổn hại đến lợi ích của đối phương. Tranh chấp giữa hai nước không nên mở rộng ra đến Biển Đông.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Ấn Độ Singh đều đã nói: “thế giới đủ lớn để có thể dung nạp được sự hợp tác và cùng phát triển giữa Trung Quốc và Ấn Độ”. Việc Trung - Ấn bắt tay hợp tác có tiền đồ sáng lạn. Hai nước cần đúc rút trí tuệ từ lịch sử 2200 năm giao lưu giữa hai nền văn minh, dùng phương thức của người châu Á để hóa giải bất đồng, tăng cường hợp tác hữu nghị, làm tấm gương cho các nước khác./.

Thanh Nga (gt)