Thứ nhất, nhằm thúc đẩy hoặc thăm dò tính khả thi của sáng kiến xây dựng Khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác mà Philíppin đưa ra vào năm 2011, nhưng đã bị Trung Quốc từ chối. Sáng kiến này chia Biển Đông thành hai vùng là tranh chấp và phi tranh chấp, tài nguyên tại khu vực tranh chấp có thể được các nước tuyên bố chủ quyền cùng khai thác, còn khu vực phi tranh chấp thuộc phạm vi bảo vệ đặc quyền của quốc gia. Năm 2011, Philíppin đã lợi dụng các cuộc hội thảo do nước này tổ chức và hội nghị ASEAN để ra sức thúc đẩy sáng kiến đó, nhưng không thành công. Trong cuộc đối đầu tại bãi cạn Scarboroug lần này, ngay từ đầu Philíppin đã nói rõ khoảng cách giữa bãi cạn Scarboroug, giữa Bãi Cỏ rong và đất liền nước này, tuyên bố theo tiêu chuẩn phân chia khu vực tranh chấp và phi tranh chấp, bãi cạn Scarboroug thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philíppin. Như vậy, mục đích của Philíppin rốt cuộc vẫn không tách khỏi sáng kiến trên. Thứ hai, sử dụng căng thẳng, thậm chí là xung đột do sự kiện đối đầu gây ra để tạo bầu không khí cho việc thúc đẩy sự ra đời của "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC), tạo dư luận hoặc khiến cho các bên liên quan cảm thấy việc đề ra COC trở nên rất cấp bách. Philíppin là nước đi đầu trong việc thúc đẩy COC, cho rằng một COC mang tính ràng buộc là nền tảng lâu dài để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Mục đích của Philíppin là thông qua COC để ràng buộc việc Trung Quốc bảo vệ chủ quyền đảo và lợi ích biển, phương pháp ràng buộc gồm cả sự can dự của bên thứ ba. Việc Philíppin kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về biển chính là biểu hiện cụ thể của mục đích này. Duy trì sự căng thẳng của cuộc đối đầu cũng dễ khiến cho các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông và thế lực bên ngoài mưu đồ can dự vào tranh chấp Biển Đông làm nóng lên, thúc đẩy COC, tạo điều kiện cho thế lực thứ ba can dự vào tranh chấp Biển Đông. 

Thứ ba, lợi dụng không khí căng thẳng do cuộc đối đầu gây ra tạo thêm nhiều “sự đã rồi” ở Biển Đông. Trong hơn 20 ngày diễn ra đối đầu tính đến nay, Philíppin không chỉ gây sự với Trung Quốc ở bãi cạn Scarboroug, mà còn liên tục có hành động tại nơi khác như tung ra thông tin rằng trữ lượng dầu khí tại Bãi Cỏ rong vượt xa dự kiến, tiến hành kêu gọi đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở đây, quyết định xây dựng trường tiểu học ở đảo tranh chấp. Có thông tin cho biết Philíppin còn cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Luzon và đảo Palawan thuộc lãnh thổ Philíppin. Tất cả đều thể hiện ý đồ củng cố, mở rộng lợi ích đã đạt được và phá hoại hòa bình khu vực. Thứ tư, mượn không khí căng thẳng của cuộc đối đầu để phá hoại nỗ lực và thành quả ngoại giao phát triển hòa bình Biển Đông của Trung Quốc. Gần một năm trở lại đây, Trung Quốc đã nỗ lực rất lớn vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông khi tham gia Hiệp định Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo việc giải quyết vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhận thức chung và hiệp định phát triển quan hệ Trung Quốc-ASEAN, giải quyết ổn thỏa vấn đề Biển Đông đạt được trong chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc tới các nước ASEAN liên quan… Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm tình hình Biển Đông trở nên hòa hoãn, giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực. Trong khi đó, Philíppin một mặt tiếp tục có thái độ cứng rắn đối với vấn đề Biển Đông, mặt khác phá hoại những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông trong một năm qua. Do vậy, Philíppin mới có hành vi ngoan cố tại bãi cạn Scarboroug. 

Theo ông Trịnh Trạch Dân, nếu Trung Quốc cứ để Philíppin làm càn có thể gây ra hậu họa khó có thể sửa chữa trong vấn đề Biển Đông. Vì thế, Trung Quốc cần phải có phản ứng tăng tiến, đầu tiên là bày tỏ thiện ý hòa bình giải quyết sự kiện đối đầu (trên thực tế Trung Quốc đã làm như vậy và giai đoạn này đã kết thúc). Sau đó, Trung Quốc nên ngừng đàm phán ngoại giao với Philíppin về sự kiện đối đầu, thậm chí triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Philíppin và Philíppin phải chịu mọi hậu quả do việc này gây ra. Tiếp theo, Trung Quốc yêu cầu Philíppin hoàn nguyên tất cả những “sự đã rồi” trong thời gian xảy ra sự kiện đối đầu, cảnh cáo các công ty dầu khí nước ngoài không được tham gia hoạt động kêu gọi đầu tư tại vùng biển do Trung Quốc quản lý, cảnh báo thế lực đứng sau Philíppin. Hiện có thông tin nói rằng Philíppin đã ngừng việc triển khai đối thoại ngoại giao mới với Trung Quốc về sự kiện đối đầu tại bãi cạn Scarboroug, cho thấy thời cơ thực hiện phản ứng này đã tới. Cuối cùng, nếu Philíppin khăng khăng làm theo ý mình, phía Trung Quốc sẽ phải áp dụng biện pháp thực tế kiểm soát bãi cạn Scarboroug và Bãi Cỏ rong hoặc các đảo và vùng biển có ý nghĩa quan trọng ở Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa). 

Theo "Bình luận Trung Quốc" (Hồng Công) (ngày 1/5)

Lê Sơn (gt)