Trung Quốc đã tiến hành diễn tập quân sự tại vùng biển trải dài từ đảo Okinotori -điểm cực Nam của Nhật Bản, đến Guam - nơi có căn cứ quân sự Mỹ. Đây là lần thứ 4 tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển này và tiến hành diễn tập quân sự. Hải quân Trung Quốc bắt đầu tiến ra hải dương từ những năm 70 của thế kỷ trước, dần dần mở rộng hoạt động từ Biển Đông sang biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương. Khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, Trung Quốc đã có ý đồ lấp chỗ trống sau khi quân Mỹ rút khỏi Đông Nam Á, xây dựng cầu tàu ở đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và thiết lập căn cứ tại đó.

Năm 1974, Trung Quốc đã lấy đảo này làm bàn đạp để chiếm nốt quần đảo Hoàng Sa khi đó còn do ngụy quyền Sài Gòn kiểm soát và đến cuối những năm 1980, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng đường băng 2.400 mét và cơ sở thông tin trên đảo Phú Lâm.

Tiếp đó, Trung Quốc tiến tới quần đảo Trường Sa nằm ở vùng biển phía Nam Việt Nam thuộc Biển Đông, chôn các cột mốc lãnh thổ tại 6 dải san hô ngập nước khi mãn triều, xây dựng các chòi nhỏ và biến thành căn cứ chi phối Biển Đông. Trung Quốc lại xây dựng các căn cứ thông tin và cùng với đảo Phú Lâm hình thành mạng lưới thông tin, giám sát ở Biển Đông.

Vào những năm 1990, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ hải quân tại đảo Vành Khăn ở vùng biển gần đảo Palawan của Philíppin. Tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa có tuyến hàng hải nối từ tây Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương. Trung Quốc đang tiến hành loại bỏ ảnh hưởng của Việt Nam và Philíppin ở vùng biển này và thành bại của việc chi phối tuyến đường biển này có liên quan đến sự đối phó của Mỹ. Đầu tháng 6, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã thể hiện rõ lập trường cự tuyệt sự can dự của Mỹ vào tranh chấp ở Biển Đông.

Tại biển Hoa Đông, Trung Quốc đã tiến hành điều tra hải dương vào những năm 1970, tiến hành khoan thăm dò tại vùng biển gần đường ranh giới trên biển với Nhật Bản vào những năm 1980, xây dựng dàn khoan tại mỏ khí Bình Hồ nằm gần như ở giữa đường ranh giới biển vào những năm 1990 và mỏ khí Xuân Hiểu (Nhật Bản gọi là Shirakaba) ở vùng biển ngay sát đường ranh giới vào đầu thế kỷ này. Các dàn khoan này được cho là kiêm nhiệm luôn vai trò của căn cứ quân sự.

Tháng 5-6/2000, tàu thu thập tin tình báo của hải quân Trung Quốc đã tiến từ eo biển Tsushima qua eo biển Tsugaru, tiến hành thu thập thông tin tình báo ở vùng biển từ quần đảo Ogasawara tới các quần đảo phía tây nam Nhật Bản. Việc tiến ra tây Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc đã có tín hiệu từ nhiều năm nay khi họ tiến hành điều tra hải dương ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản từ quần đảo Ogasawara đến các đảo phía Tây Nam. Họ đã tiến hành điều tra cả vùng biển gần đảo Guam. Sau đó, các cuộc huấn luyện, diễn tập quân sự của hải quân Trung Quốc dần dần được định kỳ hóa.

Vậy mục tiêu tiến ra hải dương của Trung Quốc là gì? Đó là ngăn chặn hải quân Mỹ, đặc biệt là tàu sân bay, trở ngại lớn nhất cho cuộc “thống nhất Đài Loan” tiếp cận hòn đảo này khi xảy ra biến sự. Sau những năm 1960, Trung Quốc đã phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo tầm xa có thể bắn tới Mỹ, tên lửa tầm trung có thể bắn tới các căn cứ Mỹ ở các nước xung quanh như Nhật Bản và tập trung tên lửa tầm ngắn nhằm vào Đài Loan. Gần đây, Trung Quốc đã phát triển tên lửa “kẻ hủy diệt tàu sân bay” có tầm bắn từ 800-2.800 km nhằm vào đối tượng tàu sân bay của Mỹ.

Trung Quốc hiện đang tiến hành lộ trình thống nhất Đài Loan vào năm 2020. Mục đích là để có thể nâng một chén rượu mừng lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay tại Đài Loan. Khi đó, Đài Loan sẽ trở thành tỉnh Đài Loan của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, còn Nhật Bản sẽ ra sao? Chắc chắn Nhật Bản sẽ bị Trung Quốc phong tỏa từ trên biển. Do đó, Nhật Bản cần phải hết sức chú ý đến điều này.

  Theo Sankei

 Viết Tuấn (gt)