Bắc Kinh và Hà Nội vốn có tranh chấp từ lâu tại biển Đông về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và phần lớn phía Nam của Trường Sa, cả hai quần đảo giàu tiềm năng khoáng sản và hải sản đồng thời nằm trên con đường hàng hải chiến lược.

Việc Trung Quốc ngày càng khẳng định vai trò tại biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng với các nước trong khu vực và cả Mỹ. Philíppin, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố toàn bộ hoặc một phần chủ quyền đối với đảo Trường Sa nơi mà tàu hải giám Trung Quốc va chạm với tàu khai thác dầu tại Biển Đông.

Đặc biệt có bình luận của Tờ World Journal (Đài Loan) ngày 31/5:

Giới truyền thông Đài Loan cho rằng động thái này của Bắc Kinh diễn ra trước khi Diễn đàn Shangrila (diễn đàn an ninh do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức, chính phủ Singapore tài trợ, được coi là có ảnh hưởng nhất tại Đông Nam Á hiện nay), còn nhằm tới một mục đích, "dằn mặt" Mỹ trước rồi họp đàm sau.

Trung Quốc đã đặc biệt coi trọng Diễn đàn này (có sự tham gia của quan chức quốc phòng 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó chức vụ cao nhất có Thủ Tướng Malaysia, Phó Thủ Tướng thứ nhất Nga phụ trách quốc phòng - an ninh, ông chủ Lầu Năm Góc và Bộ trưởng quốc phòng các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Australia…). Lần đầu tiên cử Bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt tham gia, thay vì một Phó Tổng tham mưu trưởng như những năm trước đây.

Vụ việc ngày 26/5 vừa qua sẽ khiến cho chủ đề tranh chấp chủ quyền biển Đông trở nên nóng hơn trên bàn hội nghị lần này và giới quân sự Bắc Kinh sẽ "tiếp xúc", "trao đổi" với người đứng đầu Lầu Năm Góc bên lề hội nghị.

Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt đã công du Malaysia, Singapore và Philíppin nhằm "giải thích" quan điểm của Bắc Kinh về việc phát triển sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân và vấn đề tranh chấp biển Đông.

Lâu nay Bắc Kinh vẫn khăng khăng chỉ đàm phán song phương với các bên liên quan, không chịu đàm phán với ASEAN về vấn đề tranh chấp biển Đông, tuy nhiên Bắc Kinh cảm thấy hiện tại đã đến lúc cần cải thiện quan hệ quân sự với các nước Đông Nam Á, đồng thời dàn xếp với Mỹ những lợi ích chiến lược nhưng vẫn muốn đi "cửa trên".

Cũng diễn đàn Shangri-La 2010, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã từng bày tỏ ý định thăm Trung Quốc ngay sau khi họp, nhưng bị Trung Quốc từ chối. Song một cuộc gặp song phương Robert Gates - Lương Quang Liệt bên lề diễn đàn năm nay đã được hai bên thu xếp.

Năm nay, trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ, Trung Quốc đã chủ động tạo sự kiện xâm nhập vùng biển chủ quyền lãnh hải Việt Nam và cắt cáp tàu Bình Minh, một trong những mục đích của Bắc Kinh là muốn thăm dò chính sách mới của Mỹ.

Văn Cường (gt)