Trung Quốc thời gian gần đây đẩy mạnh chính sách tiến ra đại dương tại Biển Đông và vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, gây căng thẳng với Nhật Bản và các quốc gia láng giềng. Nhân vật hàng đầu sử dụng truyền thông để hỗ trợ cho chính sách mở rộng lãnh thổ và lãnh hải của Bắc Kinh là Thiếu tướng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc La Viện. Ông La nổi tiếng với những phát ngôn quá khích. Vào thời điểm Nhật Bản tập trận chiếm lại đảo xa ngày 22/5, La Viện đã lên tiếng trên báo chí rằng: “Nếu Trung-Nhật nổ ra chiến tranh, Nhật Bản chắc chắn sẽ chìm trong biển lửa”. Cứ tưởng rằng ông La có lẽ là nổi tiếng ở Trung Quốc nhưng thực tế thì không mấy ai ủng hộ ông này, thậm chí còn giễu ông La là “tướng quân võ mồm”. Lý do là vì “quá khứ đáng xấu hổ” của ông ta đã được phơi bày trên mạng.

Kẻ được truyền thông săn đón

Những phát ngôn hiếu chiến của ông La Viện ngày càng trở nên “nóng” trong thời gian qua. Liên quan đến vụ việc máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiếp cận bất thường máy bay trinh sát của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), ông La tuyên bố: “Chỉ riêng việc không bắn rơi là Trung Quốc đang rất nhẫn nại rồi”. Trên mạng tin của Tân Hoa, ông này còn hùng hồn khẳng định: “Trung Quốc không hề sợ hãi quân đội 17 nước của Liên hợp quốc ở Triều Tiên. Không có lý do gì mà Trung Quốc lại bị Mỹ và Nhật Bản hăm dọa”. Trong khi đó, trên báo điện tử “Cát Hòa”, vị thiếu tướng này còn tiết lộ: “Quân đội (Trung Quốc) đang chuẩn bị sẵn 1.000 quả tên lửa nhằm vào Nhật Bản”. Cũng trên báo “Cát Hòa”, ông La khẳng định “Nếu chiến tranh Trung-Nhật nổ ra, tên lửa Trung Quốc sẽ nhấn chìm Nhật Bản trong biển lửa”. Câu nói này của ông La giống hệt với kiểu công kích mà Triều Tiên vẫn thường nhằm vào Hàn Quốc là “sẽ nhấn chìm Seoul trong biển lửa”.

Kiểu phát ngôn như vậy của ông La cũng được áp dụng tương tự với Philippines trong tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Liên quan đến việc Philippines đang chiếm giữ bãi Cỏ Mây, ông La Viện lớn tiếng: “Chúng ta đã kiềm chế và nhẫn nại hết mức. Philippines sẽ phải trả giá cho hành động khiêu khích. Hãy chờ xem!”.

Không thể tưởng tượng được đây lại là phát ngôn của một thiếu tướng quân đội. Không màng đến vị trí của mình, ông La vẫn liên tục đưa ra những phát ngôn hiếu chiến. Tuy nhiên, một điều kỳ lạ là ông La Viện lại hoàn toàn im lặng trước Việt Nam – nơi từng diễn ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và căng thẳng xung quanh hành động hạ đặt giàn khoan. Lý do là gì vậy? Về việc này, ông La có “điều khó nói”. 

Tự đào huyệt trên mạng Internet

Vậy, ông La Viện thực chất là một nhân vật như thế nào? Truyền thông Trung Quốc bao gồm một số cơ quan báo chí có luận điệu quá khích như mạng Tân Hoa và Thời báo Hoàn cầu trong những năm trở lại đây đang coi ông La Viện là nhà bình luận thời sự hàng đầu. Ở một bộ phận truyền thông, ông có thể được coi là “ngôi sao đắt sô”. Có vẻ như ông La nhận thức được điều đó nên đã bắt đầu đăng các bình luận lên mạng.

Theo tờ “Đại kỷ nguyên”, tờ báo Trung Quốc có trụ sở ở Mỹ, ông La Viện đã đăng ký tài khoản trên mạng Weibo và bắt đầu thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng vào tháng 2/2013, thời điểm vẫn còn tại ngũ. Tuy nhiên, khác với giới truyền thông Trung Quốc vốn kiểm soát các phát ngôn và có thể tiếp nhận quan điểm của ông La một cách dễ dàng, thông tin trên thế giới Internet mang tính hai chiều và có những khác biệt nhất định. Việc liên tục đề cao “thuyết quân đội hùng mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc” và coi thường người dân bình thường khiến các cư dân mạng khác đồng loạt lên tiếng phản đối.

Về Internet thì ông La Viện tỏ ra khá “ngây thơ”. Ông đã tự viết các câu bình luận ủng hộ bản thân như: “Quan điểm của thiếu tướng La Viện thật tuyệt vời. Thính giả hoan nghênh những bình luận của ông về quân sự”. Thế nhưng, ông La lại quên mất là vẫn đang sử dụng tài khoản (ID) của chính mình và lập tức bị các cư dân mạng khác “ném đá túi bụi”. Thiếu tướng La Viện phân bua lý do ông “tự khen bản thân” là vì bị đánh cắp mật khẩu (nghĩa là bình luận đó không phải của ông). Tuy nhiên, kết quả trái ngược với những lời phân bua. Cư dân mạng vạch mặt ông La khi cho rằng “là quân nhân mà ông không thể tự bảo vệ được mật khẩu của chính mình?”.

Nhân sự kiện chẳng mấy hay ho này, dân mạng bắt đầu phong trào tìm hiểu quá khứ và lai lịch của ông La Viện.

Lý do không thể chỉ trích Việt Nam

Thực ra, chức danh chính thức của ông La Viện với quân hàm thiếu tướng quân đội là Phó Thư ký Hội khoa học quân sự Trung Quốc. Vị trí đó được coi là “nhân viên văn thể” phụ trách hoạt động ở hậu phương trong tổ chức quân đội như ca múa hay diễn kịch và chức danh thiếu tướng thực chất chỉ là “danh nghĩa” nếu như không muốn nói là một thứ “trang sức”. Chức danh này không có vai trò chỉ huy thời chiến.

Dựa trên những căn cứ mà cư dân mạng phản đối ông La Viện, “quá khứ đáng hổ thẹn” của ông này đã được phơi bày. Đằng sau những tuyên bố dũng cảm, cư dân mạng cho rằng ông La “đã đào ngũ khỏi chiến trường nhờ mối quan hệ của cha mình”.

Câu chuyện “đào ngũ” của ông La Viện xảy ra vào thời điểm Trung Quốc tiến hành cuộc Chiến tranh Việt-Trung năm 1979 mà phía Trung Quốc là nước khai chiến. Ông La Viện thời điểm đó giữ vị trí tham mưu trong quân đoàn thuộc tỉnh Vân Nam, gần biên giới Việt Nam. Trước khi cuộc chiến Việt-Trung nổ ra, ông La Viện đã trở về Bắc Kinh do có một cuộc điều động nhân sự bất thường. Nhiều người đã bày tỏ nghi ngờ rằng có thể bố ông La vốn là một trợ lý thân cận của Thủ tướng Chu Ân Lai nên đã biết trước thời điểm cuộc chiến nổ ra và tìm cách tác động để ông La Viện không hề ra trận nhưng cứ như là đã có mặt ở chiến trường.

Với quá khứ như vậy, La Viện được cho là không dám phát ngôn điều gì liên quan đến Việt Nam. Vậy là quá khứ “đào ngũ khi đối diện với đối phương” đã lộ rõ. Tuy nhiên, để trả lời cho những nghi vấn về lý lịch của mình, Tướng La Viện đến nay vẫn bao biện là “để trừng trị những kẻ phản bội trong nước”, song kết quả là ông ta vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân. Nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối gay gắt ông La, như “quân nhân không được can dự vào chính trị”, “kẻ đào ngũ như ông không có tư cách bàn về phòng vệ”, và rồi ông La được dân mạng gắn cho cái mác “tướng quân võ mồm”.

Thông qua truyền thông Trung Quốc, người ta biết đến một La Viện luôn đưa ra những phát ngôn quá khích, nhưng với việc đưa những bình luận của mình lên mạng thì dường như người ta lại nhìn thấy “nghệ thuật làm trò” của ông La Viện rõ ràng cũng chỉ đến thế mà thôi. Rốt cuộc, ông ta đã tự đào huyệt chôn mình.

Theo báo Sankei, Nhật Bản

Văn Cường (gt)