Tình hình Biển Đông chẳng chút hoà dịu bởi những chuyến thăm viếng đan xen hoặc những biểu hiện hữu nghị xã giao giữa các nước Trung - Việt, Trung - Philippines và cả Việt Nam - Ấn Độ, Philippines, Nhật Bản... Một cuộc đối kháng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn dường như đang trong quá trình chuẩn bị. Điều khiến người ta không thể không lo ngại là một Biển Đông đã ngày càng bị “vùng Vịnh hoá” không chỉ về tính quan trọng của nó mà còn về qui mô và hình thức xung đột.

Quan trọng như nhau về tầm cỡ chiến lược.

Nếu coi eo biển Malacca như kênh đào Suez thì Biển Đông chính là vịnh Péc-xích. Những năm gần đây, số tàu thuyền đi qua Biển Đông tăng vọt lên hơn 8 vạn tầu. Eo biển Malacca là khu vực chiến lược trọng yếu tại Đông Nam Á, là tuyến huyết mạch nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông, đảm nhiệm vận tải 1/3 hàng hoá và 50% dầu lửa của toàn cầu và cũng là tuyến đường quan trọng trên biển nhập khẩu dầu của 3 nước Trung - Nhật - Hàn.Theo chiến lược toàn cầu của Mỹ, eo biển Malacca là mắt xích trung tâm nối liền 2 khu vực chiến lược quan trọng của Mỹ tại Đông Bắc Á và Tây Nam Á, là 1 trong 16 yết hầu trên biển cần phải khống chế trên toàn cầu, không hề kém kênh đào Suez về tầm cỡ chiến lược. Và do địa vị kinh tế của khu vực Đông Nam Á không ngừng nâng cao nên tầm cỡ chiến lược của Biển Đông cũng ngày một quan trọng.

Tài nguyên phong phú ẩn chứa nhiều nguyên nhân xung đột.

Điểm giống giữa Biển Đông với Vịnh Péc-xích chính là tài nguyên dầu khí phong phú và tài nguyên nghề cá còn phong phú hơn cả vùng Vịnh, xung quanh có nhiều nước đòi hỏi chủ quyền với các vùng nước liên quan. Nếu nói xung đột quân sự vùng Vịnh phần lớn là yếu tố bên ngoài, thì khả năng xung đột Biển Đông đến từ các nước liên quan tại Biển Đông càng lớn hơn. Và mối xung đột này cũng sẽ ngày một phức tạp cùng với sự can dự của Mỹ, Nhật, thậm chí cả Ấn Độ. Xét từ một khía cạnh nào đó, Biển Đông còn giống một thùng thuốc súng hơn cả vùng Vịnh, ẩn chứa nguyên nhân chiến tranh, khả năng xung đột nhiều hơn, lớn hơn.

Nếu Biển Đông thường xuyên nổ ra các kiểu xung đột thì sự an toàn qua lại của nó đáng ngại hơn cả vùng Vịnh Péc-xích và vịnh Aden. Sự lo ngại của Nhật về an toàn qua lại không phải là không có lý. Đó chỉ là đổ thêm dầu vào lửa hay là giúp khu vực này hoá giải quy cơ qua đường ngoại giao. Hàn Quốc có lẽ sẽ là nước tiếp theo quan tâm đến Biển Đông. Đài Loan cũng cần phải có thái độ tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông.

Sự đa dạng và tốc độ truyền tải thông tin khiến có càng nhiều dân ý được thể hiện trong lập trường của các nước đối với Biển Đông, mức độ khó khăn trong việc đạt được một thoả thuận tạm thời hoà hoãn, êm đẹp giữa Chính phủ các nước trước đây ngày một lớn, trữ lượng dầu mỏ được thăm dò tại Biển Đông ngày một nhiều đi đôi với sự thiếu hụt về năng lượng khiến nhiều nước và tập đoàn lớn càng quan tâm hơn và có thái độ cứng rắn hơn với khu vực này. Để cân bằng sự chênh lệch về thực lực giữa các quốc gia, Việt Nam, Philippines còn chơi cả kiểu mở cửa rước giặc vào nhà, lôi kéo các nước bên ngoài can thiệp sâu vào vấn đề, tạo ra càng nhiều lý do danh chính ngôn thuận cho các nước mạnh can dự vào Biển Đông.

Theo kinh nghiệm từ vùng Vịnh, sức mạnh bên ngoài chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới căng thẳng khu vực này. Biển Đông muốn tránh bị “vùng Vịnh hoá” thì các nước liên quan phải vứt bỏ kiểu chơi “cõng rắn cắn gà nhà”. Dựa vào sức mạnh bên ngoài có thể làm tăng cơ hội phát ngôn của mình tại Biển Đông nhưng sự trả giá của nó sẽ lớn hơn nhiều lần những gì mình đạt được. Không thể có chuyện một nước sẽ làm hết mình để đi bảo vệ lợi ích cho một nước khác. Để tránh Biển Đông “vùng Vịnh hoá”, cần phải tăng cường trang bị quân sự để đạt mức cân bằng, cần phải hướng tới gác bỏ tranh chấp, cùng khai thác, ví dụ như cổ phần hóa khai thác dầu khí, thiết lập vùng chủ quyền chung. Bàn bạc trao đổi ý kiến, thậm chí là những thoả hiệp cần thiết để đi tới một sự cân bằng vĩnh cửu cho Biển Đông./.

Thanh Nga (gt)