Mới đây, Ủy viên Ủy ban học thuật thuộc Viện Khoa học xã hội TQ, kiêm Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Quốc tế Trương Ôn Lĩnh khi trả lời phỏng vấn “Đại công báo” cho biết, trong vấn đề Biển Đông, TQ lâu nay vẫn kiên trì chủ trương 12 chữ “chủ quyền thuộc ta, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, tuy nhiên tình hình hiện nay cho thấy việc “gác lại” vấn đề tranh chấp Biển Đông là hết sức khó khăn. Khi TQ nêu ra chủ trương này, tình hình chưa diễn biến phức tạp như bây giờ, việc các nước khai thác tài nguyên Biển Đông cũng chưa hình thành quy mô lớn như hiện nay. Do đó, gác lại hoàn toàn vấn đề tranh chấp Biển Đông đã là việc không thể làm được.

Mặt khác, để giải quyết vấn đề này cũng không hề đơn giản. TTg TQ Ôn Gia Bảo trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á mới đây cũng đã chỉ rõ, TQ đang tìm kiếm mọi biện pháp mới để thúc đẩy phát triển quan hệ với ASEAN và hợp tác cùng khai thác Biển Đông.

Trước hết là nhấn mạnh tầm quan trọng của tổng thể quan hệ TQ - ASEAN, điều này nhận được sự phản hồi tích cực của hầu hết các nước ASEAN. TQ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của khối ASEAN, đồng thời ASEAN cũng đang trên con đường hướng tới xây dựng cộng đồng chung, do đó cần có sự đoàn kết và ổn định trong nội bộ. Cộng đồng chung ASEAN có tầm quan trọng đặc biệt đối với khu vực ĐNÁ, tuy nhiên hiện hay ASEAN đã xuất hiện khuynh hướng chia rẽ và đây là điều rất dở đối với ASEAN.

Ví dụ trong vấn đề Biển Đông, chủ trương của mỗi nước thành viên ASEAN là không giống nhau; còn trong vấn đề “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP), một số nước trên thực tế đã tách khỏi ASEAN. Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay đã nhấn mạnh một điểm quan trọng là tăng cường sức mạnh tổng hợp. Nếu không xử lý tốt quan hệ với TQ thì sức mạnh tổng hợp của ASEAN sẽ bị suy yếu đáng kể.

Việc gác lại vấn đề tranh chấp Biển Đông đã không thể thực hiện được, các thế lực bên ngoài đang can dự mạnh mẽ vào vấn đề Biển Đông dưới danh nghĩa “tự do và an toàn hàng hải”. Phía TQ đã tuyên bố, sau Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ tiến hành Hội thảo về an toàn và tự do hàng hải.

Điều này cho thấy cách làm của TQ đã có sự thay đổi so với trước đây, vấn đề an toàn và tự do hàng hải trên biển đang được tách dần khỏi vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Bởi an ninh hàng hải quốc tế là vấn đề phổ biến mà hầu hết các nước đều gặp phải, do đó các nước cần cùng nhau nỗ lực và tăng cường hợp tác để duy trì an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Trong vấn đề này TQ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, các chủ đề có thể thảo luận bao gồm tránh xung đột trong khu vực, phòng chống và tấn công hải tặc, duy trì cục diện ổn định, tránh gây ra các vụ việc khiêu khích quân sự… Vấn đề an ninh và tự do hàng hải sẽ là một thứ ràng buộc không chỉ với TQ mà còn với cả các quốc gia khác.

Biện pháp mới tiếp theo mà TQ đang áp dụng là xây dựng Quỹ hợp tác trên biển TQ - ASEAN có quy mô 3 tỷ NDT, nhằm tăng cường hợp tác trên biển giữa TQ và ASEAN.

Từ trước đến nay, vấn đề khai thác chung ở Biển Đông khó xúc tiến thực hiện là bởi vấn đề này có liên quan nhiều đến việc chiếm lĩnh thực tế các đảo bãi, cũng như liên quan đến việc khai thác tài nguyên dầu khí tại vùng biển gần các đảo bãi do các bên đang chiếm đóng. Theo tác giả Trương Ôn Lĩnh, việc khai thác chung có thể cân nhắc tiến hành ở những vùng biển không có tranh chấp, đồng thời hết sức tránh những lĩnh vực đụng chạm tới lợi ích lớn như dầu khí. Trước mắt có thể xem xét hợp tác trên những lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ tính đa dạng động thực vật, nghiên cứu hải dương học, bảo vệ nghề cá, khảo sát năng lượng mới biển sâu, an toàn cảng biển quốc tế, xây dựng mạng lưới kết nối cảng biển v.v.. Cách làm này vừa tránh được những lĩnh vực truyền thống dễ nảy sinh xung đột, vừa có thể tạo ra áp lực đối với những nước như VN và PLP.

Thu Hương (gt)